Tranh cãi về môn Lịch sử: Cần thu hút học sinh thay vì ép buộc

Nhiều ý kiến cho rằng việc ép học sinh học sử suốt 12 năm không mang lại hiệu quả giáo dục mong đợi mà phải thay đổi cách dạy môn Lịch sử đồng thời mở rộng cơ hội việc làm gắn với môn học này.
Tranh cãi về môn Lịch sử: Cần thu hút học sinh thay vì ép buộc ảnh 1Theo các chuyên gia, cần thay đổi cách dạy môn Lịch sử để thu hút học sinh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Việc Lịch sử trở thành môn tự chọn trong chương trình trung học phổ thông mới, bắt đầu triển khai với lớp 10 từ năm học 2022-2023 đang trở thành tâm điểm của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều.

Nên bắt buộc học Lịch sử đến khi nào?

Chương trình giáo dục phổ thông mới được phân làm hai giai đoạn: Giáo dục cơ bản kết thúc ở lớp 9 và giáo dục hướng nghiệp bắt đầu từ lớp 10. Trong số đó, Lịch sử là môn bắt buộc ở giai đoạn giáo dục cơ bản, nhưng trở thành môn tự chọn ở giai đoạn hướng nghiệp.

Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hưởng, Giảng viên cao cấp Khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội bày tỏ lo ngại khi Lịch sử trở thành môn tự chọn, học sinh sẽ không lựa chọn môn học này, từ đó dẫn đến hệ lụy là học sinh không biết về lịch sử. “Quan điểm của tôi là nếu đưa môn Lịch sử lên bàn cân để lựa chọn là sai lầm lớn,” tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hưởng nói.

Đây cũng là chia sẻ của giáo sư Đỗ Thanh Bình, chủ biên sách Lịch sử từ lớp 4 đến lớp 12 theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo giáo sư Đỗ Thanh Bình, chương trình môn Lịch sử mới không được thiết kế theo hướng đồng tâm nên nếu chỉ dừng lại ở lớp 9 thì nhiều học sinh không lựa chọn lịch sử ở cấp trung học phổ thông sẽ bị thiếu hụt rất nhiều kiến thức quan trọng.

Tuy nhiên, là một giáo viên dạy môn Lịch sử lâu năm, dạy ở cả cấp trung học cơ sở lẫn trung học phổ thông và đã nghiên cứu kỹ nội dung môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới, cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa, Thành phố Hồ Chí Minh lại nhận định việc thiết kế chương trình theo hướng không đồng tâm là một bước tiến của chương trình giáo dục phổ thông mới.

[Môn Lịch sử “biến hình” như thế nào trong chương trình THPT mới?]

Theo cô Thảo, chương trình hiện hành theo dạng đồng tâm, kiến thức 4 năm học ở trung học cơ sở được rút lại thành 3 năm ở trung học phổ thông với vòng tròn đồng tâm mở rộng hơn. Vì thế, kiến thức cơ bản lặp lại khá nhiều, gây nhàm chán cho học sinh, lãng phí thời gian học.

Cũng theo cô Thảo, chương trình giáo dục phổ thông mới đã có sự thay đổi cả về lượng và chất so với chương trình giáo dục hiện hành, cả ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông. Ví dụ, ở lớp 6, chương trình cũ, môn Lịch sử chỉ có 1 tiết/tuần nhưng ở chương trình mới, thời lượng là 1,5 tiết/tuần, tăng 18 tiết, tương đương với thời lượng 1 học kỳ của môn học này so với chương trình cũ. Bên cạnh đó, lịch sử còn được tích hợp trong môn Địa lý và Giáo dục địa phương.

“Cam kết của các nhà làm chương trình giáo dục phổ thông mới về việc học sinh học hết bậc trung học cơ sở đã đủ kiến thức lịch sử cơ bản là đúng, xét cả về thời lượng và nội dung,” cô Thảo nhận định.

Tranh cãi về môn Lịch sử: Cần thu hút học sinh thay vì ép buộc ảnh 2Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo và các học sinh trong giờ học môn Lịch sử. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Với môn Lịch sử ở bậc trung học phổ thông trong chương trình mới, cô Thảo cho rằng đây là một bước tiến đáng mừng khi không còn lặp lại kiến thức cơ bản mà đã chuyên sâu hơn và có định hướng nghề nghiệp rõ ràng.

Cụ thể, ở lớp 10, thời lượng môn Lịch sử được tăng lên 2 tiết/tuần thay vì 1,5 tiết/tuần như chương trình cũ. Nội dung chương trình mới giúp học sinh hiểu sâu hơn về chuyên ngành lịch sử đồng thời có các chuyên đề bổ trợ liên quan đến các định hướng nghề nghiệp.

Cần tôn trọng lựa chọn của học sinh

Là một giáo viên dạy môn Lịch sử, cô Thảo cho hay bản thân cũng có lo lắng về việc học sinh sẽ không chọn môn Lịch sử khi lên bậc trung học phổ thông. “Tuy nhiên, khi bình tĩnh suy xét kỹ lại, tôi không thấy buồn và lo lắng mà thấy mừng vì sự thay đổi tích cực của môn Lịch sử ở chương trình,” cô Thảo chia sẻ.

Phân tích kỹ hơn, cô Thảo cho rằng đây là bậc học hướng nghiệp, vì thế, nếu học sinh không chọn hướng nghiệp lĩnh vực có liên quan đến môn Lịch sử, không thích môn Lịch sử thì việc ép buộc học sinh theo học cũng không mang lại hiệu quả tích cực, ngược lại còn gây căng thẳng, lãng phí thời gian cho cả giáo viên và học sinh.

[Bộ GD-ĐT lên tiếng về môn Lịch sử trong chương trình THPT mới]

Cô chia sẻ thực tế ở nhiều trường trung học phổ thông, học sinh theo khối khoa học tự nhiên thì các môn khoa học xã hội chỉ học mang tính đối phó, thậm chí giờ của các môn này nhưng các em vẫn mang tài liệu môn khoa học tự nhiên ra tự học.

“Chương trình mới đã xác định bậc trung học phổ thông là hướng nghiệp thì càng không thể bắt học sinh học môn không theo hướng nghiệp của các em. Cũng không cần lo lắng học sinh sẽ bỏ hẳn sử vì dù không chọn Lịch sử, các em vẫn học sử qua các môn bắt buộc khác như Giáo dục quốc phòng và an ninh, Giáo dục địa phương,” cô Thảo nói.

Tranh cãi về môn Lịch sử: Cần thu hút học sinh thay vì ép buộc ảnh 3Tiến sỹ Đàm Quang Minh. (Ảnh: EQuest)

Cần tôn trọng lựa chọn nghề nghiệp của học sinh cũng là quan điểm của tiến sỹ Đàm Quang Minh, Tổng Giám đốc Khối phổ thông, Giám đốc Dự án Phát triển Giáo dục Phổ thông của Tổ chức Giáo dục EQuest.

Theo tiến sỹ Đàm Quang Minh, chương trình trung học phổ thông mới đang đem lại sự cởi trói cho nhà trường và học sinh khi cho phép học sinh có lựa chọn từ lớp 10 theo nhiều hướng học chuyên sâu theo sở trường. “Đây là một quyết định tiến bộ cần được ủng hộ,” ông Minh nhận định.

Ông Minh cũng cho rằng quan điểm phải bắt buộc học sinh học Lịch sử để giáo dục lòng yêu nước là định tính. “Chúng ta có một người giỏi lịch sử lỗi lạc như Trần Ích Tắc vẫn bán nước nhưng những nông dân chưa biết chữ, chưa học lịch sử vẫn yêu nước nồng nàn, hy sinh cả thân mình. Cần tuân theo quy luật vận động tiên tiến của xã hội và quan trọng hơn hết, học sinh cần được tôn trọng và có tiếng nói, có quyền lựa chọn,” tiến sỹ Đàm Quang Minh nhận định.

Hãy cho học sinh tư duy lịch sử

Theo cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, một trong những nguyên nhân khiến học sinh chưa yêu thích môn Lịch sử do cách dạy sử hiện nay mới chú trọng đến việc ghi nhớ kiến thức sử chứ chưa dạy cho học sinh tư duy lịch sử. Người học chỉ thấy sử là học thuộc tư liệu cũ chán ngắt mà chưa thấy được giá trị nhận thức để áp dụng vào thực tiễn từ môn học này.

“Tư duy lịch sử giúp chúng ta thành công hơn trong thực tiễn ở nhiều lĩnh vực chứ không phải chỉ ở ngành lịch sử vì vốn dĩ lịch sử là sự tổng hợp của nhiều lĩnh vực, nhiều ngành chứ không rời rạc và tách biệt. Chúng ta mới chỉ dạy đến phần bề nổi mà chưa truyền tải được giá trị cốt lõi của môn học này. Vì thế không thu hút được học sinh,” cô Thảo nói.

Tranh cãi về môn Lịch sử: Cần thu hút học sinh thay vì ép buộc ảnh 4Thầy Nguyễn Quốc Bình. (Ảnh: NVCC)

Cùng quan điểm này, thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho rằng để học sinh yêu lịch sử, chọn môn Lịch sử thì phải thay đổi cách dạy môn học này thay vì ép các em phải học.

“Môn Lịch sử hiện nay còn nặng kiến thức, cách tiếp cận cứng nhắc, cách dạy đơn điệu, khiến học sinh không thấy được cái hay, cái đẹp của môn học. Muốn học sinh yêu lịch sử thì phải thay đổi cách dạy lịch sử hấp dẫn hơn, khai phóng tư duy và dạy cách tư duy lịch sử. Như thế, học sinh mới tìm tòi khám phá và ham học. Khi đó, dù các em không chọn Lịch sử do định hướng nghề nghiệp khác với môn học này nhưng vẫn tự tìm tài liệu lịch sử để đọc vì học là suốt đời,” thầy Bình phân tích.

Cũng theo thầy Bình, một vấn đề quan trọng khác để thúc đẩy học sinh chọn Lịch sử ở giai đoạn hướng nghiệp là phải nâng cao hơn nữa vai trò của khoa học xã hội. Xã hội càng phát triển, lĩnh vực khoa học xã hội như tâm lý học, xã hội học... càng quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay nhóm ngành này ở Việt Nam vẫn chưa được chú trọng đúng mức dẫn đến nhiều hệ lụy như những quyết sách không phù hợp thực tiễn vì thiếu điều tra xã hội học, người trẻ dễ tiêu cực vì không được giải tỏa tâm lý đúng cách...

“Cơ hội việc làm của nhóm ngành ngày ít hơn dẫn đến định hướng nghề nghiệp theo khối khoa học xã hội của học sinh cũng hạn chế hơn. Có những em yêu thích lịch sử nhưng vẫn có thể không chọn Lịch sử vì cần tính đến đầu ra,” thầy Bình nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục