TransCanada kiện Chính phủ Mỹ chặn dự án Keystone XL

TransCanada khẳng định việc Mỹ từ chối cấp phép cho dự án Keystone XL là vi phạm các cam kết của Mỹ về Hiệp định NAFTA liên quan tới đối xử công bằng và bình đẳng với mọi nhà đầu tư.
TransCanada kiện Chính phủ Mỹ chặn dự án Keystone XL ảnh 1Dự án đường ống dẫn dầu Keystone XL chạy từ Canada đến bang Texas, Mỹ. (Nguồn: kticradio.com)

Ngày 6/1, Tập đoàn TransCanada của Canada đã kiện Chính phủ Mỹ do chặn dự án đường ống dẫn dầu Keystone XL nối giữa Canada và Mỹ vốn gây tranh cãi trong nhiều năm.

Trong đơn kiện trình lên một tòa án liên bang tại thành phố Houston, bang Texas, Mỹ, TransCanada khẳng định việc Washington từ chối cấp phép cho dự án Keystone XL là "độc đoán và vô lý" và vi phạm các cam kết của Mỹ trong Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) liên quan tới đối xử công bằng và bình đẳng với mọi nhà đầu tư.

TransCanada dẫn 3 trường hợp trước đó khi Mỹ cấp phép cho dự án vận chuyển dầu tương tự của 3 công ty khác.

Hãng này yêu cầu một khoản bồi thường 15 tỷ USD cho các đầu tư của hãng vào dự án theo như quy định của NAFTA, đồng thời yêu cầu làm mất hiệu lực quyết định bác cấp phép và đảm bảo không tổng thống nào của nước Mỹ trong tương lai có thể chặn hoạt động xây dựng dự án này.

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối đưa ra bình luận đối với các vụ kiện chưa chính thức ra tòa.

Hồi tháng 11/2015, Tổng thống Barack Obama đã bác dự án xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL, cho rằng dự án này sẽ không phục vụ cho các lợi ích quốc gia của Mỹ.

Động thái trên của Nhà Trắng đã ảnh hưởng đến tập đoàn TransCanada của Canada - đơn vị chủ chốt tham gia xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL. Tuy nhiên, người đứng đầu TransCanada khẳng định sẽ không từ bỏ dự án trên.

Dự án Keystone XL do tập đoàn TransCanada của Canada và tập đoàn ConocoPhillips của Mỹ đề xuất năm 2008 với tổng vốn đầu tư 7 tỷ USD.

Với chiều dài 3.462km chạy qua 6 bang của Mỹ, tuyến đường ống này dự kiến được xây dựng theo hai giai đoạn và khi hoàn tất có thể vận chuyển hơn 800.000 thùng dầu/ngày từ các mỏ dầu ở Canada tới các nhà máy lọc dầu ở các bang bờ biển phía Nam nước Mỹ.

Các nhóm hoạt động về môi trường ở cả Mỹ và Canada phản đối vì lo ngại dự án này sẽ phá hủy môi trường và hệ sinh thái những nơi đường ống chạy qua.

Trong khi đó, các nhà lập pháp của phe Cộng hòa coi dự án Keystone XL là ưu tiên hàng đầu khi đảng này nắm quyền lãnh đạo lưỡng viện Quốc hội, cho rằng đây là dự án giúp tạo thêm việc làm cũng như tăng sự độc lập về năng lượng của Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.