Mặc dù đã hy sinh hàng chục năm nhưng phải đến hôm nay, hơn 670 liệt sỹ mới được công nhận. Bằng Tổ quốc ghi công đã được long trọng trao cho thân nhân, gia đình liệt sỹ.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tổ chức Lễ trao bằng Tổ quốc ghi công cho đại diện 672 thân nhân, gia đình liệt sỹ, thể hiện sự ghi nhận, tôn vinh của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với các Anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc vào ngày 16/12 tại Hà Nội.
Hy sinh hơn 70 năm mới được công nhận liệt sỹ
Cụ Phan Văn Viễn, sinh năm 1895 tại xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, hy sinh năm 1948 khi trên đường đi họp theo giấy triệu tập của Ủy ban kháng chiến xã, bị giặc Pháp phục kích bắt giam và tra khảo, do không khai báo nên bị địch bắn chết.
Cụ Nguyễn Văn Sớm, sinh năm 1900, quê ở xã Chánh Hội, xã Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, là cán bộ tuyên truyền xã hy sinh năm 1931 trong khi làm nhiệm vụ công tác tuyên truyền về Đảng, bị địch phát hiện bắt giam tại nhà tù Côn Đảo và bị tra tấn đến chết trong tù...
Đó là hai trong số 672 liệt sỹ được công nhận lần này. Đặc biệt, có đến 148 trường hợp hy sinh đã cách đây trên 70 năm, thậm chí có trường hợp 86 năm.
[Công nhận liệt sỹ 94 người hy sinh từ thời kháng chiến chống Pháp]
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung lý giải, những trường hợp hy sinh hơn 70 năm chưa được công nhận là do không có hồ sơ, giấy tờ gốc, không còn thân nhân chủ yếu, còn thiếu một số điều kiện theo quy định, người làm chứng không cùng đơn vị, không cùng chiến đấu, hồ sơ thất lạc phải làm lại từ đầu hoặc hồ sơ phải bổ sung nhiều lần đến khi hoàn thiện thì hết hiệu lực văn bản quy định và nhiều lý do khác.
Tại buổi lễ, bác Phan Văn Suyền (74 tuổi, trú tại phường An Đôn, thị xã Quảng Trị) đại điện cho hàng trăm thân nhân, gia đình liệt sỹ đã bày tỏ niềm vinh dự và tự hào khi gia đình đón nhận Bằng Tổ quốc ghi công đối với ông nội là Liệt sỹ Phan Văn Viễn (sinh năm 1895).
“Bằng Tổ quốc ghi công là một tài sản tinh thần quý báu, vô giá của gia đình, dòng họ, là niềm tự hào lớn để con cháu trong gia đình phấn đấu lao động, học tập và cống hiến cho quê hương, đất nước,” bác Phan Văn Suyền xúc động nói.
Tính đến nay, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ cấp, đổi trên 50.000 Bằng Tổ quốc ghi công. Các địa phương, ngành, công an, quân đội đã xác nhận 2.500 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.
Đặc biệt, trong năm 2017, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xác nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với 1.250 liệt sỹ, trong đó có nhiều trường hợp là các liệt sỹ đã hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Tiếp tục đẩy mạnh giải quyết hồ sơ tồn đọng
Ghi nhận những công lao đóng góp to lớn của những thế hệ cha, anh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, giữ gìn và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, trong suốt 70 năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân thường xuyên chăm lo đến công tác thương binh, liệt sỹ, người có công.
Hệ thống chính sách về người có công được ban hành, sửa đổi, bổ sung thường xuyên phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Nhà nước luôn quan tâm, dành nguồn lực thỏa đáng, các địa phương tích cực triển khai thực hiện đúng đối tượng, đầy đủ chính sách và kịp thời về thời gian, được xã hội đánh giá cao.
Phát biểu tại buổi Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân xúc động nói: “Trong những năm qua, điều băn khoăn, trăn trở nhất của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta là đã có bao nhiêu thế hệ các bác, các chú, các anh, các chị ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc, nhưng do không còn hồ sơ, giấy tờ gốc, những người giao nhiệm vụ và biết sự việc không còn... nên chưa được các cơ quan chức năng xem xét để xác nhận người bị chết là liệt sỹ, người bị thương là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.”
“Với tinh thần không để người có công nào với nước không được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước, thời gian qua, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cùng các cấp, các ngành với tinh thần trách nhiệm cao, cùng cách làm đột phá, sáng tạo đã xác nhận được hàng nghìn liệt sỹ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Kết quả này tuy chưa nhiều nhưng là cơ sở để chúng ta tiến đến giải quyết căn bản các hồ sơ tồn đọng trong việc xác nhận người có công”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, hơn lúc nào hết cần phát huy các kết quả đã đạt được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách để thực hiện việc xác nhận người có công với cách mạng cho những người đã có đóng góp, hy sinh vì cách mạng, vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, góp phần bù đắp những đau thương, mất mát của người có công và gia đình người có công với cách mạng.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, quá trình triển khai thực hiện việc xác nhận hồ sơ người có công còn tồn đọng tại các địa phương đang nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp quần chúng nhân dân, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, với một quyết tâm mạnh mẽ và niềm tin mãnh liệt nhằm thực hiện mục tiêu lớn lao của Đảng, Nhà nước.
Đến nay, cả nước đã xác nhận trên 9 triệu người có công với cách mạng, trong đó có 1,2 triệu liệt sỹ, 127.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 800.000 thương bệnh binh, 110.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, 312.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; hàng triệu người có công giúp đỡ cách mạng./.