Trên 11,8 triệu ha đất nguy cơ sa mạc hóa: Cần hành động vì mục tiêu bền vững

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh kêu gọi các ban, bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân có hành động thiết thực để giải quyết vấn đề hạn hán, bảo vệ môi trường, sử dụng biển bền vững.
Hiện cả nước có trên 11,8 triệu hécta chịu tác động của thoái hóa, hoang hóa. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đang tiế​p tục diễn b​iến phức tạp. Hiện cả nước có trên 11,8 triệu hécta chịu tác động của thoái hóa, hoang hóa nguy cơ dẫn tới sa mạc hóa, ảnh hưởng lớn đối với ngành nông nghiệp...

Do đó, người đứng đầu ngành tài nguyên và môi trường kêu gọi các ban, bộ, ngành, cơ quan đoàn thể ở Trung ương, chính quyền các địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân hãy có những hành động thiết thực để giải quyết vấn đề hạn hán, sa mạc hoá, góp phần bảo vệ môi trường; khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo để giảm tải đất đai.

Phục hồi đất, sử dụng bền vững không gian biển

Phát biểu tại Lễ phát động Quốc gia Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì môi trường năm 2024 hưởng ứng 2 ngày kỷ niệm trên, ngày 10/6, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh Ngày Môi trường thế giới 2024 đã được Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa.”

Chủ đề trên được UNEP lựa chọn xuất phát từ thực tế hiện nay có tới 40% diện tích đất đai trên hành tinh bị suy thoái, ảnh hưởng trực tiếp đến một nửa dân số thế giới và đe dọa khoảng một nửa GDP toàn cầu; từ đó kêu gọi cộng đồng và mọi người dân cùng chung tay hướng tới phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực quốc gia.

Tại Việt Nam, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tiế​p tục diễn b​iến phức tạp. Hiện cả nước có trên 11,8 triệu hécta, chiếm 35,74% tổng diện tích đất tự nhiên chịu tác động của thoái hóa, hoang hóa nguy cơ dẫn tới sa mạc hóa.

"Tình trạng này vẫn đang tiếp tục gia tăng và sẽ ảnh hưởng lớn đối với ngành nông nghiệp," Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nói.

Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, trong điều kiện nguồn tài nguyên thiên nhiên trên đất liền ngày càng bị khai thác tối đa, tài nguyên đất đối mặt với tình trạng suy thoái, nhiều quốc gia đang thực hiện chiến lược hướng ra đại dương nhằm tìm kiếm, khai thác các tài nguyên của biển.

Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế biển, biển có nhiều cửa ngõ giao lưu quốc tế để đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.

Do vậy, thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định chủ đề trọng tâm của Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam năm nay là “Quản lý, sử dụng bền vững không gian biển.”

Chủ đề trên nhằm phân bổ, quản lý hiệu quả, giảm thiểu các mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng không gian biển nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững về kinh tế biển, xã hội, bảo vệ môi trường bền vững.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

"Ngày Môi trường thế giới và Ngày Đại dương thế giới năm 2024 là cơ hội để cùng nhau khẳng định quyết tâm hành động ngăn chặn sự gia tăng về tốc độ suy thoái tài nguyên đất, hạn chế tình trạng hạn hán, sa mạc hoá, khai thác; sử dụng bền vững, hiệu quả tài nguyên đất, biển và hải đảo, vì mục tiêu phát triển bền vững," Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh.

Hành động vì mục tiêu phát triển bền vững

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh phát động đã kêu gọi các ban, bộ, ngành, cơ quan đoàn thể ở Trung ương, chính quyền các địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân hãy có những hành động thiết thực để giải quyết vấn đề hạn hán, sa mạc hoá, góp phần bảo vệ môi trường; khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cụ thể, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị các cấp chính quyền cần nâng cao nhận thức, coi nội dung phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa là một phần không thể tách rời của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; theo dõi chặt chẽ diễn biến chất lượng môi trường đất; khoanh vùng khu vực đất bị ô nhiễm để có kế hoạch xử lý, cải tạo và phục hồi; tăng cường điều tra đánh giá thực trạng hoang mạc hóa, xây dựng bản đồ hạn hán cho các khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp.

Các địa phương, tổ chức liên quan cần tăng cường công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là vùng biển ven bờ; cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường biển, ngăn chặn sự suy thoái tài nguyên, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển; xử lý tốt các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển và đại dương từ đất liền, giảm thiểu rác thải nhựa.

Bên cạnh đó các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục mở rộng và tăng cường hợp tác với các quốc gia, các đối tác, tổ chức quốc tế, khu vực về biển và đại dương trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, quyền, các lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển; tiếp nhận chuyển giao công nghệ, tham gia vào các nỗ lực toàn cầu về giảm phát; quản lý, sử dụng bền vững không gian biển.

Mặt khác, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị các địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức về phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa, ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường biển; biến nhận thức thành ý thức tự giác và hành động cụ thể, thiết thực ở mỗi cấp, doanh nghiệp và từng cá nhân.

Tranh ảnh về biển đảo, môi trường được trưng bày tại lễ phát động. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thể hiện quyết tâm từ phía địa phương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết trong thời gian tới, tỉnh này sẽ có những chỉ đạo quản lý triển khai cho các sở, ban, ngành và đoàn thể theo Nghị quyết liên tịch và các chương trình phối hợp để làm thay đổi đáng kể từ tư duy, nhận thức về bảo vệ môi trường trong cán bộ, nhân dân, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh.

Về phía tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF), ông Văn Ngọc Thịnh - Giám đốc điều hành WWF Việt Nam cho biết tổ chức này và cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao những cam kết và quyết tâm hành động của Việt Nam thời gian qua về biến đổi khí hậu (Net Zero tại COP26) và Khung đa dạng sinh học toàn cầu (GBF COP15) tại Kunming và Montreal; đặc biệt là thông qua việc ủng hộ sáng kiến 30x30 (nỗ lực đóng góp cho mục tiêu chung của toàn cầu là bảo vệ và bảo tồn ít nhất 30% diện tích trên đất liền và trên biển đến năm 2030).

"Cùng với các đối tác quốc tế khác, WWF vinh dự thấy rằng những đóng góp của WWF tại Việt Nam dù còn khiêm tốn nhưng đã được ghi nhận, mang lại ý nghĩa và giá trị về môi trường, có tác dụng truyền cảm hứng và lan tỏa ra các vùng miền khác của cả nước," ông Văn Ngọc Thịnh nhấn mạnh.

Tuy vậy, đại diện WWF cũng lưu ý dù Việt Nam đã cố gắng nhiều và đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng chừng đó là chưa đủ để cứu lấy Hành tinh xanh này. Vì vậy, WWF sẽ tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa bằng quyết tâm và hành động không ngừng nghỉ cho sứ mệnh bảo tồn của mình ở Việt Nam, vì một hành tinh xanh tươi, vì tương lai của các thế hệ mai sau./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục