Theo Sở Giao thông Vận tải thành phố Cần Thơ, thực hiện Nghị quyết số 72 ngày 7/12/2016 của Hội đồng nhân dân thành phố về việc thông qua Quy hoạch phát triển giao thông nông thôn thành phố Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2016-2021, thành phố Cần Thơ đã đầu tư tổng kinh phí 1.950,25 tỷ đồng để làm mới hệ thống giao thông nông thôn từ các tuyến đường huyện, xã, phường, ấp và ngõ xóm...
Nguồn vốn đầu tư trên đạt gần gấp 3 lần so với kế hoạch nghị quyết đã đề ra.
Cụ thể, vốn ngân sách đầu tư là 1.021 tỷ đồng, vốn do nhân dân đóng góp là 872,58 tỷ đồng; trong đó bằng tiền mặt là 60,51 tỷ đồng, hiến đất quy đổi thành tiền là 736,58 tỷ đồng, ngày công quy đổi thành tiền là 75,45 tỷ đồng. Còn vốn do tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tài trợ là 56,61 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn trên, đến nay thành phố Cần Thơ đã đầu tư 23 trong số 26 tuyến đường huyện với tổng chiều dài là 136,75km đạt cấp V đồng bằng. Thành phố cũng đã đầu tư 784 tuyến đường xã với tổng chiều dài 1.979km; trong đó, có 625 tuyến với tổng chiều dài là 1.639km đạt cấp đường quy hoạch.
Đối với đường trục xã và đường liên xã, đến nay thành phố Cần Thơ đã có 172 tuyến với tổng chiều dài là 583,5km đạt 100% cứng hóa, đạt tiêu chuẩn đường cấp A hoặc cấp B giao thông nông thôn.
Đồng thời, có 247 tuyến đường ấp và đường liên ấp với tổng chiều dài là 614,68km đạt trên 50% cứng hóa, đạt tiêu chuẩn đường cấp B hoặc cấp C giao thông nông thôn.
[Gần 780 tỷ đồng xây dựng đường giao thông nông thôn ở Tuyên Quang]
Ngoài ra, chính quyền các địa phương và nhân dân thành phố Cần Thơ còn đầu tư thực hiện 206 tuyến đường ngõ, xóm với tổng chiều dài trên 441 km đạt trên 50% cứng hóa, đạt tiêu chuẩn đường cấp C hoặc cấp D giao thông nông thôn, 100% sạch và không lầy lội vào mùa mưa.
Nhờ tích cực đầu tư, đến nay thành phố Cần Thơ đã có 36 trong số 36 xã có đường ô tô về đến trung tâm và đạt quy mô đường từ cấp V và cấp VI đồng bằng. Đồng thời, kết nối thông suốt từ trung tâm các xã đến trung tâm các huyện và kết nối với đường tỉnh, quốc lộ trên địa bàn thành phố, cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa khu vực nông thôn bằng đường ôtô....
Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, trong 5 năm qua, nhờ thực hiện Nghị quyết 72 của Hội đồng nhân dân thành phố, hệ thống giao thông nông thôn của thành phố Cần Thơ đã có bước phát triển nhanh, cơ bản đáp ứng yêu cầu đi lại của người dân cũng như việc vận chuyển hành khách, hàng hóa của nhân dân được thuận tiện, thông suốt.
Từ đó, góp phần rất lớn vào việc hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của thành phố sớm hơn kế hoạch 1 năm.
Tuy nhiên, so với nhu cầu đô thị hóa nhanh như hiện nay cũng như yêu cầu phát triển của thành phố Cần Thơ trong thời gian tới, thành phố Cần Thơ cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư nguồn vốn từ ngân sách, vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và nhân dân để phát triển hệ thống giao thông nông nông ngày càng thuận lợi, thông suốt, chất lượng hơn.
Điều này góp phần phát triển kinh tế-xã hội, hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu cho thành phố...
Theo Sở Giao thông Vận tải thành phố, trong giai đoạn 2021-2025 để nâng chất tiêu chí số 2 về giao thông cho 4 huyện và 36 đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thành phố sẽ tiếp tục huy động các nguồn vốn xây dựng và phát triển giao thông nông thôn.
Dự kiến, tổng nguồn vốn đầu tư trong giai đoạn này là 1.867,4 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách là 1.315,6 tỷ đồng, vốn xã hội hóa do nhân dân đóng góp và các tổ chức, doanh nghiệp tài trợ là 551,8 tỷ đồng./.