Trên 98% cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở TP.HCM vẫn duy trì hoạt động

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn duy trì hoạt động của trên 98% số cửa hàng xăng dầu trên địa bàn, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân.
(Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN)

Chiều tối 9/2, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố; tình hình của thị trường bất động sản và cơ chế đề xuất áp dụng hình thức hợp đồng BOT đối với hệ thống đường bộ hiện hữu.

Thông tin tại buổi họp báo, ông Ngô Hồng Y, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh), cho biết trên địa bàn thành phố hiện có hệ thống cung cấp xăng dầu gồm 15 thương nhân đầu mối nhập khẩu và sản xuất, cung cấp xăng dầu; 61 thương nhân phân phối, 1 tổng đại lý cùng 36 hệ thống bán lẻ với 449 cửa hàng.

Nhằm bảo đảm hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vừa qua, các đội quản lý thị trường thành phố đã giám sát chặt chẽ tình hình cung ứng xăng dầu; kịp thời phát hiện các dấu hiệu vi phạm ngưng nghỉ kinh doanh không lý do.

[Phát hiện nhiều vi phạm qua kiểm tra, giám sát kinh doanh xăng dầu]

Qua kiểm tra, giám sát cho thấy về cơ bản tình hình kinh doanh xăng dầu của thành phố vẫn ổn định, không có tình trạng găm hàng hoặc bán không đúng giá niêm yết.

Nhờ đó, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, thành phố vẫn duy trì hoạt động của trên 98% số cửa hàng xăng dầu trên địa bàn, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân. Hiện chỉ có 6 cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngưng hoạt động do xin phép sửa chữa hoặc chờ giải thể.

Theo ông Ngô Hồng Y, thời gian tới, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phối hợp lực lượng quản lý thị trường và Ủy ban nhân dân các quận, huyện giám sát tình hình hoạt động của các cây xăng; đảm bảo các cửa hàng hoạt động thường xuyên, cung cấp xăng dầu đầy đủ cho người dân trên địa bàn thành phố.

Đối với các đơn vị kinh doanh xăng dầu tạm ngưng hoạt động hoặc ngưng bán hàng không đúng quy định, Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ đạo thẩm tra, xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật.

Về tình hình nhà ở, bất động sản trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, ông Vũ Anh Dũng, Phó Phòng phát triển nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh), cho hay nhìn chung, thị trường bất động sản thành phố trong năm 2022 có phát triển với 23 dự án bất động sản được xác nhận đủ điều kiện huy động vốn nhưng mức phát triển này chưa ổn định; cơ cấu nguồn cung dự án đối với từng phân khúc nhà ở tăng giảm không đều, cơ cấu sản phẩm mất cân đối.

Bên cạnh đó, việc kiểm soát chặt kênh tín dụng ngân hàng, tăng lãi suất huy động vốn cùng vấn đề về phát hành trái phiếu cũng khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản lâm vào cảnh khó khăn; thanh khoản thị trường thấp, nhiều dự án xây dựng dở dang phải dừng lại, gây lãng phí nguồn lực cho xã hội.

Năm 2023, Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh dự báo thị trường bất động sản thành phố tiếp tục gặp khó khăn, cần có sự điều chỉnh để giải quyết lệch pha cung cầu, hiện nay, thị trường đang lệch về phía phân khúc bất động sản trung cấp.

Về giải pháp, thành phố sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn tối đa thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở; rà soát các dự án chậm tiến độ do vướng mắc về pháp lý, dự án chưa nộp tiền sử dụng đất, dự án bị các chủ đầu tư chậm trễ làm các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tập trung phát triển các công trình hạ tầng giao thông kết nối với vành đai 2, 3, kết nối Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục ban hành quy trình, trình tự thủ tục đầu tư xây dựng cụ thể nhằm tạo sự minh bạch, rõ ràng trách nhiệm của các Sở, ngành trong quy hoạch, xác định nghĩa vụ tài chính, tiền sử dụng đất.

Đồng thời, cơ quan chức năng cũng rà soát các dự án bất động sản vướng mắc pháp lý, dự án chưa nộp tiền sử dụng đất, chủ đầu tư chậm trễ trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà hoặc tài sản gắn liền với đất cho người dân.

Đối với cơ chế đề xuất áp dụng hình thức hợp đồng BOT để nâng cấp hệ thống đường bộ hiện hữu, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Hòa An cho biết đề xuất này tập trung vào các tuyến đường trục chính đô thị kết nối vùng quốc lộ đi qua địa phận Thành phố Hồ Chí Minh như Quốc lộ 1, Quốc lộ 13, Quốc lộ 22… với quy mô đầu tư mở rộng theo lộ giới quy hoạch đầu tư đường trên cao.

Theo ông Bùi Hoà An, việc áp dụng hình thức hợp đồng BOT là hình thức thu phí trực tiếp của người sử dụng để hoàn vốn đầu tư, mục đích là để giảm áp lực cho ngân sách địa phương. Trong bối cảnh ngân sách thành phố chưa thể cân đối đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng nói chung và kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng thì đây là giải pháp hợp lý.

Ông Bùi Hòa An cho hay nhằm bảo đảm hài hòa về quyền, lợi ích và trách nhiệm của các bên như Nhà nước, doanh nghiệp, người sử dụng dịch vụ, các tổ chức tín dụng..., quá trình xác định và lựa chọn công trình đầu tư áp dụng hình thức hợp đồng BOT sẽ được thành phố chủ động xem xét, đánh giá đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên theo đúng quy định pháp luật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục