“Tri ân anh hùng liệt sĩ khiến bản thân trở nên tốt hơn, nhân văn hơn”

“Chiến tranh đã qua đi rất lâu, hòa bình lập lại đã hơn 40 năm, nhưng những nỗi đau là vẫn còn đó và tấm lòng biết ơn là rất trân thật, nó đến từ mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội.”
Khởi công Nhà khách miễn phí tại Nghĩa trang Trường Sơn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Quảng Trị, mảnh đất anh hùng, nơi ghi dấu biết bao hy sinh, mất mát của những người con nước Việt đã ngã xuống trong suốt thời kháng chiến chống Mỹ. Quảng Trị không chỉ là cái tên đơn thuần chỉ địa danh mà nó đã thành biểu tượng chung về niềm tự hào của một thời kỳ hào hùng.

Trên toàn tỉnh có đến 72 nghĩa trang liệt sĩ, nơi yên nghỉ của hơn 60.000 chiến sĩ, riêng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn đã quy tụ đến 10.333 phần mộ của các liệt sĩ. Có thể nói rằng, bất cứ tỉnh, thành nào trên mọi miền đất nước ​đều có những con tham gia trực tiếp chiến đấu tại nơi đây và trong đó nhiều người đã vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất "linh thiêng" này.

Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, bên Quốc lộ 15, thuộc xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, cách thị xã Đông Hà khoảng 38 km về phía Tây Bắc và cách Quốc lộ 1A hơn 20 km về phía Tây bắc. Hàng năm, “địa chỉ đỏ” này không chỉ ​đón tiếp các đoàn đại biểu của Đảng và Nhà nước, chính quyền các địa phương đến viếng thăm mà đây còn là nơi hành hương của nhân dân khắp mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế, ​với truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn.”

Tuy nhiên, dù Ban quản lý nghĩa trang đã cố gắng hết sức, nhưng việc tiếp đón các gia đình liệt sĩ, các đoàn khách trong và ngoài nước đến thăm viếng, nhất là vào thời điểm ngày Lễ, Tết, kỷ niệm Thương Binh - Liệt sĩ... vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu và còn nhiều hạn chế.

Xuất phát từ thực tế đó, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa Việt Nam phối hợp với Quỹ Mãi mãi tuổi 20, đã khởi công xây dựng công trình Nhà khách, Đền thờ và Tượng đài “Mãi mãi tuổi 20” tại Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn.

Sau khi hoàn thành, nhà khách sẽ có 24 phòng ngủ, nhà vệ sinh khép kín đồng thời sẽ cung cấp sẵn lương thực và thực phẩm thiết yếu, để thân nhân các gia đình Liệt sĩ, Thương binh khi đến thăm viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn có thể tự phục vụ và được ăn nghỉ miễn phí.

Khởi công Nhà khách tại Nghĩa trang Trường Sơn, ngày 22/12/2015. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Được khởi công từ ngày 22/12/2015, đến nay các công trình đang trên giai đoạn hoàn tất. Nói về những đóng góp, ông Tô Hoài Nam không khỏi bùi ngùi kể lại, “có những cá nhân, như chị Phương làm công việc rửa bát thuê trên phố Thụy Khuê trực tiếp đến tận trụ sở Hiệp hội, xin đóng góp 100.000 đồng cho Công trình. Hay có vợ, chồng đồng chí nguyên là bộ trưởng từ thời kỳ trước, hai ông bà tiết kiệm được ít tiền đến đưa cho tôi nói là có chút ít đóng góp cho công trình. Tôi rất xúc động, bởi bản thân cả hai người đó cũng là những người lính ở nơi chiến trường.”

Kinh phí xây dựng Công trình được đóng góp tất cả từ nguồn xã hội hóa, bởi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước với các hình thức khác nhau, từ tài chính, hiện vật… đến các hoạt động tình nguyện. Ông Nam chia sẻ, tất cả những người tham gia ban tổ chức, ban lãnh đạo thi công công trình đều tình nguyện không lấy lương. Thậm chí, có người tình nguyện đóng góp sức mình, từ Hà Nội vào đây sinh sống hai năm để giám sát thi công cho đến khi Công trình hoàn tất.

“Chiến tranh đã qua đi rất lâu, hòa bình lập lại hơn 40 năm, nhưng những nỗi đau là vẫn còn đó và tấm lòng biết ơn là rất chân thật, nó đến từ mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội,” ông Nam rơm rớm nói.

Kể về quá trình thi công, ông Nam không khỏi xúc động. Ông nói rằng, vì mỗi tấc đất đều “thấm đẫm máu xương”, mỗi cái cây đều “chở che bóng mát cho các anh, các chị,” do đó thiết kế cố gắng giữ nguyên hiện trạng, không một cái cây nào bị đốn bỏ, địa thế dù gập ghềnh song phải hạn chế tối đa việc đào xới… Điều này khiến cho việc thi công vô cùng khó khăn, vất vả và khiến cho khâu thiết kế phải thay đổi nhiều lần. Song từ người quản lý, người thiết kế, kỹ sư đến công nhân đều không quản ngại, bất chấp khó khăn về thời tiết để đảm bảo tiến độ công trình.

“Người ủng hộ nhiều, ủng hộ ít, chúng tôi đều trân trọng. Bởi chúng tôi nhận thức đây là tấm lòng. Ẩn chứa bên trong đó là những điều rất giản dị, có những người đã nói với tôi - khi tham gia vào công trình cảm thấy bản thân mình như tốt lên. Chính những công trình này đã tác động lại với chúng tôi, nó làm cho chúng tôi tin tưởng hơn, làm cho chúng tôi trở nên nhân văn,” ông Nam nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục