Theo trang mạng edition.cnn.com/ Reuters, trong khi chỉ còn hơn 30 ngày nữa là tới thời hạn Anh phải chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng Theresa May một lần nữa lại trì hoãn cuộc bỏ phiếu tại nghị viện về thỏa thuận Brexit với nỗ lực trong “tuyệt vọng” nhằm có thêm thời gian để tái đàm phán một số điều khoản với Brussels.
Cuộc bỏ phiếu “có ý nghĩa” ban đầu dự kiến diễn ra ngày 26/2 song trả lời báo giới khi đang trên đường tới dự thượng đỉnh EU-Liên đoàn Arập tại Ai Cập vào ngày 24/2, nhà lãnh đạo Anh nói rằng sự kiện này sẽ được hoãn lại vào ngày 12/3 tới, tức là chỉ 17 ngày trước thời hạn Brexit.
Thủ tướng May cũng nói thêm rằng bà sẽ quay trở lại Brussels trong ngày 25/2 để tiếp tục thảo luận, “vì vậy cuộc bỏ phiếu có ý nghĩa sẽ không diễn ra tại Quốc hội trong tuần này… Tuy nhiên chúng tôi đảm bảo nó sẽ được tiến hành trước 12/3.”
Văn phòng Thủ tướng Anh đã xác nhận thông tin về cuộc bỏ phiếu bị hoãn với CNN.
Quyết định kể trên nhiều khả năng sẽ càng làm gia tăng mâu thuẫn trong chính phủ của Thủ tướng May về Brexit.
Một số thành viên nội các công khai chỉ trích Thủ tướng khi bà không chịu chấp nhận khả năng Anh sẽ phải rời EU mà không có thỏa thuận.
[Pháp thận trọng về khả năng Anh trì hoãn thời điểm rời EU]
Trong tuần này, các nhà lập pháp có thể đưa ra những quyết định có ảnh hưởng. Thay vì tham gia cuộc bỏ phiếu có ý nghĩa vào ngày 26/2, các nhà lập pháp có thể bổ sung các sửa đổi mang tính trung lập cho tiến trình Brexit, chẳng hạn như buộc chính phủ trì hoãn việc thực thi Điều 50 Hiệp ước Lisbon hoặc tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân thứ hai.
Công đảng đối lập đã chỉ trích quyết định trì hoãn cuộc bỏ phiếu sang tận giữa tháng 3 của Thủ tướng May. Bộ trưởng Brexit Keir Starmer thậm chí còn gọi đây là hành động “đỉnh điểm của vô trách nhiệm.”
Thủ tướng May khẳng định thời hạn chót của Brexit chắc chắn vẫn sẽ được tuân thủ song dư luận bên ngoài chính phủ không mấy tin tưởng khả năng này.
Nhiều quan chức chính quyền cũng dần có những suy nghĩ tương tự. Ngày 23/2, 3 thành viên nội các là Bộ trưởng Bộ Lao động và Hưu trí Amber Rudd, Bộ trưởng Tư pháp David Gauke and Bộ trưởng Doanh nghiệp Greg Clark viết trên Daily Mail rằng họ sẽ đứng về phe đối lập và bỏ phiếu để trì hoãn thời hạn Anh rút khỏi EU nếu không có bất kỳ đột phá nào trong tuần này.
Ba bộ trưởng nhấn mạnh họ muốn ngăn chặn kịch bản không thỏa thuận “tồi tệ”. Đây cũng là quan điểm của cựu Thủ tướng Công đảng Gordon Brown, người bình luận trên báo Sunday Mirror rằng việc gia hạn thời gian thực thi Điều 50 sẽ “giúp chúng ta có thời gian xem xét, cân nhắc và tái đàm phán các điều khoản vụng về của Thủ tướng May.”
Trong khi đó, hãng tin Reuters ngày 25/2 dẫn lời Bộ trưởng Giáo dục Damian Hinds nói rằng việc trì hoãn thời hạn Brexit cũng chẳng thể nào cứu vãn tình hình hay hóa giải các khúc mắc liên quan tới thỏa thuận ra đi mà Thủ tướng May đưa ra.
Ông nói: “Những trì hoãn mà người ta đang nhắc tới không thể giải quyết điều gì, chúng chỉ kéo dài vấn đề. Chúng tạo ra môi trường bất ổn đối với giới doanh nghiệp, không thể giải quyết sự bế tắc của những mâu thuẫn và tranh cãi… Tôi không ủng hộ giải pháp trì hoãn, chúng tôi đang nỗ lực để đảm bảo (Anh) sẽ rời Liên minh châu Âu vào đúng thời hạn 29/3.”
EU sẵn sàng cân nhắc việc gia hạn tiến trình Brexit song chỉ khi Anh có thể đảm bảo rằng việc trì hoãn này có thể hóa giải những bế tắc tại cơ quan lập pháp, nơi các nghị sỹ cương quyết phản đối thỏa thuận ra đi mà Thủ tướng May từng nhất trí với Brussels trước đó.
Reuters cho biết tại thượng đỉnh EU-AL, bà May đã gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của hai nhà lãnh đạo này trong việc có được những thay đổi quan trọng trong thỏa thuận.
Tuy nhiên, Brussels ngày càng tỏ thái độ chán nản với Thủ tướng Anh và cho tới nay vẫn cương quyết phản đối đề xuất tái đàm phán.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker ngày 24/2 nói rằng ông đã quá “ngán ngẩm” Brexit./.