Triển khai sớm giải pháp đảm bảo dự toán ngân sách

Thủ tướng đề nghị ngay từ đầu năm 2014, ngành tài chính cần tổ chức triển khai thực hiện tốt các giải pháp đảm bảo dự toán ngân sách Nhà nước.
Triển khai sớm giải pháp đảm bảo dự toán ngân sách ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Ngày 30/12, phát biểu tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tài chính-ngân sách Nhà nước năm 2013, triển khai nhiệm vụ tài chính-ngân sách Nhà nước năm 2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ngay từ đầu năm, ngành tài chính cần tổ chức triển khai thực hiện tốt các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo dự toán ngân sách Nhà nước.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh tập thể cán bộ công chức, viên chức ngành tài chính, từ Trung ương đến địa phương đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, đạt được những kết quả tích cực, đóng góp vào thành công chung của công tác điều hành kinh tế-xã hội năm 2013 của Chính phủ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá thành tích nổi bật của ngành tài chính năm 2013 là đảm bảo thu chi ngân sách trong điều kiện hết sức khó khăn; đảm bảo thu đúng, thu đủ cho Ngân sách Nhà nước nhưng vẫn thực hiện kịp thời miễn giảm thuế cho các đối tượng theo Nghị quyết của Quốc hội, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Việc bảo đảm an toàn nợ quốc gia được quản lý chặt chẽ và bảo đảm. Quản lý thị trường chứng khoán có bước phát triển khá, góp phần bổ sung nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế và thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước. Thị trường bảo hiểm mặc dù có khó khăn, nhưng cũng tăng trưởng cả về doanh thu, tổng tài sản và tổng nguồn vốn chủ sở hữu. Việc bảo đảm an sinh xã hội, tái cơ cấu thị trường tài chính ngân hàng, xây dựng thể chế được triển khai tốt.

Nhấn mạnh đến nhiệm vụ thu chi ngân sách trong bối cảnh được dự kiến là còn nhiều khó khăn của năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị, ngành tài chính tích cực, nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành địa phương hoàn thành các chỉ tiêu ngân sách của năm 2014 như tăng trưởng kinh tế ở mức 5,8%, cao hơn năm 2013, tạo đà để đến năm 2015 tăng trưởng đạt khoảng 6% trở lên; đồng thời, vẫn phải kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 6,5-7%; ổn định tỷ giá, thúc đẩy xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư; đi đôi với việc đảm bảo các chính sách an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.

Ngành tập trung thu thuế đạt kế hoạch năm 2014 ngay từ đầu năm; ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi trốn, lậu thuế đi đôi với thực hiện miễn, giảm thu cho các đối tượng theo đúng quy định. Đặc biệt, ngành làm tốt công tác thuế từ cơ sở, khắc phục tình trạng thu khoán tiêu cực kiểu “cưa đôi” gây thất thu cho ngân sách; phấn đấu đạt, vượt, kế hoạch thu ngân sách 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Lưu ý việc thắt chặt chi ngân sách, chống lãng phí trong sử dụng ngân sách, Thủ tướng đề nghị ngành tài chính ưu tiên chi cho các hạng mục cải cách chế độ tiền lương, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội; đặc biệt là hạn chế, khắc phục tình trạng đi công tác nước ngoài quá nhiều.

Đề cập đến ý nghĩa quan trọng trong quan hệ mật thiết giữa hai ngành tài chính và ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ đề nghị đẩy mạnh phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an ninh tài chính tiền tệ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi tăng trưởng; góp phần tái cơ cấu nền kinh tế. Hai ngành cũng cần phối hợp tốt, linh hoạt trong việc phát hành trái phiếu Chính phủ theo kế hoạch năm 2014.

Trong công tác quản lý giá, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính thực hiện tốt việc quản lý giá cả hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu trong thời điểm Tết Nguyên đán sắp tới; ngăn chặn các hành vi đầu cơ, trục lợi, tăng giá cục bộ. Kiên định mục tiêu thực hiện giá thị trường đối với các mặt hàng như xăng dầu, than, điện… nhưng phải đảm bảo công khai, minh bạch việc hình thành giá; đồng thời thực hiện tốt việc trợ giá cho người nghèo, đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người kinh doanh và người tiêu dùng.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Tài chính chủ trì việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, đẩy mạnh tăng cường cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành đối với doanh nghiệp Nhà nước; chú trọng cải cách thủ tục hành chính trong thu thuế nội địa và hải quan nhằm tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp, bảo đảm thông thoáng về thủ tục, nhưng vẫn phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận.

Trao đổi ý kiến tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho rằng trong thành tựu năm 2013 có sự kết hợp khá quan trọng, hiệu quả cao giữa hai cơ quan xây dựng chính sách tài chính và tiền tệ, thể hiện cụ thể qua việc đạt chỉ tiêu thu chi ngân sách Nhà nước, kiểm soát tốt lạm phát.

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, năm 2014, việc đảm bảo bội chi ngân sách ở mức 5,3%, cùng với việc phát hành tăng thêm trái phiếu Chính phủ đặt một nhiệm vụ khó khăn cho việc kiểm soát lạm phát ở mức dưới 7%. Điều này đòi hỏi nỗ lực cao của hai ngành tài chính, ngân hàng. Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước phối hợp nhịp nhàng, duy trì tốt mặt bằng lãi suất, phát hành đủ trái phiếu Chính phủ - "hàn thử biểu" nền kinh tế chính mà vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói.

Ông Bình cũng đề nghị hai ngành thắt chặt việc phối hợp trong tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và các công ty chứng khoán; quyết liệt hơn trong giữ vững kỷ cương tài chính, tạo tiền đề tốt để cải cách hệ thống doanh nghiệp.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp, xác định nhiệm vụ tài chính-ngân sách Nhà nước năm 2013 được thực hiện trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục gặp khó khăn, phục hồi tăng trưởng kinh tế chậm hơn dự kiến, Bộ Tài chính đã sớm có chỉ đạo hệ thống thuế, hải quan đẩy mạnh công tác quản lý thu, khai thác nguồn thu, chống thất thu; tăng cường thanh tra, kiểm tra, đẩy nhanh việc xử lý nợ đọng thuế theo đúng quy định.

Trên cơ sở số thu 9 tháng năm 2013, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, báo cáo Quốc hội dự kiến nhận định tình hình năm 2013 hụt thu 25.200 tỷ đồng. Nhưng những tháng cuối năm, với tinh thần phấn đấu mạnh mẽ, tăng cường xử lý nợ đọng thuế, kiểm tra chặt chẽ chi hoàn thuế giá trị gia tăng..., kết quả đến nay ước tổng thu ngân sách Nhà nước đạt khoảng 99% dự toán, tăng thêm 16.000 tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội.

Thảo luận và chia sẻ những kinh nghiệm trong điều hành thu chi ngân sách tại hội nghị, đại diện các địa phương đều cho rằng nhờ các biện pháp quyết liệt, kịp thời và linh hoạt của Chính phủ trong tăng cường đảm bảo kỷ luật, kỷ cương tài chính, đặc biệt là trong giai đoạn cuối năm cùng với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp, đã đem lại kết quả thu ngân sách hoàn thành kế hoạch đề ra.

Để chống thất thu ngân sách, có ý kiến đề nghị Bộ Tài chính và Bộ Công an phối hợp, ban hành Thông tư liên tịch cho phép tiến hành thu thuế thông qua việc kiểm tra các phương tiện đang lưu thông. Biện pháp này nhằm khắc phục tình trạng cơ quan có thẩm quyền dừng phương tiện để kiểm tra nhưng không được tiến hành thu thuế hoặc cơ quan có thẩm quyền thu thuế thì không được dừng phương tiện, đảm bảo việc kiểm soát thuế đối với hàng hóa khi được vận chuyển trên các phương tiện giao thông./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc thông báo giảm lãi suất cho vay cơ bản

Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm đã được giảm 0,25 điểm phần trăm, từ 3,35% xuống 3,10%, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm cũng được giảm mức tương tự từ 3,85% xuống 3,6%.