Theo Reuters/AFP, truyền thông Mỹ chiều 30/3 đưa tin nỗ lực của nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) và Iran nhằm đạt được một thỏa thuận khung trước thời hạn chót 31/3 “xem ra đang mờ nhạt đi” do các bên vẫn bám giữ lập trường của mình.
Mặc dù đã đàm phán thâu đêm, nhưng dường như các nhà đàm phán của tất cả các đoàn tại thành phố Lausanne (Thụy Sĩ) đều thể hiện sắc mặt “buồn thỉu hơn.”
Một nhà ngoại giao phương Tây cho biết 3 điểm gay cấn chưa thể giải quyết, đó là thời hạn Iran phải tạm ngừng các hoạt động hạt nhân; về số thanh nhiên liệu hạt nhân của Iran được phép giữ lại và việc bãi bỏ các đòn trừng phạt hoặc áp đặt lại trong trường hợp Iran vi phạm thỏa thuận.
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier được dẫn lời nói “có một số bước tiến nhưng đến giờ đàm phán cuối lại có vài bước thụt lùi.”
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết ông và những người đồng cấp quốc tế sẽ tiếp tục làm việc trong đêm muộn để giải quyết "những vấn đề nan giải" đang cản trở thỏa thuận hạt nhân với Tehran.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf nhận định cơ hội đạt được một thỏa thuận là "50-50" và Washington không vội để có một thỏa thuận tồi.
Cũng theo bà, Iran không nhất thiết phải chuyển kho urani đã làm giàu ở cấp độ cao của nước này ra nước ngoài, bởi có những cách khác nhằm đạt được mục tiêu kéo dài lên 1 năm thời gian mà Iran cần để có đủ nguyên liệu thô phục vụ việc chế tạo bom nguyên tử.
Trong diễn biến liên quan, điều phối viên phụ trách chống khủng bố của Liên minh châu Âu (EU) Gilles de Kerchove nói rằng một thỏa thuận hạt nhân với Iran có thể gây ra các cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở Trung Đông, bởi phe Hồi giáo dòng Sunni đang tìm cách chống lại một nước Iran theo dòng Shi'ite ngày càng giàu có và hùng mạnh./.