Triển vọng kinh tế của khu vực Nam Á và Đông Nam Á

Theo WB, GDP của Việt Nam được ước tính đạt 2,8% trong năm 2020 và tăng thêm 6,8% trong năm 2021, trong khi các nền kinh tế lớn khác tại Đông Nam Á được ước tính sẽ tăng trưởng âm.
Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam. (Nguồn: TTXVN)

Theo trang mạng aninews.in, khi chúng ta chào đón Năm Mới 2021, chúng ta có thể trông đợi điều gì từ những nền kinh tế khu vực? Chúng ta vừa đi qua năm 2020 - năm mà nhiều người ước chỉ là một cơn ác mộng.

Cuộc khủng hoảng y tế "chỉ xảy ra một lần trong một thế kỷ" đã quét qua khắp các châu lục và biến năm 2020 trở thành một trong những năm tồi tệ nhất trong ký ức của nhiều người.

Cuộc khủng hoảng thử thách khả năng thích ứng của nền kinh tế các quốc gia, buộc các nhà lãnh đạo chính trị và lãnh đạo doanh nghiệp phải chống đỡ nơi tuyến đầu.

Chính phủ các nước phải đưa ra nhiều chính sách tài khóa để ngăn nền kinh tế không bị tổn hại nặng nề hơn nữa, đồng thời phải triển khai các biện pháp hỗ trợ để giúp người dân vượt qua khó khăn.

Một vài xu hướng kinh doanh được đẩy mạnh, đặc biệt là những xu hướng giúp hỗ trợ giãn cách an toàn, và điều này thực sự cần sự linh hoạt cũng như sáng tạo của giới doanh nghiệp.

Đại dịch đã đưa những người thành công lên ngôi "vô địch" và đẩy những người không thể thích nghi xuống "bùn đen."

Vắcxin để đối phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (COVID-19) được sản xuất gấp rút trong thời gian kỷ lục, song hiệu quả dài hạn của vắcxin vẫn còn là ẩn số do nhu cầu khẩn cấp về vắcxin đã khiến việc thực hiện các thử nghiệm và kiểm tra bị hạn chế. Các chuyên gia cảnh báo rằng cho dù vắcxin có hiệu quả đi chăng nữa thì vẫn cần thêm thời gian, có thể là tới cuối năm 2021, virus mới có thể nằm trong tầm kiểm soát trên quy mô toàn cầu.

Vắcxin chỉ là một công cụ trong nỗ lực chiến đấu với đại dịch. Số ca nhiễm tại các quốc gia trên khắp thế giới cần phải xuống thấp hơn nữa trước khi cuộc sống có thể trở lại gần mức bình thường.

[Truyền thông quốc tế đánh giá lạc quan về kinh tế Việt Nam]

Ở mức độ nào đó, nền kinh tế của một quốc gia vận hành như thế nào trong năm 2020 và triển vọng năm 2021 phụ thuộc vào cách quốc gia đó đối phó với đại dịch. Nếu không thể kiểm soát virus một cách hiệu quả, các hoạt động kinh doanh sẽ không thể trở lại bình thường.

Người tiêu dùng sẽ không cảm thấy an toàn khi đến các cửa hàng và quán ăn như trước. Một số doanh nghiệp sẽ phải tiếp tục duy trì các biện pháp phòng ngừa y tế trong quá trình hoạt động. Điều này khiến năng suất bị hạn chế.

Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi Việt Nam, quốc gia đã kiểm soát được virus với rất ít thiệt hại về kinh tế và nhân mạng, trở thành nền kinh tế sáng giá trong số các nền kinh tế Đông Nam Á.

Dựa theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), GDP của Việt Nam được ước tính đạt 2,8% trong năm 2020 và tăng thêm 6,8% trong năm 2021. Như vậy, mức tăng trưởng ròng sẽ là hơn 9,6% trong giai đoạn 2020-2021.

Ngược lại, tất cả các nền kinh tế lớn khác tại Đông Nam Á được ước tính sẽ tăng trưởng âm trong năm 2020. Nền kinh tế phụ thuộc du lịch như Thái Lan chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ COVID-19. Năm 2019, Chính phủ Thái Lan từng dự đoán rằng ngành du lịch sẽ đóng góp 20% vào GDP quốc gia và là ngành tạo ra công ăn việc làm chủ yếu của đất nước.

Thế nhưng, thiệt hại trong ngành du lịch do COVID-19, kèm theo đó là nợ khu vực tư cao và bất ổn chính trị đã khiến nền kinh tế Thái Lan phục hồi chậm chạp hơn hầu hết các quốc gia khác.

WB dự báo tăng trưởng GDP ròng của Thái Lan sẽ ở mức âm 3,4% vào năm 2020 và 2021. Từ bây giờ cho tới năm 2022, Bangkok sẽ chưa thể phục hồi các hoạt động kinh tế về mức của năm 2019.

Singapore cũng rơi vào tình trạng tương tự khi nền kinh tế của đảo quốc được ước tính sẽ giảm sút 6% trong năm 2020 và tăng 4% trong năm 2021.

Singapore là quốc gia duy nhất trong số các quốc gia được đề cập đến trong bài viết này được coi là có một nền kinh tế trưởng thành và phát triển. Nền kinh tế Singapore vốn đang tăng trưởng chậm lại và phụ thuộc rất nhiều vào thương mại với bên ngoài. Các hoạt động kinh tế bản địa không đủ khả năng duy trì quỹ đạo tăng trưởng thông thường.

Dựa trên số liệu mà WB công bố hồi tháng 10/2020, nền kinh tế Ấn Độ được ước tính sẽ thu hẹp 9,6% trong năm tài khóa 2020-2021 bắt đầu từ tháng 4/2020.

Với cách tính toán như vậy, toàn bộ tác động kinh tế của COVID-19 được phản ánh trong những con số và do đó không phải là một so sánh hợp lý với các nền kinh tế khác của Đông Nam Á.

Nền kinh tế Ấn Độ được kỳ vọng sẽ phục hồi tăng trưởng lên mức 5,4% trong năm tài khóa 2021-2022. Tuy nhiên, nhờ các tin tức tích cực từ quá trình ngăn chặn COVID-19 và khả năng nới lỏng các hạn chế đi lại, Moody’s Investors Service tháng 11 vừa qua đã nâng mức dự báo tăng trưởng của Ấn Độ từ âm 9,6% lên âm 8,9% năm 2020. Tổ chức xếp hạng tín dụng này cũng dự báo mức tăng trưởng 8,6% cho năm 2021.

GDP của Pakistan được ước tính giảm 1,5% trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 6/2020 và được dự báo sẽ tăng trưởng 0,5% trong giai đoạn 2020-2021. Như vậy, tăng trưởng GDP ròng sẽ ở mức âm 1% (mặc dù ước tính này còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố). Trong giai đoạn bình thường, Pakistan đạt mức tăng trưởng kinh tế dài hạn 4%.

Nền kinh tế Đông Nam Á khác bị tàn phá trong năm 2020 và chưa thể phục hồi cho tới tận năm 2022 chính là Philippines. Theo dự báo của WB công bố vào tháng 10/2020, nền kinh tế Philippines sẽ thu hẹp 6,9% năm 2020 và tăng trưởng 5,3% năm 2021.

Như vậy, Philippines thiệt hại ròng 1,6%. Sang tháng 11/2020, WB tiếp tục hạ thấp dự báo xuống mức âm 8,1% trong năm 2020 và tăng trưởng 5,9 năm 2021. Thiệt hại ròng là 2,2%.

WB cho rằng sự sụt giảm tăng trưởng là do “nhiều cú sốc” đã liên tục tác động đến quốc gia này: khủng hoảng y tế do COVID-19, siêu bão và suy thoái toàn cầu. 

Người ta thường cho rằng thị trường cổ phiếu chính là cửa sổ để nhìn vào tương lai. Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi trong năm 2020, thị trường hoạt động tốt nhất Đông Nam Á chính là Việt Nam, quốc gia có nền kinh tế được kỳ vọng sẽ mở rộng nhanh nhất.

Khẳng định này dựa trên Ho Chi Minh Stock Index, một loại chỉ số chứng khoán phản ánh tình hình kinh doanh của hơn 300 cổ phiếu niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Vào thời điểm kết thúc năm, chỉ số này tăng 14,3% so với đầu năm. Hầu hết các quốc gia Đông Nam Á khác khép lại một năm với chỉ số chứng khoán giảm, ngoại trừ KLCI của Malaysia chỉ tăng khoảng 1%.

Chỉ số Straits Times của Singapore là kém nhất khi mất tới 12,2%. Thị trường tài chính Ấn Độ bền bỉ một cách đáng ngạc nhiên khi chỉ số SENSEX tăng hơn 15% trong năm 2020, cao hơn cả Việt Nam.

Nhiều sự kiện của năm 2021 vẫn còn ở phía trước khi các hoạt động kinh tế của Ấn Độ cũng như diễn biến của đại dịch khó có thể dự đoán. Liệu nền kinh tế của quốc gia hơn 1 tỷ dân này có vượt mức kỳ vọng trong năm 2021?./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục