Đến 8 giờ sáng ngày 17/10, tại Bạc Liêu do ảnh hưởng của triều cường dâng nên nhiều tuyến đường trong nội ô thành phố Bạc Liêu như Phan Ngọc Hiển, Hoàng Văn Thụ, Lê Văn Duyệt vẫn còn bị ngập nước từ 20 đến 30cm, gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt và đi lại của người dân.
Riêng tại tuyến đường Phan Ngọc Hiển dài hơn 1,5km do nằm cặp mé sông nên nước tràn vào nhà dân.
Những tháng trước nước tuy có dâng cao nhưng chưa tràn sâu vào các tuyến đường trong nội ô.
Ông Lại Thanh Ẩn, Ban phòng chống lụt bão tìm kiếm cứu nạn của tỉnh Bạc Liêu, cho biết hiện tượng này là không bình thường, vì các tuyến đường này đã được cải tạo nâng cấp cao lên 50cm nhưng vẫn còn bị ngập.
Thời gian qua Bạc Liêu đã đầu tư nhiều chục tỷ đồng nâng cấp tuyến đê biển dài hơn 53km giáp ranh thị xã Vĩnh Chân (tỉnh Sóc Trăng) đến thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải); tổ chức trồng rừng phòng hộ được hơn 71ha dọc theo tuyến đê biển Đông, nâng độ che phủ của rừng lên 12% diện tích tự nhiên.
Riêng 9 tháng năm 2015 đã trồng mới được hơn 58 ngàn cây phân tán các loại. Tổng diện tích đất lâm phần của Bạc Liêu hiện có trên 6.173 ha; trong đó đất rừng phòng hộ ven biển có trên 2.906 ha, riêng rừng đặc dụng có trên 217 ha, luôn được chăm sớc bảo vệ tốt không bị xâm hại.
Đối với 500 ha đất rừng vùng đệm và đất bãi bồi quy hoạch phát triển 1.472 ha rừng đã được ngành lâm nghiệp tổ chức giao khoán cho hộ dân chăm sóc và bảo vệ rất tốt từ nhiều năm nay.
Tỉnh Bạc Liêu cũng đang triển khai kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tổ chức di dời những hộ dân sống dọc theo tuyên đê biển vào nơi an toàn; tiếp tục thi công những công trình đê biển, tuyến lộ Cao Văn Lầu (thành phố Bạc Liêu).
Đồng thời hướng dân người dân đang nuôi tôm ở xã Hiệp Thành, Vĩnh Trạch và phường Nhà Mát chủ động xây dựng hệ thống đê bao, bờ bao tại các vuông tôm, sẵn sàng ứng phó với nước biển dâng bảo vệ sản xuất./.