Triều Tiên sẽ tiếp tục bị cấm vận nếu không thực hiện phi hạt nhân hóa

Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Harry Harris nhấn mạnh các lệnh trừng phạt Triều Tiên sẽ tiếp tục được thực hiện nếu nước này không thực thi cam kết phi hạt nhân hóa.
Triều Tiên sẽ tiếp tục bị cấm vận nếu không thực hiện phi hạt nhân hóa ảnh 1Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Harry Harris. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo Yonhap, ngày 14/2, phát biểu tại một diễn đàn an ninh được tổ chức tại Seoul, Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Harry Harris nhấn mạnh các lệnh trừng phạt Triều Tiên sẽ tiếp tục được thực hiện nếu nước này không thực thi cam kết phi hạt nhân hóa.

Tuyên bố của ông Harris được đưa ra trong bối cảnh Washington và Bình Nhưỡng đang gấp rút chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng này.

Đại sứ Harris cũng hứa hẹn về một “tương lai xán lạn hơn, an toàn hơn và thịnh vượng hơn” dành cho Bình Nhưỡng trong trường hợp nước này thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa vốn được nhấn mạnh trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore hồi tháng 6/2018.

Hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ gặp lại nhau ở Hà Nội, Việt Nam trong hai ngày 27, 28/2 tới đây. Cuộc gặp này được kỳ vọng sẽ tập trung vào việc thúc đẩy Bình Nhưỡng triển khai các giải pháp phi hạt nhân hóa để đổi lấy những ưu đãi từ Washington.

[Cố vấn Nhà Trắng John Bolton: Mỹ sẽ tiếp tục cấm vận Triều Tiên]

Tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã nhất trí thực hiện “phi hạt nhân hóa toàn diện” bán đảo Triều Tiên, nhưng đề cập rất ít đến các giải pháp để đạt được mục tiêu lâu dài và khó khăn này.

Bên cạnh đó, Bình Nhưỡng cũng yêu cầu Washington triển khai “những biện pháp đối đẳng” để đổi lại những nỗ lực phi hạt nhân hóa của nước này, chẳng hạn như nới lỏng một phần các lệnh cấm vận, viện trợ nhân đạo, thiết lập văn phòng liên lạc Mỹ tại Bình Nhưỡng và tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Tuy nhiên, phía Mỹ vẫn luôn tỏ thái độ cứng rắn trong việc yêu cầu Triều Tiên triển khai những biện pháp giải trừ vũ khí hạt nhân một cách cụ thể và thực chất, chẳng hạn như tuyên bố đầy đủ về các chương trình hạt nhân và tên lửa.

Phát biểu tại diễn đàn nói trên, ông Harris cũng tranh thủ quảng bá chính sách của Washington về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.

Theo ông Harris, khi đề cập đến sự cởi mở, Mỹ mong muốn tất cả các quốc gia trong khu vực đều được thụ hưởng sự tự do hàng hải và hàng không. Đồng thời, Mỹ mong muốn có được một giải pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải bởi đây là nhân tố mấu chốt cho hòa bình quốc tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.