Trình chiếu phim về lính thợ Việt Nam tại trụ sở Quốc hội Pháp

Bộ phim tài liệu về số phận những người lính thợ Việt Nam trên đất Pháp có tên "Lịch sử bị lãng quên" của đạo diễn Ysé Trần vừa được trình chiếu tại hội trường lớn thuộc trụ sở Quốc hội Pháp tại Paris
Quang cảnh phòng chiếu phim tại Quốc hội Pháp tối 17/1. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)

Bộ phim tài liệu về số phận những người lính thợ Việt Nam trên đất Pháp có tên "Lịch sử bị lãng quên" của đạo diễn Ysé Trần vừa được trình chiếu tại hội trường lớn thuộc trụ sở Quốc hội Pháp tại Paris.

Đây là lần thứ hai, bộ phim về đề tài lính thợ được trình chiếu ở một nơi có tính biểu tượng cao đại diện cho nền cộng hòa Pháp.

Bộ phim trước đó có tên "Gạo đắng" của đạo diễn Alain Lewkowicz nói về người nông dân Việt trồng lúa trên những cánh đồng tại vùng Camargue, miền Nam nước Pháp được trình chiếu hồi tháng 5/2015. Cả hai đợt trình chiếu đều nhận được sự bảo trợ của Nhóm nghị sỹ hữu nghị Pháp-Việt tại Quốc hội Pháp.

Việc trình chiếu tại Quốc hội Pháp lần này nằm trong đợt trình chiếu tại nhiều thành phố của Pháp như Nancy, Thaon-Les-Vosges, Metz trong các ngày từ 16-20/1 nhằm nâng cao nhận thức của chính khách và người dân Pháp về tình cảnh khốn khổ của 20.000 lính thợ Đông Dương, trong đó phần lớn là người Việt Nam, bị cưỡng ép di cư sang Pháp trong những năm trước Chiến tranh Thế giới thứ 2, để lao động trong các xưởng chế tạo vũ khí, các hầm mỏ và các cánh đồng trên đất Pháp.

Bộ phim sau đó sẽ được phát trên kênh truyền hình France 3 vào tối ngày 23/1.

Bộ phim "Lịch sử bị lãng quên" được thực hiện dựa trên nội dung cuốn sách "Di cư cưỡng bức" của học giả-nhà báo Pháp Pierre Daum, các tư liệu lịch sử khai thác từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau trong đó có kho tư liệu của Bộ Ngoại giao Pháp.

Trong bộ phim cũng có rất nhiều nhân chứng là con cháu của những người lính thợ đã định cư trên đất Pháp kể về những ký ức của họ về ông, cha - những người bị giằng xé giữa mặc cảm và sự dằn vặt khi gia đình bị ly tán, họ phải sống xa cha mẹ và người thân, vì rất nhiều người trong đó thanh niên trai tráng bị bắt đi lúc bấy giờ đã có vợ con ở Việt Nam. Cuộc đời của họ là bi kịch của người dân xứ sở thuộc địa bị bắt sang Pháp lao động cực nhọc nhằm đáp ứng nhu cầu của bộ máy chiến tranh của nước Pháp lúc bấy giờ.

Chủ tịch Nhóm nghị sỹ hữu nghị Pháp-Việt Pascal Deghilhem phát biểu tại phiên giao lưu với khán giả trước khi bộ phim được trình chiếu. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)

Bộ phim tập trung kể về số phận bi đát của khoảng 2.000-3.000 lính thợ Việt Nam được đưa tới vùng Lorraine, Đông-Bắc nước Pháp trong những năm sau chiến tranh thế giới thứ hai. Đây là khu vực nằm sát với biên giới nước Đức được coi là"cái nôi" của nhiều ngành công nghiệp Pháp, rất khát nhân công những năm sau chiến tranh.

Tại đây, những người thợ Việt Nam đã lao động cật lực trong các nhà máy, công xưởng, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của địa phương. Tuy nhiên, họ bị đối xử như người nô lệ. Tên của họ được lưu trong các hồ sơ với các mã số, họ không có tiền lương mà chỉ có một khoản trợ cấp nhỏ, đồng thời cũng không có các quyền lợi như những người lao động khác.

Học giả-nhà báo Pháp Pierre Daum là một trong những người đầu tiên đã lần theo các trang hồ sơ ố màu trong các văn khố Pháp để nói về những trang sóng gió trong lịch sử quan hệ Việt-Pháp.

Ông cũng là tác giả cuốn sách "Di cư cưỡng bức" được Nhà xuất bản Actes Sud xuất bản năm 2009 tại Pháp. Tác phẩm đó đã được Nhà xuất bản Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh mua bản quyền và xuất bản bằng tiếng Việt năm 2010.

Phát biểu tại hội trường Quốc hội Pháp chật kín không còn ghế trống tối ngày 17/1, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Pháp-Việt Pascal Deghilhem cho biết Nhóm nghị sỹ hữu nghị vui mừng khi có thêm một bộ phim về đề tại lính thợ Việt Nam được trình chiếu tại trụ sở Quốc hội Pháp.

Ông chia sẻ sự cực nhọc của những người lao động Việt Nam trên các công trường, trong các nhà máy cũng như nỗi đau của những gia đình đã phải sống bi kịch trên trong hàng chục năm.

Theo Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Pháp-Việt, vùng Lorraine đã không thể phát triển được các ngành công nghiệp của mình nếu không có người di cư trong đó có các công nhân Việt Nam.

Ông cũng cho rằng từ những thăng trầm của lịch sử giữa hai nước, hai dân tộc Pháp và Việt Nam càng thêm trân trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt mà hai nước có được ngày hôm nay, xác định trách nhiệm cùng hướng tới tương lai và tiếp tục vun đắp cho các quan hệ tốt đẹp đó./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục