Du lịch địa chất là loại hình du lịch bền vững, mang tính giáo dục và mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương. Công viên địa chất là loại hình mới trong lĩnh vực du lịch địa chất, thúc đẩy loại hình du lịch có trách nhiệm xã hội và thân thiện với môi trường.
Với Công viên địa chất Lý Sơn, ngoài những giá trị địa chất đa dạng do hoạt động của vỏ trái đất nằm ở phía Tây tỉnh Quảng Ngãi, hoạt động núi lửa tại khu vực đảo Lý Sơn và ven biển đã tạo thành các tầng đá bazan dày, hình thành phần nền cho cụm đảo Lý Sơn với những đặc điểm thiên nhiên độc đáo, ít nơi nào có được. Sự độc đáo, kỳ thú về địa chất, địa mạo hoạt động phun trào núi lửa cách đây hàng triệu năm về trước đã tạo nên sự khác biệt, đồng thời là thế mạnh vượt trội của Lý Sơn so với các vùng miền khác trên cả nước.
[Công viên Lý Sơn: “Bảo tàng” địa chất sống động, độc đáo, hiếm có]
Công viên địa chất thúc đẩy một mô hình bảo vệ tích hợp giữa bảo tồn các đặc điểm và di sản địa chất nổi bật; khuyến khích các cơ hội giáo dục, phát triển kinh tế-xã hội. Điển hình như Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) được công nhận là công viên địa chất toàn cầu đã thực chứng mô hình phát triển kinh tế có sự tham gia của cộng đồng cư dân địa phương vào hoạt động du lịch địa chất, phát triển sản phẩm địa phương và cung cấp dịch vụ dành cho du khách.
Ông Nguyễn Viết Nghĩa, Phó trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi chỉ ra rằng, công viên địa chất có thể đem lại lợi ích cho cộng đồng địa phương và du khách thông qua trao đổi giáo dục văn hóa và nghiên cứu khoa học. Từ đó có những biện pháp kích thích kinh tế phù hợp nhất cho các nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương sống ở khu vực miền núi, ven biển, hải đảo.
Ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi cho hay, khi Công viên địa chất Lý Sơn được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, người dân trong khu vực phạm vi công viên sẽ hưởng lợi rất lớn. Tất cả các sản phẩm địa phương sẽ được in logo gắn liền với công viên địa chất, được bán ra với giá cao gấp nhiều lần so với sản phẩm thông thường. Quan trọng nhất đó là chúng ta phải quảng bá hình ảnh rộng rãi, tạo ra nhiều tour du lịch về đó, thu hút nhiều khách tham quan.
Cộng đồng quốc tế đang ngày càng nhận thức sâu sắc về sự cần thiết phải bảo vệ các di sản địa chất chung của toàn nhân loại hoặc khu vực địa chất có giá trị khoa học, giáo dục, văn hóa và thẩm mỹ…Du lịch Việt Nam phát triển nhanh chóng trong nhiều năm trở lại đây và sẽ tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ khi du khách khám phá sự phong phú của các di sản thiên nhiên và văn hóa của đất nước, du lịch Quảng Ngãi nói chung, huyện đảo Lý Sơn nói riêng cũng không ngoại lệ khi có đầy đủ những yếu tố quan trọng đó.
Tiến sỹ Paul R.Dingwall, thành viên của IUCN (Liên minh quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên), cố vấn UNESCO về Di sản thế giới trong quá trình khảo sát, nghiên cứu của mình đã đúc kết, con người từ thời xa xưa đã biết tận dụng các nguồn tài nguyên và điều kiện địa chất như sử dụng hang động làm nơi cư trú, dùng đá trong xây dựng, trang trí nhà cửa, đình chùa... Bên cạnh đó, dùng cát làm vật liệu trồng hoa màu, biến miệng núi lửa thành hồ chứa nước, sử dụng đặc tính tự nhiên như bãi biển, san hô thành các điểm du lịch.
Điều đó vẫn còn đúng với Lý Sơn đến ngày hôm nay, khi chúng ta dễ dàng thấy chùa Đục, chùa Hang được hình thành từ các hang động trong vách núi, đình làng An Hải và các ngôi đình khác được xây dựng bằng đá nham thạch hoặc những cánh đồng tỏi trồng trên cát trải dài khắp đảo Lớn tạo nên một “điểm nhấn” đặc thù. Hay người dân đã biết ngăn đập trên đỉnh núi Thới Lới để trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất; khai thác bãi biển đẹp ngay cạnh hang Câu (đảo Lớn), bãi Sau, cổng Tò Vò dưới nước, hòn Đụn… ở đảo Bé để biến thành những địa điểm du lịch lý tưởng, mang yếu tố thân thiện với tự nhiên, đem lại nguồn thu đáng kể từ các loại hình dịch vụ đặc trưng.
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân huyện Lý Sơn, năm 2017, có hơn 200.000 lượt khách đến Lý Sơn tham quan, tăng 41.298 lượt so với năm 2016, trong đó có 1.212 lượt khách quốc tế.
Để ngành du lịch có chỗ đứng vững chắc, huyện đảo Lý Sơn-nơi có Công viên địa chất Lý Sơn đã và đang triển khai nhiều biện pháp như: Đẩy mạnh các giải pháp bảo vệ an ninh, an toàn cho du khách; chấn chỉnh tình trạng chèo kéo khách, gian lận trong hoạt động kinh doanh dịch vụ. Cùng với đó là chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch và quán triệt, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ du khách của đội ngũ làm dịch vụ du lịch.
Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lý Sơn nhấn mạnh, huyện đã phối hợp với Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch tỉnh ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch trên địa bàn huyện nhằm hướng đến mục tiêu “Du lịch Lý Sơn văn minh, thân thiện và trách nhiệm.”
“Một loạt các loại hình du lịch có thể được phát triển như du lịch địa lý, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, homestay, khu nghỉ mát bãi biển và các hoạt động giải trí. Tuy nhiên, Lý Sơn cần thiết lập một ngành công nghiệp du lịch tổng thể tốt, toàn diện, nhất là hoạt động du lịch chuyên đề phù hợp với các vùng khác nhau với các nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa cụ thể, phù hợp với Công viên địa chất, tránh đại trà… thì sẽ bền vững hơn,” tiến sỹ Paul R.Dingwall nói.
Hy vọng việc hoàn thiện hồ sơ Công viên địa chất Lý Sơn sẽ thật sự là “đòn bẩy” để thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương này./.