Tình hình mưa lũ, sạt lở do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra tại các tỉnh miền Bắc đã bước sang ngày thứ 6. Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, sạt lở, ngập lụt vẫn có thể diễn ra tại nhiều địa phương.
Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến 17 giờ ngày 13/9, bão số 3 và hoàn lưu bão đã khiến 336 người chết và mất tích (trong đó có 254 người chết, 82 người mất tích).
So với thống kê lúc 7 giờ cùng ngày là 233 người, số người chết đã tăng thêm 21 người.
[Bấm CẬP NHẬTđể nhận thông tin mới nhất]
Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), báo cáo của các địa phương cho thấy tính đến 7h00 ngày 13/9 đã có 336 người chết, mất tích (233 người chết, 103 người mất tích), tăng 36 người chết (Lào Cai 16, Cao Bằng 09, Yên Bái 06, Tuyên Quang 03, Vĩnh Phúc 01, Phú Thọ 01) so với báo cáo ngày 11/9.
Lào Cai hiện là địa phương có nhiều người chết và mất tích với 179 người (98 người chết, 81 người mất tích) gồm: Bảo Yên 110, Sa Pa 09, Bát Xát 17, Si Ma Cai 07, Bắc Hà 34, Văn Bàn 02.
Cao Bằng có 52 người chết và mất tích (43 người chết, 09 người mất tích). Yên Bái: 50 người (48 người chết, 02 người mất tích) gồm: Thành phố Yên Bái 21, Lục Yên: 14, Văn Yên 09, Văn Chấn 02, Trấn Yên 04; Quảng Ninh: 15 người chết; Phú Thọ: 11 người (01 người chết do sạt lở đất; 01 người chết do lũ; 08 người mất tích tại sự cố sập cầu Phong Châu; 01 người mất tích do lũ); Hòa Bình: 07 người chết do sạt lở đất; Tuyên Quang: 05 người chết do lũ…
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 20h ngày 12/9, lũ trên sông Cầu (tỉnh Bắc Ninh) đã đạt đỉnh ở mức 7,79m (trên báo động 3 là 1,49m), dưới mức lũ lịch sử năm 1971 (7,84m) 0,05m và đang xuống chậm.
Lũ trên sông Thái Bình (thành phố Hải Dương) đang xuống chậm.
Lũ trên sông Hoàng Long (tỉnh Ninh Bình) tại Bến Đế đã đạt đỉnh ở mức 4,93m (trên báo động 3 là 0,93m) lúc 19h ngày 12/9 và đang xuống chậm.
Lũ trên sông Thương (tỉnh Bắc Giang) đang xuống chậm.
Lũ trên sông Hồng (thành phố Hà Nội) đang xuống.
Lũ trên sông Lục Nam (tỉnh Bắc Giang) đang xuống chậm.
Mực nước lúc 1h ngày 13/9, trên các sông như sau: trên sông Cầu tại Đáp Cầu là 7,74m, trên báo động 3: 1,48m; dưới mức nước lũ lịch sử năm 1971 (7,84m): 0,06m.
Trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương là 7,06m, trên báo động 3: 0,76m; trên sông Lục Nam tại Lục Nam là 6,32m, trên báo động 3: 0,02m; trên sông Hoàng Long tại Bến Đế là 4,88m, trên báo động 3: 0,88m; trên sông Thái Bình tại Phả Lại 6,17m, trên báo động 3: 0,17m; trên sông Hồng tại Hà Nội 10,50m, ở mức báo động 2.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo trong 12 giờ tới, lũ trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ xuống dưới mức báo động 2; trên sông Lục Nam xuống dưới mức báo động 3; trên sông Cầu tại Đáp Cầu, sông Thương tại Phủ Lạng Thương, sông Lục Nam tại Lục Nam, sông Hoàng Long tại Bến Đế tiếp tục xuống nhưng vẫn ở trên mức báo động 3.
Tối 12/9, Lào Cai đã thông tin về việc tìm thấy 17 hộ dân ở Kho Vàng, tại xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà. Theo đó, sau khi nhận thông tin về cơn bão số 3 và hoàn lưu bão có thể gây mưa lớn dẫn tới lũ, sạt lở đất, chính quyền đã trao đổi với trưởng thôn Kho Vàng là Vàng Seo Chứ để vận động người dân trong thôn di chuyển đến nơi an toàn nếu thời tiết có diễn biến xấu.
Do vậy, người dân Kho Vàng đã có sự chuẩn bị lều bạt từ trước để sẵn sàng di chuyển đến nơi an toàn. Tuy nhiên, trong thời điểm khi các hộ dân di chuyển (chiều 9/9), thời tiết tại khu vực có mưa lớn, giao thông chia cắt, mất điện toàn huyện, mất liên lạc viễn thông nên chính quyền thôn Kho Vàng đã không thể thông tin kịp thời cho chính quyền xã Cốc Lầu biết.
Do tuyến đường từ trung tâm xã lên thôn Kho Vàng bị sạt lở, chia cắt giao thông từ sáng 10/9 nên lực lượng chức năng không tiếp cận được. Đến sáng 11/9, chính quyền địa phương mới cử một tổ công tác phải đi bộ 15km mất gần 3 giờ mới tiếp cận được địa bàn Kho Vàng để nắm tình hình và mới biết được người dân đã chủ động di chuyển đến nơi an toàn từ trước đó.
Hà Nội (TTXVN 13/9) - Sáng 13/9, Ban Chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn và Phòng, chống thiên tai thành phố Hà Nội đã ban hành Lệnh báo động lũ trên sông Hồng, sông Đuống.
Căn cứ vào mực nước sông Hồng tại Hà Nội (Long Biên) hồi 1 giờ ngày 13/9/2024 là 10,39 m (mực nước báo động 2 là 10,5 m), Ban Chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn và Phòng, chống thiên tai thành phố Hà Nội lệnh rút báo động 2 trên sông Hồng vào hồi 1 giờ ngày 13/9/2024 tại địa phận các quận: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên và các huyện: Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm.Ban Chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn và Phòng, chống thiên tai thành phố Hà Nội các quận: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên và các huyện: Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm, các đơn vị ở địa phận trên và các ngành, cán bộ đã được giao nhiệm vụ thi hành nghiêm chỉnh những quy định khi có lệnh rút báo động 2.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) sẽ đề nghị cho phương tiện lưu thông qua cầu Long Biên, cầu Đuống vào sáng nay (ngày 13/9) khi nước sông Hồng và sông Đuống rút đến mức an toàn.
Hiện tại, VNR đang cử lực lượng theo dõi sát sao đồng thời chuẩn bị phương án đề xuất cho các đoàn tàu đi qua hai cây cầu này trở lại.
Trước khi cho hoạt động, VNR tiếp tục kiểm tra toàn hệ thống cầu, để đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện lưu thông qua cầu.
Hồi 1 giờ ngày 13/9/2024, mực nước sông Hồng tại Hà Nội là 10,39 m (mực nước báo động 2 là 10,5 m), Ban Chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn và Phòng, chống thiên tai thành phố Hà Nội lệnh rút báo động 2 trên sông Hồng vào hồi 1h; rút báo động 2 trên sông Đuống vào hồi 0h ngày 13/9/2024.
Theo chuyên gia môi trường Huy Nguyen, về sạt lở, các tỉnh miền núi và trung du phía Bắc vốn dĩ có nền đất dốc và chủ yếu là đồi núi, đã ngậm no nước từ các đợt mưa trước, giờ tiếp tục mưa làm đất nhão hơn, nặng hơn và dễ sạt trượt hơn. Nhìn vào những hình ảnh đi kèm sẽ thấy mật độ các điểm sạt lở nhiều như thế nào.
Những sạt lở nhỏ đầu tiên dù ở trên núi cao hay ở chân đồi đều kích hoạt để tạo ra những điểm sạt lở lớn hơn. Và chính những sạt lở đó tạo ra những cơn lũ quét kinh hoàng trên diện rộng.
"Tại sao chúng ta thua sạt lở và lũ quét? Bởi vì phạm vi rủi ro của nó quá lớn. Nếu giả sử đánh giá được rủi ro và sơ tán dân thì phải sơ tán tất cả sao? Có những làng, những bản người dân đã sống yên bình nơi đó hàng trăm năm qua nhiều thế hệ có sao đâu. Họ là người hiểu vùng đất của họ hơn ai hết. Nhưng có một điều họ thua, chúng ta thua: thiên tai quá cực đoan vượt mọi sự chịu tải của hạ tầng."
Lào Cai (TTXVN 13/8) - Sáng 13/9, ông Dương Đức Huy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai cho biết, thông tin vui nhất ở vùng lũ Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, những ngày qua là 2 hộ với 8 khẩu được cho là mất tích đã trở về an toàn.
Thông tin ban đầu xác định, hai gia đình trên là hộ ông Hoàng Văn Tiện và ông Hoàng Văn Duân. Hai hộ dân này vắng nhà khi cơn lũ dữ xảy ra. Sau khi nghe tin bão lũ, họ đã trở về địa phương trình báo. Như vậy, đến 9 giờ 20 phút ngày 13/9, số người được xác định mất tích ở Làng Nủ giảm xuống chỉ còn 39 người. Có 17 người bị thương đang điều trị tại bệnh viện, 48 người chết.
Đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo trong 6 giờ tới, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại 67 huyện, thị xã, thành phố ở 12 tỉnh gồm: Mộc Châu, Vân Hồ (tỉnh Sơn La); Cao Phong, Đà Bắc, Kim Bôi, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Lương Sơn, Mai Châu, Tân Lạc, Yên Thủy, thành phố Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình); Bắc Hà, Bảo Thắng, Bảo Yên, Bát Xát, Mường Khương, Si Ma Cai, Văn Bàn, thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai).
Lục Yên, Mù Căng Chải, Trạm Tấu, Trấn Yên, Văn Chấn, Văn Yên, Yên Bình (tỉnh Yên Bái); Bắc Quang, Đồng Văn, Quản Bạ, Xín Mần, Yên Minh (tỉnh Hà Giang); Hàm Yên, Sơn Dương, Chiêm Hóa, thành phố Tuyên Quang, Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang); Ba Bể, Chợ Đồn, Chợ Mới (tỉnh Bắc Kạn); Cẩm Khê, Hạ Hoà, Tân Sơn, Thanh Sơn, Thanh Thuỷ, Yên Lập (tỉnh Phú Thọ); Đại Từ, Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên); Lục Nam, Lục Ngạn, Yên Dũng, Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang).
Bá Thước, Lang Chánh, Mường Lát, Như Xuân, Quan Hóa, Quan Sơn, Thạch Thành, Thường Xuân (tỉnh Thanh Hóa); Anh Sơn, Con Cuông, Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Thanh Chương (tỉnh Nghệ An).
Theo báo cáo nhanh từ Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến 7h ngày 13/9/2024, số người chết và mất tích do bão số 3, mưa lũ tại các tỉnh phía Bắc tăng lên 336 người, 823 người bị thương. Các địa phương đang tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại.
Chuyên gia Hoàng Văn Đại - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường) lúc 9 giờ ngày 13/9, cho biết mực nước lũ trên hầu hết các sông ở miền Bắc đang có xu thế xuống. Trong hôm nay và vài ngày tới, nước lũ tại nhiều sông sẽ tiếp tục giảm xuống, ở mức trên báo động 1 và 2.
Tuy vậy quá trình thoát lũ, giảm lũ trên hệ thống sông Hồng có khả năng diễn ra chậm, nên tình trạng ngập còn diễn ra nhiều ngày tại các vùng trũng, vùng thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính tại Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hải Dương.
Từ đêm 11/9 đến chiều 12/9, lực lượng chức năng và người dân Cao Bằng đã tìm thêm 8 thi thể nạn nhân mất tích tại huyện Nguyên Bình. Trong đó có 7 thi thể khu vực sạt lở KM180+680, QL34 và 1 người tại điểm Lũng Lỳ, xã Ca Thành, nâng tổng số người chết do sạt lở, đuối nước tại Nguyên Bình lên 44 người. Như vậy, toàn tỉnh Cao Bằng đã có 47 người chết, 16 người bị thương và hiện còn khoảng gần 10 người mất tích do bão số 3. Trong đó, riêng tại điểm sạt lở vị trí KM180+680, QL34 đã có 27 người chết.
Vào chiều qua, ngày 12/9, trực thăng của Bộ Quốc phòng tiếp tục hỗ trợ khẩn cấp lương thực, thực phẩm và đồ dùng thiết yếu cho người dân 2 huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng, 2 địa phương cũng đã chịu thiệt hại nặng nề về tài sản, hoa màu và hiện vẫn thường xuyên bị cô lập do tình trạng sạt lở nghiêm trọng trên các tuyến giao thông. Ngày 12/9, Cao Bằng tiếp tục có mưa lớn, khiến nhiều thôn, bản, điểm dân cư của các huyện như Bảo Lạc, Hà Quảng bị ngập sâu trong nước và nhiều thôn, bản bị chia cắt cục bộ do sạt lở giao thông.
(Công Luận/VOV Đông Bắc)
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 13-9, ông Hà Đức Anh - chủ tịch UBND huyện Văn Yên (Yên Bái) - cho biết rạng sáng nay, chính quyền địa phương đã sơ tán khẩn cấp cả Bản Tát (xã Châu Quế Hạ) với khoảng 500 người vì có tiếng nổ trên núi.
Theo ông Đức Anh, rạng sáng 13-9, tại thôn Bản Tát, xã Châu Quế Hạ xảy ra vụ sạt lở đất làm sập toàn bộ nhà của một hộ dân khiến hai cháu bé bị vùi lấp, mắc kẹt, còn bố mẹ cháu thoát nạn.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, người nhà và lực lượng chức năng đã tổ chức tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn và đào cứu được cháu H.M.T. (13 tuổi), còn cháu H.T.A. (12 tuổi) không qua khỏi.
(Chí Tuệ/TTO)
Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), báo cáo của các địa phương cho thấy tính đến 7h00 ngày 13/9 đã có 336 người chết, mất tích (233 người chết, 103 người mất tích), tăng 36 người chết (Lào Cai 16, Cao Bằng 09, Yên Bái 06, Tuyên Quang 03, Vĩnh Phúc 01, Phú Thọ 01) so với báo cáo ngày 11/9.
Lào Cai hiện là địa phương có nhiều người chết và mất tích với 179 người (98 người chết, 81 người mất tích) gồm: Bảo Yên 110, Sa Pa 09, Bát Xát 17, Si Ma Cai 07, Bắc Hà 34, Văn Bàn 02.
Cao Bằng có 52 người chết và mất tích (43 người chết, 09 người mất tích). Yên Bái: 50 người (48 người chết, 02 người mất tích) gồm: Thành phố Yên Bái 21, Lục Yên: 14, Văn Yên 09, Văn Chấn 02, Trấn Yên 04; Quảng Ninh: 15 người chết; Phú Thọ: 11 người (01 người chết do sạt lở đất; 01 người chết do lũ; 08 người mất tích tại sự cố sập cầu Phong Châu; 01 người mất tích do lũ); Hòa Bình: 07 người chết do sạt lở đất; Tuyên Quang: 05 người chết do lũ…
Vào rạng sáng 13/9, tại thôn Bản Tát, xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái xảy ra vụ sạt lở đất đồi làm sập hoàn toàn căn nhà của hộ ông Hoàng Nguyên Lâm khiến 1 người chết và 1 người bị thương.
Người thiệt mạng là cháu H.T.A (sinh năm 2012) và người bị thương là cháu gái H.M.T (sinh năm 2011).
Cùng lúc đó, do có những tiếng nổ lớn trên đồi, chính quyền xã Châu Quế Hạ huy động lực lượng đến di dời 100 người dân thuộc thôn Bản Tát ra nhà văn hóa đồng thời, đưa nạn nhân đến cơ sở y tế cứu chữa và hỗ trợ gia đình ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Từ chiều 11/9/2024, đê bối bị tràn đã cô lập hoàn toàn xã Trí Yên, huyện Yên Dũng (Bắc Giang), nơi ngập sâu nhất trên 2,5m.
Nước lũ ảnh hưởng trực tiếp đến 7/7 thôn của xã với 525/1347 hộ bị ngập, 67 hộ phải di dời, dự kiến nước sẽ ngập nhiều ngày nữa, khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bắc Ninh, tính đến trưa 13/9, mực nước lũ sông Thái Bình đã xuống dưới mức báo động 3, sông Đuống đã xuống dưới mức báo động 2.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Ninh đã rút lệnh báo động 3 trên triền sông Thái Bình và rút lệnh báo động 2 trên sông Đuống.
Đồng thời yêu cầu các ngành liên quan, Ban Chỉ huy các huyện, thị xã: Gia Bình, Lương Tài, Tiên Du, Thuận Thành, Quế Võ, các Hạt Quản lý đê, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Nam Đuống, Bắc Đuống tổ chức thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác đê theo cấp báo động trên các triền sông theo đúng quy định tại Thông tư số 01/2009/TT-BNN ngày 6/1/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chủ động phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố ngay từ giờ đầu đảm bảo an toàn cho đê.
Trước thông tin lan truyền mạng xã hội cho rằng "vỡ đê ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội," sáng 13/9, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Ứng Hòa cho biết huyện vừa cho kiểm tra tất cả hệ thống đê, đập tràn trên địa bàn và hệ thống này đang đảm bảo an toàn.
Hình ảnh và thông tin lan truyền là tại đập Dốc Bồ, xã Lưu Hoàng. Vị trí này nước đang tràn qua đập trên dốc nối trục đường 21B đi xã Hồng Quang.
Lực lượng chức năng đang tập trung ứng phó, đắp tải cát để bảo vệ những điểm xung yếu do nước dâng từ hệ thống sông Đáy.
Sáng 12/9, cơn đau chuyển dạ xuất hiện, sản phụ S.T.S., thôn Nậm Dìn, xã Tân Tiến, huyện Bảo Yên đã đến trạm y tế xã khám, tư vấn, kiểm tra các dấu hiệu của cuộc sinh nở. Nhưng do có sẹo mổ cũ không thể sinh thường tại trạm y tế, đồng thời, do mưa lũ, giao thông bị chia cắt, các phương tiện không thể tiếp cận để đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên, không còn cách nào khác, chị S. cùng chồng quyết định băng rừng, vượt suối, đến Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà sinh con.
Sau 14 giờ đồng hồ (từ 6 giờ đến 20h ngày 12/9) và vượt qua 40 km đường rừng hiểm trở, trơn trượt, chị S. đã đến Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà.
Chị S. đến Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà trong tình trạng mệt mỏi, đôi chân có nhiều vết thương và được các bác sĩ trực nhanh chóng tiến hành ca phẫu thuật cấp cứu.
Sau 30 phút căng thẳng, tiếng khóc chào đời của bé gái nặng 3 kg vang lên, cả kíp phẫu thuật và vợ chồng sản phụ S. Ôm con vào lòng, những giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài trên má chị S., đó là khoảnh khắc thiêng liêng mà ekip trực hôm đó sẽ nhớ mãi.
(Báo Lào Cai)
Do ảnh hưởng bão số 3 gây mưa lớn đã làm sạt lở nghiêm trọng tại nhiều vị trí trên tuyến đường tỉnh 433 nối thành phố Hòa Bình với huyện vùng cao Đà Bắc gây khó khăn trong việc lưu thông của người và phương tiện.
Hiện Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hòa Bình vẫn đang tích cực chỉ đạo các đơn vị, nhà thầu khẩn trương khắc phục sửa chữa dọn dẹp đất đá thông tuyến, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến.
Tại buổi kiểm tra tình hình sạt lở sau bão số 3 tại thôn Khuổi Luông, đoàn kiểm tra của huyện Ba Bể (Bắc Kạn) phối hợp với chính quyền địa phương xã Khang Ninh đã phát hiện nhiều khu vực bị sạt lở rất nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở diện rộng, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân.
Cụ thể, đường giao thông ĐT257B đoạn qua thôn Khuổi Luông, xã Khang Ninh đã bị sạt ta-luy dương gây tắc đường; sạt ta-luy âm làm cho đường bị đứt gẫy sâu, một số vị trí bị sạt lở ta-luy âm dẫn đến sạt đường dọc theo trục, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ sạt lở diện rộng (khu vực này có nước chảy từ ta-luy dương xuống các khe nứt).
Nhà của 4 hộ dân đã bị nứt đất và gây tụt toàn bộ khối nhà.
Từ 15 giờ ngày 13/9, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã dỡ bỏ lệnh cấm lưu thông trên cầu Long Biên và cầu Đuống.
Theo đó, Sở Giao thông Vận tải khôi phục tổ chức giao thông trên cầu Long Biên (Km3+056) tuyến đường sắt Hà Nội-Đồng Đăng cho người đi bộ, xe thô sơ, xe 2 bánh qua cầu Long Biên cả 2 hướng. Khôi phục tổ chức giao thông trên cầu Đuống (Km9+667) tuyến đường sắt Hà Nội-Đồng Đăng cho người đi bộ và các loại phương tiện qua cầu Đuống cả 2 hướng (cấm xe tải có tải trọng trên 13 tấn qua cầu).
Ngày 13/9, căn cứ vào diễn biến lũ trên sông Hoàng Long và điều kiện thực tế, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình đã có thông báo về việc dừng thực hiện lệnh di dời dân.
Theo đó, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh thống nhất dừng thực hiện lệnh di dời dân số 56/L-BCH ngày 12/9 từ 14 giờ ngày 13/9.
Theo bản tin dự báo của Đài khí tượng thủy văn Ninh Bình, hiện nay, lũ trên sông Hoàng Long và lũ sông Đáy tại Ninh Bình đang xuống. Tối 12/9, mực nước tại Bến Đế đã đạt đỉnh ở mức 4,93m.
Chiều nay 13/9, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội vừa có lệnh số 74/L-BCH về việc rút báo động lũ.
Theo, căn cứ vào mực nước sông Hồng tại Hà Nội (Long Biên) hồi 14 giờ 40 phút ngày 13/9 là 9,45 m (mực nước báo động 1 là 9,50 m), Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội rút báo động 1 trên sông Hồng.
Trưa 13/9, lực lượng tìm kiếm, cứu nạn của tỉnh Lào Cai đã tìm thấy thi thể nạn nhân cuối cùng trong vụ sạt lở đất xảy ra tại xã A Lù, huyện Bát Xát khiến bảy người mất tích.
Ngay sau khi tìm thấy các thi thể nạn nhân xấu số, cấp ủy, chính quyền địa phương đã hỗ trợ gia đình nạn nhân làm thủ tục mai táng theo phong tục địa phương.
Hiện tại, ở huyện Bát Xát vẫn còn hai người mất tích do sạt lở đất, lũ cuốn trôi chưa tìm thấy. Trong đó, xã Sàng Ma Sáo có 1 nạn nhân là S.A.T cư trú tại thôn Mà Mù Sử II và còn một người khác là L.V.N cư trú tại thôn Cửa Cải, xã Mường Vi. Cả hai mất tích do lũ cuốn trôi tại thôn Tả Lé, xã Trung Lèng Hồ.
Ngày 13/9, ông Trần Bá Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa cho biết địa phương đang theo dõi sát sao tình hình lũ trên sông Bưởi, sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu có thể xảy ra.
Theo phương án ứng phó của huyện, nếu lũ lên trên mức báo động 3, huyện Thạch Thành sẽ chủ động di dời khẩn cấp khoảng 910 hộ dân với hơn 3.000 nhân khẩu ở 9 xã ven sông Bưởi.
Ngoài ra, ở một số địa phương có nhà dân bị ngập, huyện đã yêu cầu địa phương di dời người già và trẻ nhỏ đến nơi an toàn.
Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến 17 giờ ngày 13/9, bão số 3 và hoàn lưu bão đã khiến 336 người chết và mất tích (trong đó có 254 người chết, 82 người mất tích).
So với thống kê lúc 7 giờ cùng ngày là 233 người, số người chết đã tăng thêm 21 người.
Công tác khắc phục hậu quả do bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra đang được các địa phương tập trung triển khai tích cực; trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác tìm kiếm người mất tích, ổn định cuộc sống của nhân dân.
Chiều 13/9/2024, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội vừa có lệnh số 74/L-BCH về việc rút báo động lũ do mực nước sông Hồng đã xuống dưới báo động 1.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã xảy ra mưa lũ gây ngập úng, sạt lở nghiêm trọng tại nhiều địa phương. Theo
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tính đến 14 giờ ngày 13/9, Lào Cai đã có 111 người chết, 143 người bị thương và mất tích; ước thiệt hại ban đầu trên 3.000 tỷ đồng.
Bảo Yên là địa phương chịu nhiều thiệt hại nhất trong đợt thiên tai này với 133 người bị thương vong và mất tích. Ngoài ra, trên địa bàn toàn tỉnh có trên 13.300 nhà bị ngập nước, sạt lở, lũ cuốn trôi; trong đó có 653 nhà bị thiệt hại hoàn toàn.
Theo thông tin từ Công ty Cổ phần cấp nước Lào Cai, đến chiều 13/9, đơn vị đã cơ bản khôi phục việc cấp nước sạch sinh hoạt cho các địa phương trên địa bàn.
Cụ thể, đến chiều 13/9, các Nhà máy nước Bảo Yên, Si Ma Cai đã sản xuất trở lại. Tuyến ống qua suối Ngòi Đum cấp nước cho Nhà máy nước Cốc San cung cấp nước sạch chủ yếu cho phường Kim Tân và phía Nam thành phố Lào Cai đã khắc phục xong, cơ bản khôi phục việc cấp nước cho các địa phương.