Hội chợ Làng nghề Việt Nam 2017- Craftviet 2017 sẽ thu hút sự tham gia của hơn 100 làng nghề nổi tiếng trên cả nước. Hội chợ được tổ chức từ ngày 09-13/11 tại Khu Hội chợ triển lãm giao dịch Kinh tế và thương mại (số 489, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội).
Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo thông tin về Hội chợ Làng nghề Việt Nam 2017 do Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp tổ chức ngày 31/10 tại Hà Nội.
[Làng nghề trước thực trạng "chỉ duy trì, không phát triển]
Dự kiến, hội chợ thu hút sự tham gia của 250 gian hàng phân chia theo các khu như khu mỹ nghệ kim hoàn: vàng, bạc, đồng, khảm tam khí; khu gốm sứ, pha lê thủy tinh; khu điêu khắc trạm khảm từ đá, gỗ, sừng; khu hàng mây song, tre nứa, dệt thổ cẩm, lụa và các chất liệu khác; khu hoa khô, hoa lụa, hoa đất, hoa gỗ, khảm trai, sơn son thiếp vàng, các loại sản phẩm và mô hình làng nghề, phố nghề…
Khoảng 1.000 nghệ nhân, thợ thủ công, nông dân, nhà sản xuất của các tỉnh thành đến thăm quan, giao lưu và học tập tại hội chợ. Hội chợ sẽ góp phần khuyến khích khả năng sáng tạo của các nghệ nhân, thợ thủ công và các nhà sản xuất kinh doanh nhằm góp phần nâng cao chất lượng, tinh hoa văn hóa làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam.
Các đoàn nghệ nhân, thợ thủ công giỏi đến từ các làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống nổi tiếng trong cả nước như nghề chạm bạc, khảm trai, mây tre đan, gốm Chu Đậu, gốm Bát Tràng, dệt thổ cẩm, tranh đông hồ… sẽ trình diễn, chế tác sản phẩm ngay tại hội chợ.
Làng nghề tạo việc làm và cải thiện đời sống cho đông đảo cư dân nông thôn. Thu nhập bình quân của lao động làng nghề thường cao hơn lao động nông nghiệp từ 2 đến 3 lần. Làng nghề lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể, đồng thời góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới…
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Đào Văn Hồ , Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp nhấn mạnh: “Bên cạnh những thuận lợi, làng nghề ở nước ta còn tồn tại nhiều hạn chế đó là chất lượng sản phẩm, hàng hóa của làng nghề còn thấp; thị trường chậm được mở rộng, chưa nghiên cứu sâu nhu cầu của người tiêu dùng.”
Hội chợ làn nghề được tổ chức nhằm thúc đẩy các hoạt động giao lưu kinh tế, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, góp phần đưa sản phẩm làng nghề thành sản phẩm hàng hóa có tính thương mại và giá trị gia tăng cao./.
Theo kết quả điều tra làng nghề nông thôn của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cả nước có hơn 5.400 làng nghề đang hoạt động, trong đó số làng nghề truyền thống được công nhận theo tiêu chí làng nghề hiện nay của Chính phủ là 1.748, thu hút khoảng 10 triệu lao động.Nhiều làng nghề đã tồn tại từ 500 đến 1.000 năm lại đây, trở thành những làng nghề tiêu biểu, được cả nước và thế giới biết đến, như lụa Vạn Phúc, tranh Đông Hồ, gốm sứ Bát Tràng…