Để phòng chống, hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra, ngày 11/4, tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận), Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tổ chức hội nghị triển khai công tác phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, bảo đảm sản xuất vụ hè thu và vụ mùa năm 2014.
Theo Tổng cục Thủy lợi, từ đầu năm đến nay, mực nước trên các sông từ Thanh Hoá đến Bình Thuận đang xuống dần và thiếu hụt so với nhiều năm cùng thời kỳ từ 30 đến 90%. Tại một số tỉnh đã xuất hiện khô hạn cục bộ như Quảng Nam, Đăk Lắk, Ninh Thuận… gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp.
Hiện nay, các hồ thủy lợi vừa và lớn, dung tích trung bình cũng chỉ đạt hơn 60% dung tích thiết kế, các hồ nhỏ đều đã cạn kiệt nước, riêng với hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, lượng nước các hồ chỉ đạt 20 đến 40%. Với các hồ thủy điện, mực nước đều thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 1-4m.
Với các tỉnh ở Bắc Trung Bộ, trên sông Mã tại Quảng Châu (Thanh Hóa) có độ mặn lớn nhất với 26,7%; trên sông Thu Bồn, Vĩnh Điện, Thanh Quýt, Bàn Thạch…, nước biển đã xâm nhập khá sâu vào nội địa, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cử đoàn công tác đi kiểm tra, hướng dẫn và đôn đốc, chỉ đạo các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ triển khai công tác chống hạn, xâm nhập mặn. Bên cạnh đó, Tổng cục cũng đã chỉ đạo các địa phương thường xuyên theo dõi, chủ động nguồn nước, đồng thời phối hợp với các nhà máy thuỷ điện trên địa bàn điều tiết nước hợp lý về hạ du, tạo nguồn nước sinh hoạt và nước tưới cho cây trồng.
Nhiều đại biểu ở các tỉnh bị nhiều thiệt hại do hạn hán như Đắk Lắk, Ninh Thuận, Bình Thuận… đều có chung nhận định, hạn hán đã gây ra không ít thiệt hại về sản xuất và đời sống của người dân địa phương.
Ông Trần Xuân Hòa, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận cho rằng, để đối phó với hạn hán, Ninh Thuận đã chủ động điều tiết nước tưới hợp lý, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm diện tích trồng lúa ở vùng không chủ động nước tưới, chỉ ưu tiên nước cho gia súc, cho sinh hoạt trước, sau đó mới tính việc điều tiết nước cho hoa màu và lúa… Tuy nhiên, dù tỉnh có tiết kiệm được nước tưới trong thời điểm hiện tại thì về lâu dài cũng khó chống đỡ bởi hạn hán còn kéo dài. Do đó cần có chính sách hỗ trợ để Ninh Thuận và các tỉnh trong khu vực có điều kiện đầu tư phát triển mô hình nông lâm kết hợp, phát triển dự án nối liên thông các hồ chứa để có giải pháp phòng chống hạn hán cũng như chống lũ lụt hiệu quả.
Từ đầu năm đến nay, do không có mưa, lượng dòng chảy thiếu hụt đã tác động xấu đến sản xuất cuối vụ đông xuân 2013-2014 của các tỉnh Trung Bộ, làm hơn 7.100ha lúa bị thiếu nước tưới, trong đó nặng nhất là tỉnh Ninh Thuận với hơn 5.400ha lúa bị thiệt hại, đồng thời có nguy cơ ảnh hưởng tới đầu vụ hè thu năm 2014…/.