Trưng cầu ý dân tại Scotland - Lựa chọn nào để ít phải trả giá

Scotland sẽ rời khỏi gia đình Anh hay sẽ vẫn là thành viên nhưng có quyền tự chủ cao hơn? Kết quả sẽ có sau cuộc trưng cầu ý dân ngày 18/9.
Trưng cầu ý dân tại Scotland - Lựa chọn nào để ít phải trả giá ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: scotlandspeople.gov.uk)

Khi cùng Thủ hiến vùng Scotland Alex Salmond đặt bút ký vào Thỏa thuận Edinburgh ngày 15/10/2012 cho phép Nghị viện Scotland tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về độc lập cho vùng này, có lẽ Thủ tướng Anh David Cameron vẫn nghĩ rằng nguy cơ bản đồ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland bị xé nhỏ là điều không tưởng.

Cho đến thời điểm tháng 11 năm ngoái khi Scotland ra "Sách Trắng về độc lập," khi mà hình hài một đất nước Scotland với quân đội riêng, quan hệ ngoại giao độc lập được ông Salmond công bố, giới lãnh đạo ở Westminster vẫn tự tin cho rằng văn kiện còn sơ sài và không giải đáp được nhiều vấn đề chính như tiền tệ, sự bền vững tài chính hay chính sách châu Âu sẽ không đủ sức nặng để khiến cử tri sinh sống tại vùng lãnh thổ phía Bắc chấm dứt “mối lương duyên” đã kéo dài hơn 300 năm giữa Anh và Scotland.

Các cuộc thăm dò dư luận tại Scotland cho thấy tỷ lệ ủng hộ xứ này độc lập khỏi Anh chỉ ở mức khoảng 30-35% suốt một thời gian dài cũng có thể là nguyên nhân khiến giới chức Anh có phần "chủ quan" bởi theo quy định tiến hành trưng cầu ý dân, Scotland sẽ chỉ độc lập nếu có hơn 50% phiếu thuận. Nhưng càng gần đến ngày diễn ra cuộc trưng cầu ý dân (18/9), tỷ lệ nói "có" với độc lập đã tăng lên mạnh mẽ và có lúc còn vượt tỷ lệ nói "không."

Dù từng tuyên bố nhiều lần rằng Chính phủ Anh tôn trọng kết quả cuộc trưng cầu, nhưng đứng trước nguy cơ có thể mất Scotland mãi mãi, các nhà lãnh đạo Anh đang dốc sức để bảo vệ sự vẹn toàn của liên hiệp.

48 giờ trước cuộc trưng cầu ý dân, lãnh đạo cả ba chính đảng lớn ở Anh là Thủ tướng Cameron (đảng Bảo thủ), Thủ lĩnh Công đảng Ed Miliband và Phó Thủ tướng Nick Clegg thuộc Đảng Dân chủ Tự do (LibDem) đã cùng ký vào một lá thư trao quyền tối đa cho Nghị viện Scotland cũng như cam kết thực hiện những chính sách để đảm bảo việc chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi công bằng hơn giữa 4 xứ làm nên Vương quốc thống nhất (UK) gồm England, Wales, Scotland và Bắc Ireland.

Cam kết này cùng những bài phát biểu đầy cảm xúc mà Thủ tướng Cameron nói trước những đám đông người dân Scotland trong hai chuyến thăm trong hai tuần liên tiếp được coi là nhằm thuyết phục một tỷ lệ khá cao cử tri còn lưỡng lự từ chối độc lập vì lá phiếu của họ có thể quyết định kết quả cuộc trưng cầu ý dân mang tính lịch sử này.

Với tỷ lệ chênh lệch rất sít sao giữa phe ủng hộ và từ chối độc lập, cuộc trưng cầu ý dân tại Scotland đang trở nên khó dự đoán hơn bao giờ hết và đang nóng lên không chỉ với nước Anh mà còn với cả châu Âu.

Nếu không còn Scotland, ảnh hưởng của Anh trong Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ bị suy yếu. Việc phân chia quyền lợi giữa hai bên sau đó sẽ rất phức tạp, chưa kể quá trình di chuyển các kho vũ khí hạt nhân của Anh khỏi Scotland sẽ rất tốn kém và phải mất nhiều thời gian.

Trên bình diện quốc tế, không ít quốc gia châu Âu lo ngại rằng việc Scotland độc lập sẽ tạo ra "cơn lốc ly khai" cho rất nhiều vùng đất, từ Catalonia ở Tây Ban Nha đến khu vực nói tiếng Hà Lan Flemish của Bỉ.

Bên cạnh đó, đối với một khu vực mà sự phục hồi sau khủng hoảng tài chính-kinh tế còn chưa chắc chắn, không nhà lãnh đạo châu Âu nào muốn thấy thêm những biến động có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường của các nước trong khối.

Nước Anh đang hy vọng rằng cùng với những cam kết được tung ra vào phút chót, bên cạnh những cảnh báo của giới kinh doanh bán lẻ về khả năng hàng hóa tăng giá cũng như việc nhiều tổ chức tài chính như Ngân hàng Hoàng gia Scotland (RBS), hãng bảo hiểm khổng lồ Standard Life, Tập đoàn Ngân hàng Lloyds,... công bố kế hoạch chuyển một số hoạt động về Anh để đảm bảo họ vẫn là một phần của hệ thống thuế và tiền tệ của Anh trong trường hợp Scotland độc lập sẽ khiến cử tri Scotland cân nhắc lại quyết định bỏ phiếu của mình.

Bởi trên hết, bên cạnh niềm tự hào dân tộc thì điều mà cử tri Scotland mong muốn là chất lượng sống được cải thiện và hệ thống an sinh xã hội được bảo đảm chứ không phải độc lập đi liền với việc làm bị mất và giá cả tăng cao.

Ngoài ra, việc Scotland sẽ không được tiếp tục sử dụng đồng bảng Anh làm tiền tệ, hay sẽ phải "làm lại từ đầu" trong việc xin gia nhập các tổ chức mà Anh đang là thành viên như EU, NATO,... cũng có thể khiến bầu nhiệt huyết đòi độc lập giảm đi phần nào.

Scotland sẽ rời khỏi gia đình Anh hay sẽ vẫn là một thành viên nhưng có quyền tự chủ cao hơn? Điều này sẽ được trả lời sau cuộc trưng cầu ý dân vào ngày mai (18/9). Bất luận kết quả như thế nào, Scotland sẽ không còn như hiện nay nữa. Hy vọng cử tri Scotland sẽ đưa ra được sự lựa chọn sáng suốt mà họ ít phải trả giá hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.