Theo tờ Tín báo (Hong Kong), ngày 30/6 có thể nói là một ngày lịch sử và là nút thắt quan trọng đối với sự phát triển chính trị của Đặc khu Hành chính Hong Kong.
Sáng 30/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã thông qua Luật An ninh Quốc gia tại Hong Kong và luật này chính thức có hiệu lực vào tối cùng ngày.
Luật này chắc chắn sẽ điều chỉnh mối quan hệ chính trị và đạo đức giữa Hong Kong và chính quyền trung ương trong khuôn khổ "Một nước, hai chế độ."
Đồng thời với việc định hình phát triển chính trị và xã hội của Hong Kong, mối quan hệ giữa Hong Kong với thế giới phương Tây cũng sẽ được định hình.
[Hong Kong khẳng định Luật An ninh quốc gia giúp duy trì sự ổn định]
Một ngày trước khi Luật An ninh Quốc gia tại Hong Kong được thông qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng tuyên bố chấm dứt việc xuất khẩu quốc phòng có kiểm soát đối với Hong Kong và thực hiện các bước nhằm áp đặt những hạn chế tương tự đối với việc xuất khẩu các công nghệ quốc phòng và công nghệ lưỡng dụng của Mỹ sang vùng lãnh thổ này. Ngoài ra, Mỹ cũng chấm dứt quy chế đãi ngộ đặc biệt dành cho Hong Kong.
Sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ xung quanh Luật An ninh Quốc gia tại Hong Kong chắc chắn sẽ có tác động nhất định đến đặc khu này và làm ảnh hưởng đến lợi ích của tất cả các bên liên quan.
Tuy nhiên, xét về mặt tổng thể, tỷ lệ thắng và thua lại rất khác nhau.
Trong cuộc chiến chính trị và pháp lý này, bên thắng lớn nhất là Trung Quốc, chủ yếu ở hai khía cạnh: Thứ nhất, luật này đã củng cố mối quan hệ giữa Hong Kong và Trung Quốc Đại lục, hoàn thành "sự trở về lần thứ hai" của Hong Kong.
Thứ hai, luật này đã ngăn chặn trạng thái "không bố trí phòng vệ" hơn 20 năm qua của Hong Kong trong vấn đề an ninh quốc gia, từ đó có thể phòng ngừa và chống một cách hiệu quả các thế lực bên ngoài coi Hong Kong làm cứ điểm và trận địa tuyến đầu để lật đổ Trung Quốc.
Vì vậy, mặc dù cuộc đọ sức Trung-Mỹ về vấn đề Hong Kong sẽ gây ra một số tổn thất đối với Trung Quốc vì các lệnh trừng phạt của Mỹ, nhưng trong các khía cạnh chính trị và an ninh quan trọng nhất, Trung Quốc lại nắm được thế chủ động và là nước thắng lớn nhất trong cuộc đọ sức này.
Bên thắng thứ hai là Đặc khu Hành chính Hong Kong. Mặc dù các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ có tác động kinh tế nhất định đối với Hong Kong trong ngắn hạn nhưng Luật An ninh Quốc gia mới trên thực tế đã thu hồi một số thẩm quyền an ninh quốc gia vốn thuộc về trung ương, khiến phạm vi tự trị của Chính quyền Hong Kong với sự tự do rộng rãi vốn có của người Hong Kong gần như không có bất kỳ ranh giới pháp lý nào, vì vậy mà bị thu hẹp một cách thích hợp.
Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, các lệnh trừng phạt của Mỹ một mặt rất khó có thể làm lung lay hoàn toàn vị thế của Hong Kong với tư cách là khu vực thuế quan độc lập và trung tâm tài chính quốc tế.
Mặt khác, quyền lợi theo quy định pháp luật của Hong Kong khi xây dựng luật cũng được đảm bảo đầy đủ. Hong Kong cũng không thể xảy ra hỗn loạn nghiêm trọng không có kỷ cương pháp luật mang tính chất chủ nghĩa ly khai mạnh mẽ giống như năm ngoái, không ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và dân sinh Hong Kong.
Nhờ vậy, chính sách "Một nước, hai chế độ" của Hong Kong cũng có thể tiếp tục được duy trì vững chắc.
Mỹ là bên thua cuộc lớn nhất trong cuộc chiến Trung-Mỹ lần này. Điều này là do trong cuộc chiến ở Hong Kong, Mỹ không có bất cứ hành động gì ngoại trừ dung túng phe đối lập Hong Kong và thông qua luật pháp trong nước để can thiệp nước ngoài.
Tuy nhiên, sau khi Luật An ninh Quốc gia ở Hong Kong được thông qua, Trung Quốc thâu tóm hết toàn bộ lợi ích của các thế lực nước ngoài đại diện là Mỹ và Anh ở Hong Kong.
Luật An ninh Quốc gia ở Hong Kong giống như "vòng kim cô," nó có thể được lập ra mà không áp dụng, nhưng khi đã lập ra thì là một cú sốc.
Nếu cần, Trung Quốc có thể áp dụng bất cứ lúc nào và Mỹ sẽ thua. Do đó, từ góc độ thắng thua, đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ mất đi cơ sở lợi ích ở nước ngoài là Hong Kong và là người thua cuộc lớn nhất trong Luật An ninh Quốc gia ở Hong Kong.
Kể từ khi Luật An ninh Quốc gia bước vào quy trình lập pháp cách đây không lâu, Mỹ bắt đầu bí mật xử lý tài sản của chính phủ ở Hong Kong, điều đó cho thấy sự lo ngại của Mỹ hiện nay.
Trên thực tế, trong cuộc chiến Trung-Mỹ lần này, phe đối lập và ủng hộ Hong Kong độc lập về cơ bản không đóng bất cứ vai trò gì.
Một mặt, phe đối lập từ lâu đã khiến chính quyền trung ương mất niềm tin vì hành vi gây rối không có đạo đức chính trị của họ, cùng với nhóm ủng hộ Hong Kong độc lập đã trở thành đối tượng đấu tranh cho công tác quản trị Hong Kong.
Mặt khác, xét về phía Mỹ, việc Mỹ can dự Hong Kong cũng không phải là để bảo vệ "tự do dân chủ" của họ mà là vì lợi ích của chính nước Mỹ.
Theo quan điểm của Mỹ, phe đối lập Hong Kong chẳng qua chỉ là các công cụ để họ can thiệp vào Hong Kong. Chính vì vậy, lần này phe đối lập và nhóm ủng hộ Hong Kong độc lập đã thua thảm hại nhất.
Ngày 30/6, đúng vào ngày Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua Luật An ninh Quốc gia và trước khi luật này có hiệu lực, hai đảng độc lập lớn của Hong Kong là nhóm Demosisto và Mặt trận Dân tộc Hong Kong đã tuyên bố giải tán.
Một số nhân vật đứng đầu các nhóm này như Hoàng Chi Phong, La Quán Thông và Ngao Trác Hiên cũng đã tuyên bố rời khỏi nhóm./.