Truyền thông Trung Quốc đưa tin, Trung Quốc có kế hoạch chi 2.000 tỷ NDT (330 tỷ USD) cho kế hoạch hành động về giải quyết vấn đề ô nhiễm nguồn nước.
Trung Quốc chiếm 1/5 dân số thế giới nhưng nước này lại chỉ có 7% nguồn tài nguyên nước, trong khi nguồn nước luôn khan hiếm ở phía Bắc - nơi một số khu vực lượng nước tính trên đầu người còn ít hơn cả ở Trung Đông.
Theo Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc, kế hoạch vẫn đang chờ được thông qua lần cuối nhưng ngân sách đã được duyệt với 1.700 tỷ NDT (227 tỷ USD).
Kế hoạch này nhằm cải thiện chất lượng nguồn nước tại Trung Quốc từ 30-50%, thông qua các hình thức đầu tư vào công nghệ, như tái chế, xử lý nước thải và công nghệ màng.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Bắc Kinh vào tuần trước, Bộ trưởng Môi trường Zhai Qing cho hay, nguồn nước ngầm đang bị ô nhiễm nặng và đe dọa đến nguồn nước uống.
Theo số liệu của chính phủ, đợt khảo sát 5.000 điểm nước ngầm hồi năm 2012 cho thấy 57,3% mẫu nước ngầm bị ô nhiễm nặng.
Trong 5 năm tới, Trung Quốc ước tính sẽ cần phải chi tổng cộng 60 tỷ NDT để xử lý nước thải, và hơn 10 tỷ NDT cho hoạt động xử lý ô nhiễm hàng năm.
Tuy kế hoạch mới chỉ bắt đầu nhưng cũng đáng lo ngại hơn khi Trung Quốc phụ thuộc vào than đá, vốn tạo ra 70% tổng sản lượng điện. Vì thế, vấn đề ô nhiễm không khí không thể giải quyết trong một sớm một chiều./.