Ngày 10/10, Ngân hàng trung ương Trung Quốc thông báo đã quyết định thiết lập Cơ chế Hoán đổi Chứng khoán, Quỹ và Công ty bảo hiểm (SFISF), với quy mô ban đầu là 500 tỷ nhân dân tệ (khoảng 71 tỷ USD) nhằm "phát triển thị trường vốn lành mạnh và ổn định."
Trong một tuyên bố, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (tức Ngân hàng trung ương) cho biết SFISF là công cụ chính sách tiền tệ đầu tiên do Trung Quốc tạo ra để hỗ trợ thị trường vốn.
Công cụ này sẽ cho phép các công ty chứng khoán, các quỹ và các công ty bảo hiểm đủ điều kiện sử dụng tài sản của họ - bao gồm trái phiếu, Quỹ hoán đổi danh mục (ETF) và các mã chứng khoán nằm trong chỉ số CSI 300 - làm tài sản thế chấp để đổi lấy các tài sản có tính thanh khoản cao như trái phiếu kho bạc và tín phiếu ngân hàng trung ương. Quy mô của SFISF có thể được mở rộng tùy thuộc vào tình hình thực tế.
Bắt đầu từ ngày 10/10, đơn đăng ký của các công ty chứng khoán, các quỹ và các công ty bảo hiểm đủ điều kiện sẽ được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc phê chuẩn.
SFISF được đánh giá mang lại lợi ích cho việc tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi của thị trường vốn Trung Quốc và hạn chế các hành vi như đổ xô mua hay bán tháo chứng khoán theo tâm lý đám đông, từ đó giúp duy trì sự ổn định của thị trường.
Theo các nguồn tin, công cụ mới này cũng có thể thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức phi ngân hàng, cải thiện hiệu quả truyền tải chính sách tiền tệ trên thị trường vốn và góp phần vào sự phát triển cân bằng của trái phiếu, cổ phiếu cũng như sự phát triển ổn định các thị trường khác./.
Trung Quốc: Dự trữ ngoại hối trong tháng 9 cao nhất kể từ năm 2015
Quy mô dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tăng trong tháng 9/2024 là do tác động tổng hợp của các yếu tố như tỷ giá hối đoái và thay đổi giá tài sản.