Ngày 16/9, Chủ tịch ngân hàng trung ương Iran Valiollah Seif cho biết tập đoàn đầu tư CITIC thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc vừa cung cấp mức tín dụng 10 tỷ USD cho các ngân hàng Iran.
Hợp đồng đã được ký kết tại Bắc Kinh giữa CITIC và một phái đoàn của các ngân hàng Iran do ông Valiollah Seif dẫn đầu. Tờ Iran Daily đưa tin các nguồn tài chính này sẽ được dùng để đầu tư vào các dự án về nguồn nước, năng lượng và vận tải.
Cũng theo ông Seif, ngoài gói tín dụng trên, Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc cũng cam kết cho Iran vay 10 tỷ USD, trong khi Ngân hàng phát triển Trung Quốc đã ký các thỏa thuận sơ bộ trị giá 15 tỷ USD dành cho các dự án sản xuất và cơ sở hạ tầng của Iran.
Như vậy, tổng cộng Trung Quốc đã đồng ý cấp 35 tỷ USD cho Iran dưới các hình thức tài trợ và cho vay để phát triển kinh tế.
[Trung Quốc-Iran ký hợp đồng thiết kế lại lò phản ứng nước nặng Arak]
Ông Seif cho biết các hợp đồng trên phản ánh "cam kết mạnh mẽ" của hai nước về thúc đẩy hợp tác song phương.
Dòng tín dụng này sẽ sử dụng đồng euro và Nhân dân tệ nhằm tránh những biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran hiện chưa được dỡ bỏ bất chấp thỏa thuận hạt nhân mà Tehran ký kết với Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) hồi năm 2015.
Hồi tháng trước, ngân hàng Exim của Hàn Quốc cũng ký một thỏa thuận tín dụng 8 tỷ euro với Iran. Các ngân hàng châu Âu vẫn cẩn trọng về các lệnh trừng phạt của Washington đối với hoạt động giao thương với Iran, song các nguồn tin cho biết Tehran đang tiến hành các đàm phán về các thỏa thuận tín dụng trị giá 22 tỷ USD với các ngân hàng của Áo, Đan Mạch và Đức.
Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất của Iran và chiếm một phần ba tổng giao dịch thương mại của Iran./.