Trung Quốc đã xứng là đối thủ của Mỹ trong lĩnh vực không gian?

Chương trình không gian của Trung Quốc mới là thứ khiến các chiến lược gia Mỹ lo ngại hơn cả, riêng năm 2018, nước này phóng 39 tên lửa, trong khi con số này của Mỹ là 31, Nga 20 và châu Âu chỉ có 8.
Trung Quốc đã xứng là đối thủ của Mỹ trong lĩnh vực không gian? ảnh 1Trung Quốc phóng vệ tinh viễn thám. (Nguồn: gbtimes.com)

Theo hãng AFP, trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ dồn sự chú ý vào các loại tên lửa và vệ tinh của Liên bang Xôviết. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chương trình không gian của Trung Quốc mới là thứ khiến các chiến lược gia Mỹ lo ngại hơn cả.

Trung Quốc, với những nỗ lực trong lĩnh vực không gian được Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) đích thân thực hiện, là quốc gia tiến hành số vụ phóng tên lửa hàng đầu thế giới.

Tính riêng trong năm 2018, nước này đã phóng 39 tên lửa, trong khi con số này của Mỹ là 31, Nga 20 và châu Âu chỉ có 8.

Ngày 3/1, Trung Quốc đã phóng tàu vũ trụ Hằng Nga 4 đưa thiết bị đổ bộ Thỏ Ngọc 2 hạ cánh thành công lên vùng tối của Mặt Trăng, một sứ mệnh chưa quốc gia nào làm được, và dự định vận hành trạm không gian tại quỹ đạo của hành tinh này trong thập kỷ tới.

Trong thập kỷ tiếp theo đó, Trung Quốc hy vọng có thể đưa phi hành gia lên trạm không gian tại Mặt Trăng sau những bước đi đầu tiên từ năm 1972.

Chi tiêu cho các chương trình không gian dân và quân sự của Trung Quốc hiện đã vượt qua Nga và Nhật Bản. Dù không có các số liệu cụ thể song Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế (OECD) ước tính ngân sách chi cho lĩnh vực không gian trong năm 2017 của Trung Quốc là khoảng 8,4 tỷ USD.

Nhà phân tích Phil Smith, làm việc tại hãng cố vấn Công nghệ và Không gian Bryce, cho rằng con số này thấp hơn nhiều so với số tiền 48 tỷ USD mà Mỹ chi cho các chương trình không gian quân và dân sự song lại cao hơn gấp đôi những gì Nga bỏ ra, được cho là vào khoảng 3 tỷ USD.

Sau vài thập kỷ trì trệ, giới lãnh đạo Trung Quốc đã có hẳn một chương trình nhằm bắt kịp các thành tựu trong lĩnh vực không gian của nhiều cường quốc khác như phóng vệ tinh đầu tiên vào năm 1970; hoàn thành sứ mệnh đưa con người lên không gian vào năm 2003; phóng tàu vũ trụ Thần Châu 9 đưa 3 phi hành gia lên trạm vũ trụ Thiên Cung 1 vào năm 2012; và vận hành hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu, một đối thủ Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS).

Todd Harrison, một chuyên gia về các chương trình vũ trụ quân sự làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, bình luận: “Nếu tiếp tục hướng đi này, Trung Quốc sẽ nhanh chóng vượt xa Nga về năng lực công nghệ không gian.”

Hiện Trung Quốc chưa phải là đối thủ đặt ra mối đe dọa lớn đối với thị trường vệ tinh thương mại, vốn do các doanh nghiệp lớn như SpaceX của Mỹ, Arianespace của châu Âu hay các công ty Nga thâu tóm.

Trình độ công nghệ và các thành tựu trong khám phá không gian của Trung Quốc cũng chưa vượt trội so với Mỹ.

[Trung Quốc đang mở "Con đường Tơ lụa" mới trong không gian]

Ban lãnh đạo Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã hoan nghênh sứ mệnh thành công của tàu Hằng Nga 4, song hồi năm 2011 Mỹ đã ra một đạo luật cấm các hoạt động hợp tác không gian với Bắc Kinh dù Quốc hội có thể dỡ bỏ lệnh cấm này.

Nguy cơ đối đầu chủ yếu diễn ra trong hai lĩnh vực. Trong ngắn hạn là khả năng ứng dụng trong các hoạt động quân sự và dài hạn là việc khai thác các nguồn tài nguyên trong không gian.

Việc khai thác khoáng chất hoặc nguồn nước trên Mặt Trăng hay các hành tinh nhỏ, chủ yếu phục vụ nguồn năng lượng cho tên lửa, vẫn là một kế hoạch đường xa song nhiều doanh nghiệp mới của Mỹ đang nhanh chóng bắt tay vào hướng đi này.

Không giống thời Chiến tranh Lạnh, cuộc cạnh tranh mới trong lĩnh vực không gian chủ yếu diễn ra do sự thiếu vắng những ràng buộc pháp lý.

Giai đoạn thập niên 60-70 của thế kỷ trước, Washington và Moskva đã đàm phán một số hiệp ước về không gian, cơ bản là để đảm bảo hợp tác nghiên cứu khoa học và cấm sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt trong không gian.

Tuy nhiên, theo Giáo sư về luật không gian Frans von der Dunk tại Đại học Nebraska-Lincoln, “các hiệp ước quá mơ hồ khi nhắc đến các điều khoản và ràng buộc về những hoạt động như khai thác khoáng sản trong không gian.

Hơn thế, sự xuất hiện của ngày càng nhiều công nghệ quân sự mới như tia laser chống vệ tinh, tấn công an ninh mạng, nhiễu sóng điện từ, tên lửa chống vệ tinh phóng từ mặt đất - tương tự loại tên lửa Trung Quốc phóng hồi năm 2007 - càng khiến những lỗ hổng pháp lý trở nên nghiêm trọng hơn.

Luật chiến tranh áp dụng với các xung đột trên Trái Đất, song không phù hợp trong lĩnh vực không gian. Vẫn còn đó rất nhiều câu hỏi bỏ ngỏ. Nếu một vệ tinh va chạm với một vệ tinh khác trong không gian, liệu đó có bị xem là một “vụ tấn công”?

Thế nào mới được xem là phản ứng phù hợp? Va chạm giữa các vệ tinh dân sự có thể được xem là “vô tình” song trong trường hợp vệ tinh được sử dụng song song cho cả mục đích dân sự và quân sự thì sao? Một quốc gia có thể phản ứng thế nào trước một vụ tấn công chưa rõ nguồn gốc?

Giáo sư Jack Beard, làm việc cho chương trình luật không gian của Đại học Nebraska, nói: “Rất khó để xác định xem đâu là vũ khí và những thiết bị phi quân sự trong môi trường không gian… Không may là những xung đột vũ trang nghiêm trọng trên Trái Đất hoàn toàn có thể lan sang lĩnh vực không gian. Trung Quốc đang chuẩn bị cho những nguy cơ trong tương lai, và… họ đang thử nghiệm các hệ thống có thể can thiệp hoạt động thông tin liên lạc hay truyền phát thông tin từ vệ tinh tới các máy bay không người lái của Mỹ.”

Chuyên gia Harrison kết luận: “Mỹ không duy trì khoảng cách hay có biện pháp đề phòng với những mối đe dọa đối với các hệ thống ngoài không gian” và điều này khiến Mỹ đứng trước nhiều rủi ro. Trong khi đó, đối thoại Mỹ-Trung gần như chỉ là con số 0, khác hẳn với những trao đổi giữa Washington và Moskva thời Chiến tranh Lạnh.

Ông Harrison nói: “Nếu khủng hoảng trong không gian nổ ra và có liên quan tới Trung Quốc, không rõ quân đội Mỹ có biết là họ cần phải liên hệ với ai hay không.”

Tuy nhiên, một số nhà quan sát hoài nghi việc người ta tô vẽ hình ảnh Trung Quốc như một đối thủ hung hăng của Mỹ trong lĩnh vực không gian.

Brian Weeden, làm việc tại Quỹ Quốc tế Đảm bảo ở Washington cho rằng những người nhắc đến mối đe dọa Trung Quốc thực chất chỉ là muốn Quốc hội nới lỏng hầu bao dành cho NASA.

Ông nói: “Họ xem cuộc cạnh tranh với Trung Quốc là chìa khóa để khích lệ quyết tâm chính trị và rót tiền đầu tư cho các dự án mà họ muốn thúc đẩy”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Toàn cảnh mùa giải Nobel năm 2024

Toàn cảnh mùa giải Nobel năm 2024

Lễ trao các giải Nobel Y Sinh, Vật lý, Hóa học, Kinh tế năm 2024 sẽ được tổ chức tại thủ đô Stockholm (Thụy Điển), riêng giải Nobel Hòa bình sẽ được trao tại thủ đô Oslo (Na Uy) vào ngày 10/12.