Trung Quốc đang “từ từ” tiến vào khu vực Trung Đông

Mặc dù Trung Quốc đã cố gắng hướng tới sự cởi mở và hòa bình, song bất kể động thái nào của Bắc Kinh cũng đều khiến nhiều nước trên thế giới phải “giật mình.”
Trung Quốc đang “từ từ” tiến vào khu vực Trung Đông ảnh 1Khu công nghiệp Trung Quốc-Oman tại Duqm, Oman. (Nguồn: Reuters)

Trang mạng Arab News của Saudi Arabia vừa có bài phân tích về những bước đi và động thái của Trung Quốc ở khu vực Trung Đông. Theo tờ báo này, Trung Quốc đang từ từ tiến vào Trung Đông trên nhiều lĩnh vực, cả kinh tế và quân sự.

Theo tác giả Yasar Yakis (cựu Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời là thành viên sáng lập của Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền), tại diễn đàn “Xây dựng một cộng đồng an ninh: Bình đẳng, công bằng và hợp lý” vừa được tổ chức tại Đại học Thanh Hoa, ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), đã có nhiều phiên thảo luận về vấn đề an ninh. Đáng chú ý, vấn đề an ninh Trung Đông “bất ngờ được ưu tiên hàng đầu.”

Mặc dù Trung Quốc đã cố gắng hướng tới sự cởi mở và hòa bình, song bất kể động thái nào của Bắc Kinh cũng đều khiến nhiều nước trên thế giới phải “giật mình.”

Năm ngoái, Trung Quốc đã xây dựng một căn cứ hậu cần tại Djibouti với diện tích 500m2 và có khoảng 300 nhân viên. Tại diễn đàn nói trên, các đại biểu Mỹ “khăng khăng” cho rằng đây là một căn cứ quân sự, trong khi Trung Quốc khẳng định đó là một cơ sở hậu cần thuộc khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.

Trong khi đó, Nhật Bản và Mỹ đều có các căn cứ ở quốc gia nhỏ bé này nhưng lại không vấp phải bất kỳ sự phản đối nào từ phía cộng đồng quốc tế, trong khi sự hiện diện của Trung Quốc ở đây lại khiến dư luận “để ý,” lo ngại Trung Quốc đang có những ý đồ và tham vọng khác.

Trung Quốc theo dõi sát sao những diễn biến ở Trung Đông do nhu cầu “không thể thỏa mãn được” của Bắc Kinh về dầu mỏ. Sự chia rẽ giữa người Hồi giáo dòng Sunni và Shi’ite đã buộc Washington phải đứng về phe đối lập với Iran. Điều này đã tạo ra nhiều cơ hội cho Bắc Kinh, vốn “không có vấn đề gì” với bất kỳ nước nào trong khu vực này.

Trung Quốc đang xây dựng nhà máy lọc dầu trị giá 10,7 tỷ USD tại Oman bằng vốn đầu tư của Trung Quốc. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng quan tâm tới việc nâng cấp Kênh đào Suez và xem xét khả năng xây dựng một kênh đào thứ hai tại đây.

Tại Israel, đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở khu vực Trung Đông, Trung Quốc đang đầu tư vào các cảng biển và hệ thống đường sắt. Ngoài ra, Trung Quốc còn là đối tác thương mại lớn nhất của Iran khi kim ngạch thương mại Trung Quốc-Iran đã tăng từ 31 tỷ USD lên 37 tỷ USD.

Theo ông Yakis, Trung Quốc sẽ còn tiến sâu vào khu vực Trung Đông. Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn duy trì lập trường trung lập bằng việc bỏ phiếu trắng tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về các cuộc xung đột trong khu vực nhưng trong tương lai có thể họ sẽ không giữ quan điểm này một khi nước này can dự sâu hơn vào những vấn đề ở đây.

Tổng thống Donald Trump có vẻ như muốn rút Mỹ ra khỏi cuộc khủng hoảng Syria, song lại vướng phải sự phản đối của “những thế lực ngầm” ở Washington do lo ngại Iran ngày càng trở nên lấn sâu hơn vào bên trong lãnh thổ của quốc gia Trung Đông này. Trong khi đó, Nga rõ ràng đã hiện diện “rất lớn” ở Syria.

Trong bối cảnh phức tạp như vậy, Trung Quốc đang áp dụng cách tiếp cận thận trọng “truyền thống” để “từ từ” thâm nhập vào khu vực giàu dầu mỏ này mà không phải sử dụng đến việc can dự bằng quân sự vì điều đó sẽ khiến nhiều nước lo sợ. Theo cựu quan chức ngoại giao này, việc Trung Quốc không ngừng thâm nhập vào nhiều khu vực khác nhau, trong đó có Trung Đông, chắc chắn sẽ tác động tới sự cân bằng quyền lực trên thế giới.

Ông Yakis đánh giá: “Hiện tại, Trung Quốc gần như đánh bật Mỹ ra khỏi Trung Đông để trở thành nhà cung cấp vũ khí chính, nhưng Bắc Kinh đang thâm nhập vào khu vực này một cách “từ từ,” bắt đầu bằng các loại máy bay không người lái và những vũ khí khác vốn không phức tạp.” Nhận định này của ông Yakis không phải là không có cơ sở khi Mỹ và các đồng minh ở khu vực đã bày tỏ sự quan ngại về vấn đề máy bay không người lái của Trung Quốc, cho đây là hành động “đổ thêm dầu vào lửa” vào khu vực vốn luôn bất ổn này.

Các chuyên gia quân sự ở khu vực cũng tán thành với nhận định trên. Năm 2017, các lực lượng của Saudi Arabia đã sử dụng hệ thống tên lửa phòng không Patriot để bắn hạ một máy bay không người lái được cải tiến của lực lượng phiến quân Houthi ở Yemen. Phí tổn cho vụ việc này là 3,4 triệu USD, trong khi máy bay không người lái chỉ có giá vài trăm USD.

Các công ty Trung Quốc như DJI đã gần như nắm vị trí độc quyền trên thị trường máy bay không người lái ở khu vực. DJI là công ty công nghệ có trụ sở ở thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Theo các chuyên gia quân sự, công ty này chuyên chế tạo các thiết bị bay không người lái (UAV), máy bay do thám không người lái..., được sử dụng để quay phim và chụp ảnh từ trên không.

DJI hiện đứng đầu ngành công nghiệp chế tạo máy bay không người lái sử dụng cho mục đích dân dụng và thương mại, chiếm tới 70% thị phần toàn cầu, và công nghệ máy bay không người lái của hãng này đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Các chuyên gia phân tích dự báo Trung Quốc sẽ xuất khẩu hơn 5,5 triệu máy bay không người lái vào năm 2020, trong khi năm 2015 mới chỉ bán được vài trăm nghìn chiếc.

Về khía cạnh an ninh-quân sự, các chuyên gia phân tích đã chỉ ra rằng những chiếc máy bay không người lái dân dụng giá rẻ của Trung Quốc được hoán cải, chuyển đổi công năng, như phiến quân Houthi đã từng làm, đang đặt ra một mối đe dọa an ninh mới đối với Trung Đông, cản trở những nỗ lực chống khủng bố của nhiều nước trong khu vực cũng như làm phát sinh chi phí tốn kém trong việc ngăn chặn hoạt động của loại thiết bị có khả năng do thám này.

Vấn đề được đặt ra là những dữ liệu mà máy bay không người lái thu thập được sẽ phát tát đi đâu và như thế nào? Sẽ là mối đe dọa an ninh thực sự nếu chúng rơi vào tay các phần tử khủng bố. Trên thực tế, cả phong trào Hezbollah ở Liban và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đều đã từng sử dụng máy bay không người lái bằng cách hoán cải máy báy không người lái dân dụng thành các thiết bị bay chở được bom hay dùng để do thám các mục tiêu tấn công.

Theo các chuyên gia, vấn đề máy bay không người lái có xuất xứ từ Trung Quốc đang đặt ra những thách thức cả về chiến lược, quân sự, an ninh cũng như pháp lý đối với khu vực Trung Đông, đòi hỏi cần có những giải pháp cấp bách để ngăn chặn cũng như phòng ngừa. Riêng trong lĩnh vực máy bay không người lái, Bắc Kinh đang chiếm ưu thế ở Trung Đông và không “chậm chân” chút nào trước các nước lớn như Mỹ hay Nga. Qua đó có thể thấy rằng không phải ngẫu nhiên mà mỗi khi Trung Quốc định làm gì, hay đầu tư vào lĩnh vực nào, đều khiến nhiều nước phải lo ngại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Gaza ngày 22/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ hối thúc Israel chuyển hướng chiến lược tại Gaza

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Israel đã đạt được phần lớn mục tiêu chiến lược liên quan tới Gaza kể từ sau ngày 7/10 năm ngoái và đây là thời điểm để biến điều đó thành quả lâu dài và chiến lược.