Trung Quốc đẩy mạnh chương trình thám hiểm Mặt Trăng trong năm 2023

Theo kế hoạch, tàu thăm dò Thường Nga 6 sẽ hoàn tất nhiệm vụ đưa mẫu vật đất và đá về Trái Đất, còn tàu Thường Nga 7 sẽ thực hiện sứ mệnh hạ cánh trên cực Nam Mặt Trăng và phát hiện các nguồn nước.
Trung Quốc đẩy mạnh chương trình thám hiểm Mặt Trăng trong năm 2023 ảnh 1Tàu thăm dò Thường Nga 5 hạ cánh xuống khu vực Nội Mông mang theo các mẫu vật từ Mặt Trăng. (Nguồn: Our Space)

Trong năm 2023, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh chương trình thám hiểm Mặt Trăng gồm giai đoạn 4, trong đó có một sứ mệnh mang 2kg mẫu vật từ Mặt Trăng về Trái Đất.

Ngày 6/2, ông Ngô Vĩ Nhân, Kiến trúc sư trưởng của Chương trình Thám hiểm Mặt Trăng, cho biết Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) sẽ tiếp tục nghiên cứu Mặt Trăng thông qua các sứ mệnh Thường Nga 6, Thường Nga 7 và Thường Nga 8.

Theo kế hoạch, tàu thăm dò Thường Nga 6 sẽ hoàn tất nhiệm vụ đưa mẫu vật đất và đá về Trái Đất, còn tàu Thường Nga 7 sẽ thực hiện sứ mệnh hạ cánh trên cực Nam Mặt Trăng và phát hiện các nguồn nước.

Tàu Thường Nga 8 dự kiến được phóng vào khoảng năm 2028 và sẽ phối hợp với tàu Thường Nga 7 để xây dựng mô hình cơ bản của một trạm nghiên cứu khoa học tại cực Nam Mặt Trăng, trong đó có nhiều thiết bị thăm dò như tàu vũ trụ bay theo quỹ đạo, tàu đổ bộ, xe tự hành.

Gần đây nhất Trung Quốc thực hiện sứ mệnh thăm dò Mặt Trăng là phóng tàu Thường Nga 5 vào ngày 24/11/2020 sau 4 lần trì hoãn kể từ năm 2017.

Tàu thám hiểm này của Trung Quốc có nhiệm vụ khảo sát bề mặt Mặt Trăng trong 2 ngày và thu thập khoảng 2kg mẫu đất đá trước khi quay trở về.

Sứ mệnh của tàu Thường Nga được đánh giá là một trong những sứ mệnh phức tạp và thử thách nhất trong lịch sử ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc.

Ngày 17/12/2020, con tàu này đã trở về Trái Đất, kết thúc hành trình khám phá Mặt Trăng cũng như mang trở về tổng cộng 1.731 gram mẫu đất đá thu thập được từ hành tinh này.

Ngay sau khi tàu hoàn tất các thủ tục hạ cánh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi lời chúc mừng và bày tỏ hy vọng sứ mệnh khám phá không gian lần này của tàu Thường Nga 5 sẽ đóng góp thêm kiến thức cho việc hiểu hơn về nguồn gốc Mặt Trăng và lịch sử phát triển của hệ Mặt Trời.

Trung Quốc đẩy mạnh chương trình thám hiểm Mặt Trăng trong năm 2023 ảnh 2Hình ảnh minh họa tàu Thường Nga 5 hạ cánh xuống Mặt Trăng và thu thập mẫu vật. (Nguồn: CNSA)

Qua phân tích các mẫu đất đá mà tàu vụ trũ Thường Nga 5 thu thập được từ Mặt Trăng, các nhà khoa học Trung Quốc đã phát hiện ra nhiều thông tin giá trị như giả thuyết mới về cách thức các núi lửa hình thành trên Mặt Trăng cách đây 2 tỷ năm.

Các nhà nghiên cứu từ Viện Địa chất và Địa vật lý thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc (IGGCAS) đã xem xét kỹ lưỡng 27 mẫu đá bazan mà tàu Thường Nga 5 mang về từ Mặt Trăng, nhằm tính toán các thành phần ban đầu của những mẫu vật này.

Các nhà khoa học trước đó đã suy đoán rằng hàm lượng nước cao hoặc các nguyên tố phóng xạ ở bên trong Mặt Trăng có thể đã thúc đẩy hình thành núi lửa ở giai đoạn cuối của vòng đời Mặt Trăng.

Tuy nhiên, những dữ liệu do tàu Thường Nga 5 thu thập được lại cho thấy vùng bao phủ bên ngoài vừa khô vừa thiếu chất sinh nhiệt.

[Trung Quốc công bố danh sách hạt giống thử nghiệm trên trạm vũ trụ]

Họ phát hiện ra rằng magma trong các mẫu vật mà tàu Thường Nga 5 đưa về có thể có hàm lượng canxi oxit và titanium dioxide cao hơn so với magma có trong các mẫu vật mà sứ mệnh Apollo của Mỹ thu thập được trước đây.

Nghiên cứu cho thấy đại dương magma Mặt Trăng giai đoạn cuối tích tụ trong các mẫu vật mà Thường Nga 5 mang về rất giàu canxi và titan, đồng thời tan chảy dễ dàng hơn.

Trung Quốc đẩy mạnh chương trình thám hiểm Mặt Trăng trong năm 2023 ảnh 3Các nhà khoa học Trung Quốc phân tích các mẫu đất đá mà tàu vụ trũ Thường Nga 5 thu thập được từ Mặt Trăng. (Ảnh: THX/TTXVN

Các nhà khoa học cho rằng những thành phần nóng chảy được bổ sung bên trong Mặt Trăng có thể làm giảm nhiệt độ nóng chảy của lớp bề mặt và do đó kích hoạt sự hình thành các núi lửa Mặt Trăng.

Các mẫu đất đá Mặt Trăng do sứ mệnh Apollo (Mỹ) và Luna (Nga) thực hiện cách đây nhiều thập kỷ đã cung cấp cái nhìn sâu sắc về lịch sử và sự tiến hóa của Mặt Trăng.

Tuy nhiên, vị trí lấy mẫu khi đó đều nằm ở vùng vĩ độ thấp, do đó không thể đại diện cho đặc điểm bề mặt phổ biến nhất của thiên thể.

Tàu Thường Nga 5 của Trung Quốc được kỳ vọng sẽ giúp lấp khoảng trống này, khi là sứ mệnh đầu tiên trong lịch sử thu thập mẫu đất đá tại vùng vĩ độ trung bình của Mặt Trăng - một vùng tối và bằng phẳng được mệnh danh là "Biển bão tố."

Các nhà khoa học tin rằng nơi đây rất có thể chứa bằng chứng về hoạt động núi lửa sớm nhất trên Mặt Trăng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Toàn cảnh mùa giải Nobel năm 2024

Toàn cảnh mùa giải Nobel năm 2024

Lễ trao các giải Nobel Y Sinh, Vật lý, Hóa học, Kinh tế năm 2024 sẽ được tổ chức tại thủ đô Stockholm (Thụy Điển), riêng giải Nobel Hòa bình sẽ được trao tại thủ đô Oslo (Na Uy) vào ngày 10/12.