Trung Quốc đề xuất tăng cường hợp tác quốc phòng tại châu Á-TBD

Thiếu tướng Từ Quốc Nguy thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc, cho biết Bắc Kinh hoàn toàn nhận thức được rằng sự phát triển hòa bình của nước này gắn liền với tương lai của châu Á-Thái Bình Dương.
Bên ngoài khách sạn Shangri-La tại Singapore. (Nguồn: TTXVN phát)
Bên ngoài khách sạn Shangri-La tại Singapore. (Nguồn: TTXVN phát)

Ngày 1/6, tại Đối thoại Shangri-La đang diễn ra ở Singapore, Trung Quốc đã đưa ra đề xuất 3 điểm về việc tăng cường hợp tác quốc phòng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Phát biểu tại một phiên họp đặc biệt về "Mô hình hợp tác quốc phòng mới" trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La, Thiếu tướng Từ Quốc Nguy, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc, cho biết Trung Quốc hoàn toàn nhận thức được rằng sự phát triển hòa bình của nước này gắn liền với tương lai của châu Á-Thái Bình Dương.

Thiếu tướng Từ Quốc Nguy nói: "Chúng tôi ủng hộ đối thoại và hợp tác an ninh song phương cũng như đa phương tích cực, đồng thời nỗ lực hỗ trợ hợp tác khu vực cả về kinh tế và an ninh". Qua đó, Trung Quốc đề xuất 3 điểm về tăng cường hợp tác quốc phòng tại khu vực.

Đầu tiên, thúc đẩy tương tác tích cực giữa các nước lớn cho hợp tác quốc phòng. Theo Tướng Từ Quốc Nguy, chỉ khi mối quan hệ giữa các nước lớn nhìn chung được duy trì ổn định thì châu Á-Thái Bình Dương mới được tương đối yên bình.

Một sự tương tác thuận lợi giữa các nước lớn cần những nỗ lực chung hướng tới chung một mục tiêu.

Tướng Từ Quốc Nguy lưu ý, trong khi mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung-Nga đang ở mức cao, mối quan hệ giữa hai nhà nước và quân đội Mỹ-Trung nói chung vẫn được duy trì ổn định bất chấp những khó khăn.

[Đối thoại Shangri-La: Hợp tác là chìa khóa giải quyết tranh chấp biển]

Thứ hai, xây dựng một cấu trúc mở và toàn diện cho hợp tác quốc phòng. Tướng Từ Quốc Nguy cho biết Trung Quốc chủ trương mọi sáng kiến mới được đề xuất cần minh bạch và toàn diện hơn với sự tham gia rộng lớn, phù hợp với thời kỳ hội nhập kinh tế toàn cầu và an ninh chung, không làm suy yếu lợi ích của nhau.

Thứ ba, tăng cường hợp tác thiết thực trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống. Theo Tướng Từ Quốc Nguy, so với các vấn đề an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống là một lĩnh vực các nước cần đạt được nhiều sự đồng thuận hơn và có nhiều cam kết chung hơn nữa.

Cũng tại Đối thoại Shangri-La, cùng ngày, Giám đốc Trung tâm Hợp tác An ninh thuộc Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Thượng tá Chu Ba đã kêu gọi giảm thiểu và tránh các hoạt động quân sự dày đặc trên biển.

Thượng tá Chu Ba khẳng định: "Đây là cách trực tiếp và hiệu quả nhất để tránh xung đột trên biển."

Ông Chu Ba cho biết hầu hết các quy tắc hiện có chỉ là những thỏa thuận cho các cuộc chạm trán bất ngờ, song những thỏa thuận về chiến thuật chỉ có hiệu quả nhất khi cả hai bên có được sự đồng thuận về chiến lược rằng họ sẽ không xung đột và không đối đầu với nhau.

Theo ông Chu Ba, Trung Quốc cam kết hợp tác với các quốc gia khác nhằm bảo vệ an ninh trên biển. Các cuộc tham vấn, đối thoại và hợp tác của Trung Quốc với các nước khác đã đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy an ninh hàng hải cũng như tránh các cuộc đụng độ và xung đột trên biển.

Ông cũng kêu gọi hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc để tìm ra điểm chung trong khi bỏ qua những bất đồng trong nguyên tắc về việc đi lại tự do./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.