Theo trang mạng thehill.com, Vương Quốc Anh tuyên bố hồi tháng 7 rằng họ sẽ không cho phép Tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei tham gia vào mạng viễn thông 5G của nước này.
Đây được coi là một thành công trong việc vận động hành lang của chính quyền ông Trump đối với đồng minh thân cận nhất của Mỹ.
Các nước khác như Australia và Nhật Bản cũng đã cấm cửa công ty này một cách hiệu quả, đồng thời viện dẫn những lo ngại của Washington về một mối đe dọa an ninh quốc gia tiềm tàng.
Thật không may cho những nhân vật “diều hâu” với Huawei, phần lớn thế giới vẫn mở cửa sử dụng công nghệ của tập đoàn này.
[Cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc: Ăn miếng trả miếng]
Hiện nay, Huawei có sự hiện diện ở hơn 170 quốc gia, trong đó có hàng chục quốc gia ở châu Âu và thậm chí Canada vẫn chưa bị thuyết phục để cấm cửa tập đoàn có liên hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc này.
Điều này phản ánh thực tế Mỹ đã tự nhận ra rằng Trung Quốc dường như đang giành thắng lợi trong cuộc chiến xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ của thế giới.
Việc Trung Quốc thúc đẩy thống trị công nghệ đang được điều phối thông qua một chương trình được gọi là “Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số” (DSR), một thành tố của Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI).
Ra mắt vào năm 2015, DSR là một chương trình nghị sự của khu vực tư nhân được nhà nước hỗ trợ mạnh mẽ với mục đích mở rộng sự hiện diện kỹ thuật số của Trung Quốc ở nước ngoài, và qua đó tăng cường tầm ảnh hưởng chính trị và thương mại của nước này.
DSR đang đáp ứng nhu cầu kết nối từ châu Á đến châu Phi tới Mỹ Latinh. Các công ty Trung Quốc đã xây dựng phần lớn nền tảng kỹ thuật số của thế giới, trong đó gồm các hệ thống mạng lưới viễn thông và cáp quang.
Các trung tâm dữ liệu đã được xây dựng và các dự án đã được thiết lập trong lĩnh vực giáo dục thông minh và giám sát trực tuyến.
Đại dịch toàn cầu đang tạo nhiều cơ hội mới cho các công ty Trung Quốc trong lĩnh vực chăm sóc y tế kỹ thuật số ngày càng phát triển nhanh chóng, khi cả Huawei và Alibaba đều chia sẻ hệ thống phát hiện virus ở nước ngoài.
Trung Quốc đang hỗ trợ mạnh mẽ cho hoạt động mở rộng này. Thành công của Huawei đã được mức tín dụng do nhà nước hậu thuẫn nới lỏng, theo đó có thời điểm lên đến 100 tỷ USD và đảm bảo rằng họ có thể trả giá cao hơn tất cả các đối thủ không chỉ về giá, mà còn cả về hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D).
Các khoản vay hàng tỷ USD đã được trao cho các nước để mua công nghệ của Trung Quốc dưới danh nghĩa viện trợ phát triển, và đây là tác động tích cực của DSR đối với cơ sở hạ tầng kỹ thuật số toàn cầu, theo đó chương trình này hiện đang được Liên hợp quốc tham khảo làm cách để thúc đẩy các Mục tiệu Phát triển Bền vững (SDG).
Trong khi đó, các công ty công nghệ Mỹ đang làm rất tốt so với các đối tác Trung Quốc. Ví dụ, Microsoft và Alphabet có giá trị hơn nhiều so với Alibaba hay Tencent.
Tuy nhiên, trong cuộc chạy đua toàn cầu, nhiều công ty Mỹ chỉ đơn giản không muốn chi tiền bên ngoài các thị trường đồng minh và phương Tây cốt lõi của họ; Oracle, một trong những gã khổng lồ công nghệ của Mỹ, chỉ có sự hiện diện toàn cầu bằng 1/3 Huawei.
Khi nhiều công ty Mỹ cố gắng đầu tư vào cơ sở hạ tầng thị trường mới nổi, họ có nguy cơ bị cáo buộc là “chủ nghĩa thực dân kỹ thuật số.”
Về góc độ thương mại, các công ty phương Tây đang bị lu mờ trước các đối thủ Trung Quốc trên phần lớn thế giới. Đây sẽ là mối lo ngại đối với Mỹ, vì những gì Trung Quốc muốn làm là chiếm ưu thế về mặt công nghệ.
Cuối năm nay, Bắc Kinh dự kiến sẽ công bố kế hoạch “Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035,” theo đó nhằm thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu cho các công nghệ đang phát triển, chẳng hạn như Internet Vạn Vật, trí tuệ nhân tạo (AI) và 5G trong 15 năm tới.
Với việc cơ sở hạ tầng công nghệ của Trung Quốc đang thống trị ở nhiều nước, kế hoạch 2035 này sẽ củng cố các tiêu chuẩn của Trung Quốc làm chuẩn mực và mang lại cho các công ty của họ một lợi thế kinh doanh đáng kể và có lẽ là lâu dài so với các đối thủ cạnh tranh Mỹ.
Việc Trung Quốc nắm bắt các công nghệ tiên tiến đang diễn ra. Baidu, đôi khi được gọi là “Google của Trung Quốc,” đã phát triển thành nền tảng xe tự hành mã nguồn mở đầu tiên của thế giới. Công ty này hiện có 130 đối tác, trong đó có cả nhiều nhà sản xuất ôtô châu Âu.
Trung Quốc cũng có tham vọng trong lĩnh vực blockchain (chuỗi khối). Nước này đã ra mắt “Mạng lưới Dịch vụ Chuỗi khối” (BSN), một nền tảng do chính phủ kiểm soát và có tham vọng không chỉ thống trị ở Trung Quốc, mà còn trên toàn thế giới. Sau nửa năm công bố, BSN đã thiết lập sự hiện diện ở hàng chục quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Australia và Mỹ.
Sau đó, đến lượt chính mạng Internet. Trung Quốc đã tuyên bố các kế hoạch thay thế cấu trúc công nghệ từng hỗ trợ mạng Internet trong nửa thế kỷ qua bằng một cấu trúc hoàn toàn khác về hình thức.
Thiết kế này, do Huawei tạo ra, hối thúc xây dựng một giao thức mạng Internet mới (IP mới), theo đó sẽ cho phép các nước kiểm soát mạng Internet. Mặc dù chưa thể sớm được áp dụng trên phạm vi quốc tế, nhưng đề xuất này là một lời nhắc nhở rõ ràng về việc công nghệ không phải là lĩnh vực trung lập về mặt đạo đức, mà thay vào đó được củng cố bởi các giá trị chủ quan.
Đây là vấn đề thực sự mà hoạt động kiểm soát công nghệ của Trung Quốc đang tạo ra. Bắc Kinh muốn xác định tiêu chuẩn của các công nghệ quan trọng trong tương lai như AI, và các giá trị dựa trên chúng, một động thái sẽ khiến thế giới thoát hẳn khỏi tầm ảnh hưởng chính trị và thương mại của Mỹ.
Thế giới đang khao khát kết nối nhiều hơn và Trung Quốc đang đáp ứng nhu cầu đó. Mỹ cần một kế hoạch kỹ thuật số của riêng mình nếu muốn duy trì ảnh hưởng và thống trị lâu dài trong lĩnh vực này./.