Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có ý nghĩa "quan trọng và đúng lúc" trong những nỗ lực chung của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc cùng vượt qua những thách thức của đại dịch COVID-19, đồng thời mở ra chương mới cho quan hệ kinh tế và thương mại khu vực.
Phát biểu tại một diễn đàn trực tuyến về quan hệ ASEAN-Trung Quốc ngày 15/9, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Hoàng Khê Liên cho rằng một khi RCEP được thực thi, song phương có thể tối ưu hóa hơn nữa lợi thế về nguồn lực và thị trường thông qua hội nhập sâu rộng với lợi thế về vốn và công nghệ của các nước thành viên RCEP khác ở quy mô lớn hơn và ở cấp độ cao hơn.
[Hợp tác ASEAN-Trung Quốc và tác động đối với kinh tế thế giới]
Được ký kết vào tháng 11/2020, RCEP là siêu thỏa thuận thương mại giữa 10 nước thành viên ASEAN và các đối tác trong khu vực thương mại tự do như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
Các thành viên RCEP đều bày tỏ quyết tâm phê chuẩn hiệp định này trước cuối năm nay và thúc đẩy để hiệp định chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022./.