Nhật Bản, Australia nhất trí thúc đẩy CPTPP và RCEP

Tại cuộc họp ngày 15/7, các bộ trưởng thương mại của Nhật Bản và Australia khẳng định 2 hiệp định này đóng vai trò quan trọng trong việc khôi phục kinh tế khu vực giai đoạn hậu dịch COVID-19.
Nhật Bản, Australia nhất trí thúc đẩy CPTPP và RCEP ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: business-standard.com)

Ngày 15/7, Nhật Bản và Australia đã nhất trí thúc đẩy Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) như cách thức để làm hồi sinh nền kinh tế khu vực bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19.

Tại cuộc họp diễn ra ở Tokyo, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hiroshi Kajiyama và Bộ trưởng Thương mại, Du lịch và Đầu tư Australia Dan Tehan đã cam kết hợp tác chặt chẽ trong việc hỗ trợ tiến trình gia nhập CPTPP của Anh.

Các bộ trưởng khẳng định CPTPP và RCEP "đóng vai trò quan trọng trong việc khôi phục kinh tế khu vực giai đoạn hậu dịch COVID-19." Bộ trưởng Kajiyama nhấn mạnh: "Đây là thời điểm để tạo cơ hội thúc đẩy đối thoại chiến lược bao gồm cả các vấn đề thương mại và năng lượng."

[Anh, Mỹ nhất trí củng cố quan hệ thương mại song phương

Nhật Bản và Australia là thành viên của CPTPP và RCEP.

CPTPP có hiệu lực từ năm 2019 nhằm xóa bỏ các rào cản thương mại giữa 11 quốc gia đại diện cho gần 500 triệu người tiêu dùng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Thỏa thuận này thay thế Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định thương mại tương tự bao gồm cả Mỹ cho đến khi chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump quyết định rút lui.

Trong khi đó, Hiệp định RCEP được khởi động vào tháng 11/2012 tại Phnom Penh (Campuchia) theo sáng kiến của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm khuyến khích thương mại giữa các nước thành viên và 6 quốc gia đối tác gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc - những quốc gia đều đã có hiệp định thương mại tự do (FTA) độc lập với ASEAN.

RCEP được đánh giá là FTA lớn nhất thế giới bởi bao trùm một thị trường khổng lồ có quy mô gần 25.000 tỷ USD và hơn 2,3 tỷ người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.