Theo The Straits Time, Giới quan sát nhận định việc Vương quốc Anh gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ là một cuộc chơi cùng thắng.
Cựu Thủ tướng Anh Benjamin Disraeli trong cuốn tiểu thuyết “Tancred, Or The New Crusade” (tạm dịch “Tancred hay Cuộc thập tự chinh mới” xuất bản năm 1847, đã viết: “Nước Anh không còn là một cường quốc châu Âu đơn thuần… Anh thực sự là một cường quốc châu Á hơn là một cường quốc châu Âu.”
Điều này đúng trong thời kỳ hoàng kim của Đế chế Anh khi Anh kiểm soát những vùng đất rộng lớn của châu Á từ tiểu lục địa Ấn Độ trải qua Myanmar, Malaysia, Singapore cho tới các quốc đảo Thái Bình Dương.
Sau khi Đế chế Anh tan rã vào thế kỷ trước, Anh đã rút lui trở lại châu Âu. Ở đây, London tạo dựng các mối liên kết kinh tế ngày càng chặt chẽ. Nhưng những mối liên kết này đã bị rạn nứt sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit).
Giờ đây, là một phần của dự án tái tạo phiên bản mới - “nước Anh toàn cầu,” nước này muốn tạo dựng các mối quan hệ mới với châu Á, lần này không phải với tư cách là một cường quốc đi xâm chiếm, mà là thành viên của một “câu lạc bộ.”
Tháng Hai vừa qua, Anh đã đề nghị gia nhập CPTPP – một thỏa thuận thương mại và đầu tư gồm 11 quốc gia. Mặc dù trung tâm của CPTPP là châu Á với 7 nước thành viên nằm ở khu vực này, nhưng thỏa thuận này trải rộng khắp Thái Bình Dương, bao gồm cả Canada, Chile, Mexico và Peru.
[Anh bắt đầu tiến trình đàm phán gia nhập Hiệp định CPTPP]
Mới đây, 11 nước thành viên của hiệp định đã nhất trí cho phép Anh chính thức khởi động tiến trình đàm phán gia nhập. Nếu đàm phán thành công, Anh sẽ là nền kinh tế lớn thứ hai trong nhóm, sau Nhật Bản, và là quốc gia duy nhất bên ngoài khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Mặc dù Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước thành viên CPTPP tương đương 90% của EU, nhưng thương mại của Anh với nhóm này khá khiêm tốn so với thương mại của Anh với EU.
Năm 2019, 43% xuất khẩu của Anh là sang các nước EU, trong khi chỉ khoảng 9% là sang các nước CPTPP - tương đương mức xuất khẩu sang Đức. Sự khác biệt tương tự cũng diễn ra trong lĩnh vực nhập khẩu của Anh.
“Cuộc ly hôn” nhọc nhằn
Mối quan hệ thương mại mà Anh có với EU trước Brexit không còn vững chắc. Sau khi rời khỏi “mái nhà chung” EU, thỏa thuận thương mại mới được ký kết giữa EU và Anh hồi tháng 12/2020 không còn “ngọt ngào.”
Chính phủ Anh khẳng định chưa có đủ dữ liệu để xác định các tác động lâu dài. Tuy nhiên, từ các số liệu thống kê, có thể thấy tác động tức thời rất lớn của các hàng rào phi thuế quan đã xuất hiện sau giai đoạn chuyển tiếp của Brexit.
Mặc dù Vương quốc Anh vẫn có thể xuất khẩu hàng hóa sang EU với mức thuế 0%, nhưng các lô hàng phải trải qua các thủ tục kiểm tra hoàn toàn mới, chẳng hạn như kiểm tra chất lượng đối với thực phẩm và hàng hóa sản xuất. Các thủ tục rườm rà đã làm tăng chi phí và làm giảm kim ngạch xuất khẩu đối với nhiều ngành công nghiệp Anh.
Bên cạnh đó, trong khi các nhà xuất khẩu hàng hóa của Anh sẽ tiếp tục được hưởng quyền tiếp cận phi thuế quan vào thị trường EU, thì các nhà xuất khẩu và cung cấp dịch vụ không có quyền tiếp cận thị trường như trước.
London cũng không còn nhận được sự công nhận tự động của EU về chất lượng các chuyên gia Anh, như bác sỹ, kỹ sư và kiến trúc sư. Các dịch vụ tài chính bị ảnh hưởng nặng nề, với nhiều ngân hàng phải bố trí lại hoạt động, rời khỏi trung tâm tài chính London sang Frankfurt, Dublin và Paris. London phải tự xác định lại vị trí không còn là trung tâm tài chính của EU.
Những hạn chế mới về dịch vụ sẽ có tác động đặc biệt nặng nề với nước Anh vốn là một siêu cường về dịch vụ. Mặc dù Anh chịu thâm hụt thương mại về hàng hóa, nhưng nước này lại có thặng dư thương mại dịch vụ với EU. EU sẽ vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của Anh trong thời gian dài tới đây, nhưng tăng trưởng thương mại Anh-EU trong tương lai sẽ không thể mạnh mẽ.
Thị phần của EU trong số các thị trường xuất khẩu sang Anh đang giảm từ 54% năm 2002 xuống còn 43% năm 2019, trước cả khi hai bên đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit.
Sự suy giảm này có khả năng sẽ nới rộng, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ. Mặc dù tổng thương mại của Anh với các nước thành viên CPTPP là không đáng kể (khoảng 1/6) khi so sánh với EU, nhưng đã tăng lên mức 8% trong giai đoạn năm 2016-2019.
Các số liệu thống kê chính thức cho thấy trong quý I/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Anh đã giảm 11% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 73,4 tỷ bảng Anh (103,9 tỷ USD). Đáng chú ý, xuất khẩu sang EU giảm tới 16%. So với quý đầu tiên của năm 2019, thời điểm dịch COVID-19 chưa bùng phát, xuất khẩu của Anh sang EU đã giảm gần 30%.
Trong khi đó, hoạt động thương mại với CPTPP đang có triển vọng tốt hơn. Vương quốc Anh đã duy trì xuất khẩu sang các quốc gia CPTPP với kim ngạch xuất khẩu gần như không thay đổi so với một năm trước.
Là thành viên của CPTPP, Anh sẽ được hưởng nhiều lợi ích mặc dù ban đầu, những lợi ích này sẽ ở mức khiêm tốn. Anh đã có các thỏa thuận thương mại với 7 trong số 11 nước thành viên của CPTPP, do các hiệp định thương mại mà 7 nước này ký với EU cũng được áp dụng với Anh khi Anh còn là thành viên của EU. Anh cũng đang đàm phán hai thỏa thuận song phương bổ sung với Australia và New Zealand.
Vì vậy, những lợi ích thương mại bổ sung về mặt cắt giảm thuế quan mà London có thể nhận được khi gia nhập CPTPP sẽ không lớn - mặc dù quá trình cắt giảm thuế quan đối với một số sản phẩm sẽ diễn ra nhanh hơn. Ví dụ, thuế quan của Canada đối với ô tô nhập khẩu của Anh sẽ được loại bỏ sớm hơn 2 năm so với thỏa thuận thương mại song phương giữa Anh và Canada.
Lợi ích đôi bên
Bằng việc tham gia vào CPTPP, Anh có thể đa dạng hóa các chuỗi cung ứng, tận dụng mạng lưới rộng lớn các nhà cung cấp trong nội bộ CPTPP, nhiều trong số đó có thể có khả năng cạnh tranh về chi phí so với các nhà cung cấp ở EU.
Anh cũng có thể hưởng lợi từ quan điểm tự do của CPTPP về nguồn gốc xuất xứ, theo đó đầu vào từ tất cả các nước CPTPP đều được công nhận là “nguồn gốc địa phương.”
Như Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liz Truss giải thích, các nhà sản xuất ô tô của Anh có thể nhập các bộ phận, phụ tùng có nguồn gốc từ Nhật Bản để sản xuất xe con và xe tải ở Anh và bán những chiếc ôtô đó sang Mexico và được miễn thuế.
Đối với nhiều sản phẩm, các nhà sản xuất của Anh có thể tiếp cận với thị trường và nguồn cung mới trong nội bộ CPTPP bằng việc tận dụng nguyên tắc nguồn gốc xuất xứ tự do của hiệp định. Bởi vậy, cùng với thời gian, Anh có thể đa dạng hóa cả điểm đến của hàng xuất khẩu lẫn nguồn gốc hàng nhập khẩu.
Tuy nhiên, những lợi ích lớn nhất đối với Anh sẽ tập trung trong lĩnh vực dịch vụ. Là thành viên của CPTPP, Anh có thể đối mặt với ít hạn chế hơn trong các lĩnh vực dịch vụ ở các nước thành viên khác so với trong EU, đối với cả các nhà xuất khẩu lẫn các công ty mong muốn thiết lập sự hiện diện thương mại địa phương. Anh cũng có thể mở rộng sự hiện diện của mình trong một loạt dịch vụ trên khắp CPTPP và đặc biệt là ở khu vực châu Á.
Dịch vụ tài chính và kinh doanh, vốn gắn bó chặt chẽ với thương mại hàng hóa và là lĩnh vực thế mạnh của Anh, sẽ đặc biệt có lợi khi thương mại gia tăng. Quy mô đối với thương mại dịch vụ cũng sẽ mở rộng trong một thế giới ngày càng số hóa, nơi các vấn đề về khoảng cách trở nên ít lo ngại hơn và nhiều dịch vụ có thể được cung cấp thông qua kỹ thuật số.
Việc Anh gia nhập CPTPP cũng sẽ đem lại lợi ích cho các thành viên khác của hiệp định. Ngoài việc nhận được đầu tư nhiều hơn từ Anh, các nước này cũng sẽ tiếp cận dễ dàng hơn đối với hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao của Anh, có thể giúp họ đẩy nhanh công cuộc hiện đại hóa nền kinh tế. Mặc dù vậy, các công ty của các nước này cũng sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt hơn trong nhiều lĩnh vực.
Nhìn chung, việc Anh gia nhập CPTPP có thể làm tăng tính hấp dẫn của CPTPP và khuyến khích các nền kinh tế khác tham gia dù sớm hay muộn.
Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Đài Loan (Trung Quốc) đã thể hiện sự quan tâm về việc gia nhập CPTPP và Trung Quốc cũng cho biết nước này sẽ cân nhắc “"một cách tích cực" về việc này.
Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan có những quy định trong nước tiến gần nhất với những tiêu chuẩn mà CPTPP đặt ra. Tuy nhiên, việc các nền kinh tế này gia nhập CPTPP có thể phải đối mặt với những trở ngại mang tính chính trị.
Theo các nhà quan sát, mong muốn lớn nhất của CPTPP là sự trở lại của Mỹ - nước thiết lập nên hiệp định tiền thân của CPTPP - Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - dưới thời cựu Chính quyền Tổng thống Barack Obama.
Việc gia nhập hiệp định này sẽ tái khẳng định cam kết của Washington đối với việc mở rộng quan hệ với các nước châu Á.
Mặc dù Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ủng hộ TPP khi hiệp định này được thiết lập và vẫn ủng hộ phiên bản mới, nhưng việc gia nhập CPTPP này không phải là một trong những ưu tiên hiện nay của ông.
Phát biểu với tư cách Tổng thống đắc cử hồi tháng 12 năm ngoái, ông Biden khẳng định việc không tham gia bất kỳ hiệp định thương mại mới nào cho đến khi nước Mỹ ghi nhận đầu tư lớn ở trong nước và cho người lao động.
Tuy nhiên, đó không phải là câu trả lời “không”, mà chỉ là câu trả lời “chưa.” Việc Anh gia nhập CPTPP có thể khuyến khích sự sẵn sàng của Washington. Mỹ là thị trường lớn nhất của Anh tính theo quốc gia nên London rất muốn có một hiệp định thương mại tự do (FTA) với Mỹ.
Anh đã cố gắng đàm phán một hiệp định như vậy nhưng đến nay hai bên vẫn chưa đạt được tiến triển nào. CPTPP, nếu Mỹ quyết định gia nhập, sẽ là một FTA “cửa hậu” để Anh tăng khả năng tiếp cận thị trường Mỹ nhiều hơn.
Với các FTA hiện có của Anh với hầu hết các nước thành viên CPTPP, tiến trình đàm phán để Anh gia nhập hiệp định này có khả năng diễn ra suôn sẻ.
CPTPP với sự tham gia của Anh sẽ là “cuộc chơi cùng thắng” đối với cả Anh và châu Á, cũng như các nền kinh tế thành viên khác./.