Các nhà nghiên cứu từ Trung Quốc và Anh mới đây đã phát hiện hóa thạch của eurypterid - một loài bọ cạp biển chưa từng được biết đến - có niên đại 450 triệu năm thuộc kỷ Ordovic ở tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc.
Đây là hóa thạch sớm nhất của loài này được tìm thấy tại Trung Quốc.
Một nhóm công tác chung do Viện Địa chất học và Cổ sinh vật học Nam Kinh, Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc đứng đầu, đã thông báo phát hiện loài bọ cạp biển hiếm gặp này tại huyện An Cát.
Nhà khoa học Wang Han tham gia nghiên cứu cho biết loài bọ cạp biển mới phát hiện có đầu tròn và thân hình parabol, dài 15cm trông đáng yêu hơn các loài bọ cạp biển được phát hiện trước đây, nhưng thực tế lại là một động vật ăn thịt hung dữ dưới biển.
[Phát hiện hóa thạch loài tôm có niên đại cách đây 518 triệu năm]
Trong khi đó, nhà khoa học Zhang Yundong - một thành viên khác của nhóm nghiên cứu - nêu rõ loài bọ cạp biển được tìm thấy tại An Cát là loài cổ xưa nhất được tìm thấy tại Trung Quốc, làm sáng tỏ thêm sự tiến hóa ban đầu của các loài bọ cạp biển.
Bên cạnh đó, hóa thạch của các loài sinh vật biển khác được tìm thấy ở các vùng biển sâu, như hải miên cũng được phát hiện ở An Cát.
Chuyên gia này nhấn mạnh sự ra đời của các thiết bị mới và sự tiến bộ của các phương pháp nghiên cứu cổ sinh vật học sẽ tạo cơ sở cho các nghiên cứu toàn diện khác về các loài bọ cạp biển ở Trung Quốc.
Nghiên cứu đã được đăng trên tạp chí Cổ sinh vật học trong tháng Năm./.