Các nhà khảo cổ Trung Quốc đã phát lộ móng của 7 ngôi nhà lớn có niên đại khoảng 6.000 năm ở tỉnh Hà Nam, miền Trung nước này.
Theo Viện Di sản văn hóa và khảo cổ học tỉnh Hà Nam, những dấu tích trên được phát hiện tại di chỉ khảo cổ Bắc Dương Bình, ở thành phố Linh Bảo.
Kết quả giám định cho thấy những ngôi nhà trên được xây dựng vào giai đoạn giữa của thời kỳ văn hóa Ngưỡng Thiều. Thời kỳ văn hóa Ngưỡng Thiều tồn tại cách đây 5.000-7.000 năm, là một nền văn hóa thời kỳ đồ đá mới tồn tại dọc theo trung lưu của sông Hoàng Hà.
Các móng nhà được tìm thấy có nhiều kích thước khác nhau. Phần móng của ngôi nhà lớn nhất có kết cấu nửa nổi nửa chìm, hình chữ nhật, với các góc hình tròn. Móng nhà này hiện có diện tích 172m2 nhưng theo tính toán, căn nhà ban đầu có thể rộng tới gần 250m2.
Ông Ngụy Hưng Đào - Phó Viện trưởng Viện Di sản văn hóa và khảo cổ học tỉnh Hà Nam, cho biết: "Những ngôi nhà lớn được xây dựng trong giai đoạn giữa của thời kỳ văn hóa Ngưỡng Thiều có cấu trúc và quá trình xây dựng phức tạp, đòi hỏi thiết kế tỉ mỉ, tính toán chính xác và quản lý xây dựng chặt chẽ."
Theo chuyên gia này, kỹ thuật kiến trúc thời đó đã tương đối tiên tiến. Ngoài ra, một số lượng lớn các sản phẩm đồ gỗ cũng được tìm thấy trong trạng thái được bảo quản tốt tại móng của một ngôi nhà lớn khác và đây là một điều hiếm có trong khảo cổ học thời tiền sử.
[Trung Quốc phát hiện địa điểm cư trú của con người thời kỳ đồ đá]
Ông Ngụy Hưng Đào nhấn mạnh: "Việc phát hiện những ngôi nhà lớn được xây dựng trong thời kỳ văn hóa Ngưỡng Thiều, giống như ngôi nhà tại di chỉ khảo cổ Bạch Dương Bình, góp phần củng cố cho những nghiên cứu về các loại nhà, kiểu thiết kế và kỹ thuật xây dựng nhà ở trong thời kỳ đó, đồng thời đặt nền móng vững chắc cho việc khám phá cấu trúc xã hội và văn minh thời Ngưỡng Thiều."
Cũng tại tỉnh Hà Nam, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra một lớp trải gồm những cành cây dâu tằm và cây bách có niên đại từ thời Tống (960-1279), được cho là lớp lót móng của một bức tường thành cổ, nằm trên khu vực có diện tích gần 400m2 ở thành phố Thương Khâu.
Viện trưởng Viện Di tích văn hóa và khảo cổ học thành phố Thương Khâu - ông Nhạc Hồng Bân, cho rằng các cành cây có thể đã được sử dụng để gia cố móng cho tường thành. Theo các nhà nghiên cứu, những cành cây nghìn năm tuổi này trong trạng thái tương đối tốt, do chúng được chôn sâu 10 mét dưới lòng đất và được bảo vệ bởi lớp đất sét đỏ do lũ sông Hoàng Hà tạo nên.
Thương Khâu còn được biết đến là nơi "các thành phố nằm trên các thành phố", do các thành phố mới tiếp tục được xây dựng trùm lên các di tích của thành phố cũ trong suốt lịch sử lâu đời tồn tại từ thời Xuân Thu (770-476 trước Công nguyên).
Ngoài ra, các nhà khảo cổ cũng phát hiện tại địa điểm này các giếng và hố tro bên dưới các cành cây, cũng như các đồ dùng hàng ngày như bình gốm, có từ thời Đông Chu (770-221 trước Công nguyên)./.