Trung Quốc phóng thành công 18 vệ tinh quỹ đạo Trái Đất tầm thấp

Các vệ tinh LEO thường hoạt động ở độ cao từ 300-2.000km so với bề mặt Trái Đất, chúng có ưu điểm là rẻ hơn và cung cấp khả năng truyền dẫn hiệu quả hơn so với các vệ tinh ở quỹ đạo tầm cao hơn.

Tên lửa đẩy Trường Chinh-6 cất cánh từ sân bay vũ trụ Thái Nguyên ngày 6/8, mang theo 18 vệ tinh LEO. (Nguồn: Ourspace)
Tên lửa đẩy Trường Chinh-6 cất cánh từ sân bay vũ trụ Thái Nguyên ngày 6/8, mang theo 18 vệ tinh LEO. (Nguồn: Ourspace)

Theo Tân Hoa xã, ngày 6/8, Trung Quốc đã phóng một nhóm vệ tinh mới vào không gian từ Trung tâm Phóng vệ tinh Thái Nguyên ở tỉnh Sơn Tây, miền Bắc nước này.

Nhóm vệ tinh được phóng bằng tên lửa đẩy Trường Chinh-6 lúc 14h42 giờ Bắc Kinh và đã đi vào quỹ đạo như kế hoạch. Đây là nhiệm vụ thứ 530 của loạt tên lửa đẩy Trường Chinh.

Trong khi đó, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin vụ phóng do công ty cung cấp dịch vụ viễn thông Shanghai Spacecom Satellite Technology (SSST) thực hiện.

Đây là 18 vệ tinh quỹ đạo Trái Đất tầm thấp (LEO).

Một ngày trước đó, báo China Securities Journal cũng đưa tin SSST đã phóng chùm vệ tinh xoay quanh các chòm sao đầu tiên lên quỹ đạo, tiến tới cạnh tranh với mạng lưới băng thông rộng thương mại Starlink của công ty SpaceX (Mỹ).

Động thái này đánh dấu bước tiến quan trọng trong mục tiêu chiến lược của Trung Quốc nhằm tạo ra phiên bản riêng, cạnh tranh với mạng lưới Starlink đang phát triển với khoảng 5.500 vệ tinh trong không gian.

Các vệ tinh LEO thường hoạt động ở độ cao từ 300-2.000km so với bề mặt Trái Đất. Những vệ tinh dạng này có ưu điểm là rẻ hơn và cung cấp khả năng truyền dẫn hiệu quả hơn so với các vệ tinh ở quỹ đạo tầm cao hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.