Theo truyền thông Trung Quốc, Cơ quan An ninh Mạng của nước này đã đệ trình một loạt biện pháp an ninh mạng mà nếu trở thành luật sẽ yêu cầu các nhà vận hành cơ sở hạ tầng thông tin thiết yếu của Trung Quốc phải "đánh giá rủi ro an ninh quốc gia" khi mua các sản phẩm và dịch vụ nước ngoài.
Tờ South China Morning Post của Trung Quốc đưa tin những biện pháp trên không chỉ ra cụ thể các rủi ro an ninh tiềm ẩn, mà thay vào đó nhắc tới các thuật ngữ rộng hơn như "rò rỉ, đánh mất và truyền dữ liệu quan trọng xuyên biên giới," cũng như "mối đe dọa an ninh chuỗi cung ứng."
Việc công bố dự luật nêu trên được cho là để thăm dò ý kiến của công chúng. Theo chuyên gia phân tích Nick Marro thuộc Đơn vị tình báo kinh tế của Anh (EIU), một dự luật như vậy sẽ giúp Bắc Kinh ngăn chặn hiệu quả những công nghệ của Mỹ mà Trung Quốc không mong muốn thâm nhập thị trường nước này. Vụ việc diễn ra sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump áp dụng nhiều biện pháp hạn chế Tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei tiếp cận thị trường Mỹ.
Trước đó vài ngày, Bộ Thương mại Trung Quốc đã xác nhận việc gửi kháng nghị chính thức đến Mỹ về việc Bộ Thương mại nước này bổ sung tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei và 68 thực thể khác vào một "danh sách đen" xuất khẩu nhằm ngăn chặn tập đoàn Trung Quốc mua các bộ phận và công nghệ từ các công ty Mỹ.
["Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung lan sang lĩnh vực công nghệ"]
Ngày 15/5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp cấm các công ty công nghệ trong nước mua hoặc sử dụng thiết bị nước ngoài "có thể gây nguy hại cho an ninh quốc gia hoặc an ninh và an toàn của người Mỹ."
Cùng với sắc lệnh này, Bộ Thương mại Mỹ đã bổ sung Tập đoàn Huawei và 68 thực thể vào một "danh sách đen" xuất khẩu, theo đó cấm các công ty Mỹ bán các linh kiện và công nghệ cho tập đoàn này nếu không có sự chấp thuận của Chính phủ Mỹ.
Tuy nhiên, Washington đã tạm hoãn thực thi lệnh cấm trên cho đến giữa tháng Tám tới, động thái được cho là nhằm giảm thiểu những rắc rối gây ra cho các khách hàng của Huawei trên thế giới.
Huawei đã chỉ trích động thái của Mỹ, coi đây là "hành động bắt nạt," đồng thời kêu gọi các nước châu Âu phản đối chính sách của Washington ngăn chặn Huawei tiếp cận các thị trường và công nghệ.
Nhà sáng lập tập đoàn Nhậm Chính Phi khẳng định các hạn chế của Mỹ không gây tác động lớn vì Huawei đã có sự chuẩn bị trước./.