Trung Quốc tiếp tục tối ưu hóa môi trường đầu tư nhằm thu hút FDI

Năm 2015, Bộ Thương mại Trung Quốc sẽ nâng cao công tác đối ngoại để nắm bắt cơ hội cải thiện thị trường và môi trường đầu tư nước ngoài, thực thi hữu hiệu hơn việc “du nhập vào Trung Quốc."
Công nhân Trung Quốc đang làm việc. (Nguồn: www.chinadaily.com.cn)

Tại Hội nghị công tác thương mại vừa diễn ra tại Bắc Kinh, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, năm 2014 là năm thứ 23 năm liên tiếp Trung Quốc đứng đầu các nước đang phát triển về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong đó, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc ở nước ngoài (khong tính lĩnh vực tài chính) cũng đã tăng khá nhanh và gần đạt được cân đối đầu tư hai chiều.

Ông Hình Hậu Viên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bộ Thương mại Trung Quốc, nêu rõ: “Trung Quốc đã nỗ lực rất nhiều trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhằm đảm bảo thành tích tăng trưởng dương so với các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Mỹ, nước thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất thế giới, trong ba quý năm 2014 mới chỉ tăng trưởng dương và đạt hơn 20 tỷ USD. Trong khi đó, thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Nga đã giảm 50%."

Trên cơ sở này, bước sang năm 2015, Bộ Thương mại Trung Quốc sẽ nâng cao công tác đối ngoại để nắm bắt cơ hội cải thiện thị trường và môi trường đầu tư nước ngoài, thực thi hữu hiệu hơn việc “du nhập vào Trung Quốc."

Với mong muốn hội nhập với thế giới ngày càng cao, Trung Quốc đã nâng cấp phạm vi, cũng như quy mô của Khu vực thương mại tự do tại các tỉnh Quảng Đông, Thiên Tân, Phúc Kiến. Bên cạnh đó, Khu vực thương mại tự do Thượng Hải cũng được mở rộng đến Phố Đông. Bốn Khu vực thương mại tự do nói trên đều có đặc điểm riêng.

Mặc dù đạt thành tích nổi bật về tự do hóa đầu tư và thương mại, nhưng nhập khẩu liên tục giảm nên mục tiêu về giá trị xuất nhập khẩu tăng 7,5% trong cả năm 2014 của Trung Quốc sẽ không thể đạt được và đây cũng sẽ là năm thứ ba liên tiếp nước này không hoàn thành được mục tiêu.

Về việc này, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bộ Thương mại Trung Quốc Lý Quang Huy cho rằng "nguyên nhân chính khiến nhập khẩu giảm là do giá hàng hóa trên thị trường quốc tế sụt giảm mạnh. Bên cạnh đó, tình hình thương mại giữa Trung Quốc đại lục và Hong Kong hồi đầu năm thực tế không cao, cộng thêm có quá nhiều quỹ đầu tư đổ vào, khiến chúng ta không dự báo được chính xác mức tăng trưởng ngoại thương./."

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục