Trung Quốc vượt Mỹ trên mặt trận “ngoại giao nguyên thủ”?

Thập niên 2010, các tổng thống Mỹ đến thăm 57 nước, còn các chủ tịch Trung Quốc đến thăm 72 nước; tính bình quân, ông Tập Cận Bình đến thăm 9,7 nước/năm, so với 7,4 của ông Obama và 8 của ông Trump.
Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt đầu chuyến công du kéo dài 8 ngày tới châu Âu ngày 9/6/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt đầu chuyến công du kéo dài 8 ngày tới châu Âu ngày 9/6/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng lowyinstitute.org đưa tin, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến Vương quốc Anh - chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi lên nắm quyền.

Tiếp đến, ông đã tham dự hội nghị thượng đỉnh của Nhóm các nền kinh tế hàng đầu thế giới (G7) tại Cornwall (Anh) từ ngày 11-13/6, sau đó tới Bỉ để tham dự các hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 14-15/6, và kết thúc chuyến đi bằng cuộc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Thụy Sĩ vào ngày 16/6.

Đây là lần đầu tiên chuyên cơ Không lực Một đưa tổng thống Mỹ ra nước ngoài kể từ khi ông Donald Trump đến London hồi tháng 12/2019, trước khi đại dịch COVID-19 khiến các đường biên giới quốc tế phải đóng cửa và các hoạt động ngoại giao phải tiến hành qua hình thức trực tuyến.

Hai điểm dừng chân đầu tiên của ông Biden liên quan đến các cuộc đàm phán tập trung vào việc tăng cường chính sách ngoại giao giữa các nước dân chủ để đối phó với sức mạnh ngày càng lớn của Trung Quốc và những thách thức đặt ra đối với nhân quyền, quá trình mở rộng nền kinh tế và an ninh khu vực.

Tuy nhiên, bất chấp lịch trình bận rộn của ông Biden trong chuyến công du kể trên, một bản thống kê về các chuyến công du của các tổng thống Mỹ và chủ tịch Trung Quốc trong vòng 3 thập kỷ qua cho thấy Washington đang chơi trò “đuổi bắt” với Bắc Kinh trong các hoạt động ngoại giao nguyên thủ ở nước ngoài.

Hiện nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang thực hiện nhiều ngoại giao nguyên thủ hơn các tổng thống Mỹ.

Hồ sơ công du nước ngoài của các tổng thống Mỹ có thể được tìm thấy trong loạt bài “Những chuyến công du nước ngoài của Tổng thống” do Văn phòng Sử gia thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ lưu giữ.

Trong khi đó, mặc dù các chuyến thăm nước ngoài của chủ tịch Trung Quốc thiếu cơ sở dữ liệu có thẩm quyền như trên, song vẫn có thể theo dõi thông qua Bộ Ngoại giao Trung Quốc và các bài báo trên tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Những nguồn này tạo điều kiện so sánh các lịch trình di chuyển tương ứng.

Mặc dù có nhiều tác động khác nhau lên các mối quan hệ quốc tế, song hoạt động công du của nguyên thủ quốc gia rất quan trọng bởi ngoại giao là một công tác được cá nhân hóa - vốn được công nhận từ lâu là “chỉ cần hiện diện đã thành công 80%.”

[Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt đầu chuyến công du châu Âu]

Các chuyến công du của Tập Cận Bình giúp ông vận động các nhà lãnh đạo thế giới ủng hộ các chính sách của Bắc Kinh, để bỏ phiếu ủng hộ Trung Quốc trong các thể chế đa phương và tham gia các dự án của nước này như Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI).

Trên thực tế, giới học giả đã vận dụng những hiểu biết sâu sắc về khoa học tâm thần và tâm lý học để chỉ ra rằng “ngoại giao trực tiếp” làm sâu sắc thêm lòng tin và nuôi dưỡng sự hợp tác. Các chuyến thăm của các nhà lãnh đạo thường gắn liền với nhiều thỏa thuận song phương, đầu tư và viện trợ hơn.

Quá trình phân tích dữ liệu về các chuyến thăm nước ngoài của các tổng thống Mỹ và các chủ tịch Trung Quốc từ năm 1989-2019 cho thấy trong thập kỷ vừa qua, Trung Quốc đã vượt Mỹ về số lượng, thời lượng và chất lượng trong chính sách ngoại giao nguyên thủ. Sự trở lại của các hội nghị thượng đỉnh trực tiếp sau hơn một năm hạn chế đi lại đã tạo cơ hội để kiểm nghiệm hồ sơ ngoại giao trước đại dịch mà hai nước sắp xây dựng.

Các tổng thống Mỹ từng tăng cường nhiều chuyến thăm nước ngoài kể từ sau Chiến tranh Lạnh và trong thời kỳ của “cuộc chiến chống khủng bố,” song các chuyến công du đã giảm rõ rệt do tình hình trong nước ngày càng rối loạn sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Ngược lại, các chuyến công du của chủ tịch Trung Quốc đã tăng đều đặn sau năm 1989 và trong giai đoạn kể từ khi Tập Cận Bình nhậm chức hồi năm 2013. Cụ thể, trung bình mỗi năm, ông Tập Cận Bình đều có nhiều chuyến thăm nước ngoài hơn (14,3) so với các tổng thống Mỹ Barack Obama (13,9) và Donald Trump (12,3).

Một điều đáng chú ý khác là thời lượng mà các nhà lãnh đạo dành để công du, theo đó thời gian lưu trú kéo dài một tuần rõ ràng cho phép có nhiều hoạt động ngoại giao hơn so với chỉ dừng chân 10 tiếng đồng hồ.

Các chủ tịch Trung Quốc hiện cũng dành nhiều thời gian làm việc hơn khi tới thăm nước sở tại, trong đó số ngày lưu trú quốc tế trung bình tăng từ 29,6 của thời ông Hồ Cẩm Đào lên 34 dưới thời ông Tập Cận Bình. Đối với các tổng thống Mỹ, con số này lại giảm kể từ thời ông Bill Clinton và xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh với chỉ vỏn vẹn 23 ngày dưới thời ông Donald Trump.

Về số lượng, trong thập niên 2010, các tổng thống Mỹ đã đến thăm 57 quốc gia, trong khi các chủ tịch Trung Quốc đến thăm 72 quốc gia. Tính bình quân, ông Tập Cận Bình đến thăm 9,7 quốc gia/năm, so với 7,4 của ông Obama và 8 của ông Trump.

Các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đã chọn đến thăm những nơi nào? Các chuyến thăm cấp nguyên thủ cho thấy những ưu tiên ngoại giao của một quốc gia, đồng thời báo hiệu mối quan hệ nào đang được chính phủ quốc gia đó quan tâm và đầu tư. Điểm đó đặc biệt đúng đối với Mỹ và Trung Quốc, khi các nhà lãnh đạo hai nước này đều là người đưa ra quyết định cuối cùng đối với những chính sách đối ngoại quan trọng.

Trung Quốc vượt Mỹ trên mặt trận “ngoại giao nguyên thủ”? ảnh 1(Nguồn: Reuters)

Xét về các khu vực, trong thập kỷ vừa qua, Trung Quốc đã vượt Mỹ về các chuyến thăm cấp nguyên thủ tới châu Phi, châu Á, châu Mỹ, Đông Âu và châu Đại Dương, qua đó phản ánh chiến lược của Bắc Kinh nhằm xây dựng tầm ảnh hưởng toàn cầu thông qua ngoại giao kinh tế với các nước đang phát triển.

Tổng thống Mỹ chỉ vượt qua chủ tịch Trung Quốc trong các chuyến công du đến Trung Đông và Tây Âu - những địa điểm có các đối tác và đồng minh quan trọng của Mỹ như Israel và các nước thành viên NATO. Ngược lại, vào những năm 1990, khu vực duy nhất mà chủ tịch Trung Quốc đến thăm nhiều hơn là châu Á.

Trong thập kỷ qua, châu Á đã chứng kiến mức tăng lớn nhất trong chuyến công du nguyên thủ của cả Mỹ lẫn Trung Quốc. Thực tế nói trên nhiều khả năng là do vị trí trung tâm của châu Á trong lĩnh vực thương mại, cũng như ngày càng có nhiều điểm nóng an ninh và căng thẳng giữa Trung Quốc với các đồng minh của Mỹ tại khu vực này.

Ở châu Á, sự hiện diện của tổng thống Mỹ chưa bao giờ nhiều bằng chủ tịch Trung Quốc trong thế kỷ này. Trung Quốc dẫn đầu trong các chuyến thăm Trung Á và Nam Á, còn Mỹ tới thăm Đông Á và Đông Nam Á nhiều hơn.

Chủ tịch Trung Quốc cũng bắt đầu thăm Tây Âu thường xuyên hơn để thúc đẩy các mối quan hệ thương mại từng giúp Trung Quốc phát triển cũng như giúp Bắc Kinh thu hút các cường quốc tầm trung khác chống lại Mỹ.

Xét về khía cạnh quốc gia, hầu hết các điểm đến nhiều lần của các chủ tịch Trung Quốc trong thập kỷ qua là một số nước láng giềng như Nga, Kazakhstan và Uzbekistan, cùng với các nước trong khu vực như Indonesia và Philippines - những đối tác tham gia sáng kiến BRI mà Bắc Kinh muốn đưa vào phạm vi ảnh hưởng của mình. Trong khi đó, các tổng thống Mỹ dường như ưu tiên những chuyến thăm đồng minh hiệp ước và các đối tác an ninh ở châu Âu, Đông Á và Trung Đông.

Những quốc gia được các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đến thăm nhiều nhất là Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ. Điều đó cho thấy cả Trung Quốc và Mỹ đều coi các cường quốc dân chủ tầm trung này là các nước có thể làm xoay chuyển “cuộc cạnh tranh chiến lược” đang ngày càng trở nên quyết liệt, nhằm giành lấy quyền lực về quản trị, an ninh và kinh tế toàn cầu.

Ông Biden sẽ gặp lãnh đạo của các nước nói trên tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Cornwall, hội nghị sẽ đưa ra các cam kết mới về những vấn đề liên quan đến chuẩn mực toàn cầu và trật tự quốc tế. Tuy nhiên, chuyến công du trước đại dịch của ông Tập Cận Bình lại cho thấy Trung Quốc cũng rất coi trọng cuộc cạnh tranh ngoại giao này.

Vì vậy, nếu ông Biden muốn "đổi mới vai trò lãnh đạo của Mỹ," phải duy trì các chuyến công du ở cấp cao hơn trong tương lai, cùng với chương trình nghị sự trong nước đã được định sẵn. Đó là bởi các chuyến thăm nước ngoài mang lại cơ hội chưa từng có để tăng cường các mối quan hệ song phương và đa phương. Như ông Biden đã nói với Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tại Washington hồi tháng Tư vừa qua, “không gì có thể thay thế được các cuộc thảo luận trực tiếp”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục