Ngày 25/7 tại Hà Nội, Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã khai trương Trung tâm Giám định ADN.
Trung tâm này đặt mục tiêu trở thành đơn vị hạt nhân về công nghệ tách chiết và phân tích ADN/di truyền từ các mẫu xương lâu năm, các mẫu xương cổ và hướng tới trở thành trung tâm đào tạo nhân lực quốc tế trong giám định di truyền hình sự và di truyền cá thể.
Tháng Bảy vừa qua, Viện Công nghệ sinh học đã hoàn thành Dự án "Đầu tư nâng cấp Trung tâm Giám định ADN hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin tại Viện Công nghệ sinh học" nhằm đảm bảo năng lực phân tích 4.000 mẫu hài cốt liệt sỹ mỗi năm.
Ông Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, Trung tâm Giám định ADN được trang bị các thiết bị phục vụ cho công việc tách chiết ADN tự động, khuếch đại và kiểm định ADN, hệ thống giải trình tự ADN thế hệ mới, hệ thống server lưu trữ và phân tích dữ liệu…
Là đơn vị có thế mạnh về nghiên cứu và phát triển công nghệ, trong những năm tới, ngoài việc thực hiện công tác giám định ADN thường xuyên, trung tâm hướng tới các nghiên cứu hoàn thiện công nghệ giám định ADN hài cốt liệt sỹ dựa trên thành tựu nghiên cứu mới nhất trên thế giới, sử dụng trang thiết bị hiện đại tại thời điểm đầu tư nhằm bắt kịp trình độ giám định ADN tại các nước tiên tiến.
[Đồng Tháp: Truy điệu, an táng 99 hài cốt liệt sỹ hy sinh tại Campuchia]
Các hạng mục của Dự án đầu tư nâng cấp Trung tâm Giám định ADN gồm tổ hợp 10 phòng sạch với các chức năng xử lý mẫu hài cốt và mẫu thân nhân, các phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu và phát triển, khu vực lưu trữ mẫu, khu vực kiểm định/kiểm chuẩn, hệ thống server và hệ thống văn phòng trên diện tích 750m2 tại Khu nghiên cứu và triển khai công nghệ Cổ Nhuế (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).
Ngoài hoạt động nâng cấp cơ sở vật chất, từ năm 2016, Viện Công nghệ sinh học đã cử 6 cán bộ giám định đi đào tạo tại Tổ chức Quốc tế tìm kiếm người mất tích (ICMP) tại Liên bang Bosnia và Herzegovina, các phòng thí nghiệm tại Hamburg, Đức. Toàn bộ các cán bộ tham gia công tác giám định cũng được tham gia một loạt các chương trình đào tạo kéo dài trong 2 năm do các chuyên gia đầu ngành về di truyền hình sự của Hoa Kỳ tới Việt Nam giảng dạy.
Cấu trúc nhân sự hoạt động của Trung tâm Giám định ADN cơ bản được hình thành và phân tách chức năng nhằm đảm bảo tính chuyên sâu trong phân tích các mẫu xương khó với số lượng và chất lượng vật liệu di truyền kém (low copy typing); phân tích các mẫu tham chiếu và xây dựng số liệu dân số (high copy typing); nghiên cứu và phát triển công nghệ mới ứng dụng trong phân tích hài cốt liệt sỹ...
Sau một thời gian thử nghiệm, đến nay, có những mẫu răng của liệt sỹ hy sinh từ những năm 1940, tức là qua 70 năm chôn cất vẫn được nhà nghiên cứu ở Viện Công nghệ sinh học giám định thành công.
Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) là một trong ba một trong đơn vị chủ chốt được giao nhiệm vụ phân tích ADN để định danh cho các mẫu hài cốt liệt sỹ, bên cạnh Viện Pháp Y Quân đội (Bộ Quốc Phòng) và Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an).
Từ năm 2000, Viện Công nghệ sinh học đã bắt đầu sử dụng ADN trong phân tích giám định hài cốt liệt sỹ ở quy mô thử nghiệm khoảng 30 mẫu/năm. Từ bước đi tiên phong này, Viện Công nghệ sinh học trở thành đơn vị đầu tiên tại Việt Nam xây dựng thành công công nghệ phân tích ADN các mẫu hài cốt và đã chuyển giao công nghệ cho các đơn vị giám định khác như Viện Pháp Y Quân đội và Viện Khoa học hình sự./.
Giai đoạn 2000-2011, Viện Công nghệ sinh học đã giám định gần 1.000 hồ sơ liệt sỹ và định danh được hơn 800 liệt sỹ. Từ năm 2011-2015, trung bình hàng năm, Viện định danh 400 mẫu hài cốt liệt sỹ. Kinh phí giám định hoàn toàn được huy động từ nguồn ngân sách nhà nước và các tổ chức xã hội, không thu phí của các gia đình thân nhân liệt sỹ. |