Trong cuộc họp dự kiến diễn ra ngày 20/5 tới tại Sendai (Nhật Bản), Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sẽ cùng bàn luận về các biện pháp nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế toàn cầu và tìm hướng giải quyết tình trạng trốn thuế đang gây nhức nhối dư luận trong thời gian gần đây.
Bên cạnh đó, các vấn đề về tiền tệ cũng sẽ được nhắc đến sau khi Tokyo và Washington đưa ra quan điểm khác nhau về những biến động gần đây của đồng USD và đồng yen Nhật. Đồng thời, theo Bộ Tài chính Nhật Bản, các đại diện G7 cũng sẽ thảo luận về cách thức ngăn chặn vấn nạn rửa tiền và dòng tài chính phục vụ khủng bố nhằm đảm bảo tính toàn vẹn của các dòng chảy tài chính xuyên biên giới.
Phát biểu trong một cuộc họp báo khi đến thăm châu Âu hồi đầu tháng Năm, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nói rằng để tiếp sức cho kinh tế toàn cầu, các nước thành viên cần đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu và mở rộng chi tiêu tài chính một cách linh hoạt hơn nữa.
Ngoài tái cơ cấu và chi tiêu chính phủ, chống trốn thuế cũng sẽ là một chủ đề được quan tâm trong cuộc họp lần này, giữa bối cảnh cộng đồng thế giới đang thể hiện quyết tâm “xóa sổ” nạn trốn thuế sau khi các dữ liệu trong vụ “Hồ sơ Panama” được công bố đã phơi bày hành vi sai trái của nhiều chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp trên toàn cầu.
Cuộc họp diễn ra tại Sendai được xem là tiền đề để lãnh đạo các nước thành viên G7 có thể đi đến một chính sách thống nhất về thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G7, dự kiến diễn ra tại Ise-Shima thuộc tỉnh tỉnh Mie (Nhật Bản) trong hai ngày 26-27/5 tới.
Liên quan đến vấn đề này, nhiều ý kiến quan ngại rằng các nước thành viên G7 sẽ không thể bỏ qua cách biệt để cùng đồng lòng trong hội nghị sắp tới. Cụ thể, Nhật Bản vẫn chưa thể thu hẹp khoảng cách với Mỹ xung quanh vấn đề đồng yen.
Washington bác bỏ quan ngại của Xứ Hoa anh đào cho rằng đồng yen đang tăng giá quá mạnh và thậm chí còn thúc giục Tokyo nói “Không” với các biện pháp can thiệp vào thị trường tiền tệ.
Trong khi đó, vẫn chưa có một mẫu số chung cho bài toán liệu kinh tế thế giới sẽ cần hỗ trợ tài chính thêm bao nhiêu nữa, khi Đức không đồng ý với quan điểm tăng cường chi tiêu của Mỹ và Nhật./.