Trưởng ban Tuyên giáo TW: Khuyến học vì nguồn nhân lực chất lượng cao

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Hội Khuyến học đẩy mạnh khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập, góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Trưởng ban Tuyên giáo TW: Khuyến học vì nguồn nhân lực chất lượng cao ảnh 1Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Ngày 3/11, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã thăm, làm việc với Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam về tình hình hoạt động của Hội giai đoạn 2016-2021 và nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan cho biết, qua 25 năm hoạt động, tổ chức Hội Khuyến học Việt Nam đã phát triển sâu rộng.

Đến nay, Hội đã có trên 21 triệu hội viên, chiếm 22,69% dân số; tổ chức Hội Khuyến học đã được thành lập ở tất cả 63 tỉnh, thành phố tới tận thôn, bản, tổ dân phố, các trường học và một số cơ quan.

Hiện có gần 62% trường đại học, cao đẳng trong cả nước thành lập tổ chức khuyến học... Công tác liên kết, phối hợp trong khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giữa Hội và các đơn vị ngày càng được mở rộng, phát triển; thúc đẩy học tập của người lớn.

Thời gian qua, toàn Hội đã hoàn thành vượt mức những chỉ tiêu do Chính phủ giao trong Đề án "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020" tại quyết định số 281/QĐ-TTg. Cụ thể, chỉ tiêu gia đình học tập vượt 2,11%; dòng họ học tập vượt 16,51%; cộng đồng học tập vượt 5,38%; đơn vị học tập vượt 35,73%.

Quỹ Khuyến học Việt Nam đã phát triển tốt, nhờ đó Hội đã có nguồn lực để hỗ trợ học sinh, sinh viên, người lớn có điều kiện tham gia học tập tốt hơn, động viên được tinh thần học tập suốt đời trong các gia đình, dòng họ, cộng đồng, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công xây dựng các mô hình học tập theo chủ trương của Đảng, Chính phủ.

[Linh hoạt trong khuyến học, khuyến tài để đáp ứng yêu cầu phát triển]

Những năm qua, Hội đã tập trung nghiên cứu, triển khai các hội nghị, hội thảo khoa học, tham gia các diễn đàn khoa học để xây dựng khái niệm và những quan điểm về khuyến học, từ đó xây dựng, phát triển những luận điểm khoa học về xã hội học tập.

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan cho biết thêm trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Trung ương Hội đã thực hiện nhiều hoạt động thiết thực như trao học bổng cho các sinh viên ngành y dược; phát động phong trào "máy tính cho em;" kêu gọi các cấp Hội tham gia các cuộc vận động và đóng góp vào hoạt động ủng hộ phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, sự học hiện nay vẫn chưa trở thành một vấn đề bức xúc, cấp thiết và chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đề nghị Ban Bí thư có sự đầu tư thực sự cho giáo dục-đào tạo, để tạo thành một phong trào thi đua giống như trước đây Bác Hồ đã phát động các phong trào thi đua học tập.

Trưởng ban Tuyên giáo TW: Khuyến học vì nguồn nhân lực chất lượng cao ảnh 2Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Nhân dịp này, Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương quan tâm chỉ đạo cấp ủy các cấp, đảng đoàn, ban cán sự đảng các bộ, ban, ngành, đoàn thể trong những công việc cụ thể về xây dựng xã hội học tập; đổi mới công tác tuyên truyền, huấn luyện về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng hệ thống giáo dục mở và hệ thống giáo dục thường xuyên tự học, học suốt đời cho nhân dân...

Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định 25 năm qua, sự ra đời, phát triển của Hội Khuyến học Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Ý chí, khát vọng, trình độ và sự thích ứng của con người Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng được nâng cao.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh quan điểm của Đảng ta đã xác định vấn đề con người là trung tâm, là mục tiêu, động lực quan trọng nhất để phát triển đất nước. Do đó, cần quán triệt, cụ thể hóa hơn trong hoạt động thực tiễn của Hội về việc này.

Thời gian tới, Hội Khuyến học cần tiếp tục đồng hành cùng hệ thống chính trị và toàn dân để khơi dậy khát vọng yêu nước, tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc. Mục tiêu cao nhất là tất cả hành động để hiện thực hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, tiến lên xã hội chủ nghĩa. Muốn như vậy, phải rèn luyện, phấn đấu để xây dựng khát vọng vươn lên.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị trong thời gian tới, các đơn vị cùng quán triệt sâu sắc hơn nữa việc thực hiện có hiệu quả chương trình hành động của Hội Khuyến học, sớm đưa chương trình này đi vào cuộc sống, đến cơ sở, tạo ra một khâu đột phá mới để tạo sự chuyển biến về cơ bản, toàn diện, đồng bộ sự nghiệp giáo dục-đào tạo gắn với việc phát triển, phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng xã hội học tập.

Đồng thời, các cấp Hội có định hướng cụ thể trong tuyên truyền chủ trương, chính sách, những tư duy đổi mới, những yêu cầu mới và trách nhiệm của công dân đối với việc học tập; nhân rộng những mô hình, cách làm hay những gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu trong việc học tập, vận động xã hội học tập…; tiếp tục tuyên truyền thật tốt để vận động được nhiều sự quan tâm của xã hội, bạn bè quốc tế với công tác khuyến học, khuyến tài, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo, cần có chính sách rà soát và hoàn chỉnh thêm…

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng đề nghị Hội Khuyến học đẩy mạnh hội nhập quốc tế để góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần vào công tác giáo dục đào tạo, vừa truyền thống, vừa tiếp thu những tinh hoa trong quá trình hội nhập quốc tế; đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động Hội tốt hơn nữa, với quan điểm là khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập, góp phần cung cấp một nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục