Sáng nay, 17/3, Đại học Bách khoa Hà Nội đã tổ chức lễ công bố quyết định chính thức chuyển đơn vị này từ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội lên đại học. Tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng trao các quyết định công nhận Hội đồng đại học, Chủ tịch Hội đồng đại học, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025.
Theo đó, Giáo sư Lê Anh Tuấn là Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội, Phó giáo sư Huỳnh Quyết Thắng là Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chúc mừng Đại học Bách khoa Hà Nội và khẳng định đây là dấu ấn quan trọng trong sự phát triển của trường. “Khi khuôn vỏ áo cũ đã trở nên chật hẹp, cần lột xác để phát triển. Một chữ trường và một chữ đại học tuy chỉ là ngôn từ nhưng có sự khác biệt rất lớn, thể hiện sự lựa chọn mô hình phát triển phù hợp với quy định của pháp luật. Sự chúc mừng không phải dành cho một cái tên mà cùng mừng cho sự phát triển của Đại học Bách khoa Hà Nội,” Bộ trưởng nói.
[Đại học Bách khoa Hà Nội không xây dựng các đại học thành viên]
Cũng theo Bộ trưởng, Đại học Bách khoa còn nhiều việc phải làm để hoàn thiện cơ cấu và cần xác định chặng đường đổi mới toàn bộ thực thể của đại học mới chỉ đang bắt đầu. Một đại học vận hành theo mô hình mới, với mô hình quản trị tiên tiến, đại học số, sự chuyển đổi đó cần phải được tiến hành cùng lúc và đồng bộ, cần phải thấy hết các thách thức còn đang chờ phía trước.
“Sự chuyển đổi mô hình từ trường đại học thành đại học không phải và tránh là một xu hướng 'hữu đại' mà phải xem đây là công cụ để giải phóng cho sức sáng tạo từ bên trong, giải pháp cho các năng lực sáng tạo bằng một cơ chế mới. Nếu không phải vậy sự thay đổi sẽ rất ít ý nghĩa,” Bộ trưởng cho hay.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, mô hình Đại học là thích hợp để triển khai cơ cấu đa ngành. Với một hệ thống lớn và phức tạp, số lượng cán bộ, sinh viên đông và đa dạng, mô hình này vừa bảo đảm sự tự chủ và điều hành thống nhất của bộ máy chỉ huy chung của Đại học, vừa tạo điều kiện cho các thành tố cấp thấp nhất có được quyền tự chủ tương đối về học thuật, tạo nên sự năng động chung cho toàn hệ thống. Thay đổi một cái tên cũng không phải nhanh và dễ, thực tế đã mất vài năm. Nhưng thay đổi một mô hình, định hướng, từ sự lựa chọn đến sự vận hành đầy đủ và hiệu quả là cả một khoảng cách.
“Đại học Bách khoa Hà Nội đã, đang, sẽ là một cơ sở giáo dục, trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ số 1 của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ - kỹ thuật. Do đó, tuy Đại học Bách khoa Hà Nội đứng trước cơ hội và định hướng mở rộng đa ngành, nhưng cần xác định trụ cột, chỗ đứng phải là công nghệ, kỹ thuật, kỹ thuật cao. Nhà trường không chỉ phát triển cho mình mà còn cho quốc gia nói chung và thực hiện vai trò đầu tàu dẫn dắt cho cả các trường đại học, cao đẳng thuộc khối công nghệ, kỹ thuật. Điều này, Đại học Bách khoa Hà Nội cần phải tuyên bố rõ trong sứ mệnh, chức năng nhiệm vụ. Trong quá trình thực hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ giám sát việc tuân thủ sứ mệnh được tuyên bố, thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ đã lựa chọn, đã được công nhận. Đây là việc cần thiết của việc quản lý các trường đại học và các đại học thời tự chủ cao” – Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.
Trước đó, ngày 2/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định chuyển Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội. Các điều kiện chuyển trường đại học thành Đại học được Chính phủ quy định chi tiết trong Nghị định 99/2019/NĐ-CP áp dụng cho các trường đại học, học viện, đại học và tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục đại học.
Đại học Bách khoa Hà Nội là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên chuyển từ trường lên Đại học sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học năm 2018 và Nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật có hiệu lực thi hành./.