Trường phái “đa nhiệm” để chinh phục khoa học công nghệ ở Viettel

Trong số 10 cá nhân, 10 tập thể được Viettel vinh danh vì đóng góp đặc biệt xuất sắc trong năm (Viettel’s Stars) 2023, có tới 7 trường hợp gắn với những thành tựu đột phá về khoa học-công nghệ.

Giữa cái nắng chói chang trưa hè tháng 7, những kỹ sư Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (HVT) hì hụi trên đường băng sân bay Hòa Lạc. Từng giọt mồ hôi rơi trên mặt bêtông nóng tới 60-70 độ C như đồng hồ đếm ngược.

Họ cần tranh thủ những khoảng thời gian nghỉ ngơi của sân bay để thử nghiệm sản phẩm mới do Viettel nghiên cứu, chế tạo.

Trong số 10 cá nhân, 10 tập thể được Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) vinh danh vì đóng góp đặc biệt xuất sắc trong năm (Viettel’s Stars) 2023, có tới 7 trường hợp gắn với những thành tựu đột phá về khoa học-công nghệ.

Viettel đang là doanh nghiệp Việt nắm giữ nhiều bằng sáng chế được bảo hộ độc quyền tại Mỹ nhiều nhất, bao trùm cả 3 lĩnh vực dân sự, quân sự và viễn thông.

Để chế tạo những thiết bị 5G đầu tiên trên thế giới, hay thiết bị hàng không tin cậy, hay chinh phục thách thức về bảo mật, an ninh mạng tầm cỡ thế giới, đội ngũ khoa học của Viettel đòi hỏi thông thạo nhiều kỹ năng hơn một nhà nghiên cứu thuần túy.

Dấn thân vì những thứ chưa từng có

Được vinh danh tại Viettel’s Stars 2023, anh Nguyễn Thanh Đông, phụ trách dự án nghiên cứu khí cụ bay công nghệ cao của Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) là tác giả của thuật toán điều khiển bay giúp sản phẩm của Viettel có độ chính xác vượt trội.

Anh cho biết kết quả đó là thành tựu của cả chuỗi cả nhóm, và lãnh đạo đơn vị, lăn lộn nắng gió thao trường để có thể hoàn thành.

Nghiên cứu chế tạo thành công các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao không chỉ diễn ra trong phòng lab hiện đại. Tiêu chuẩn công nghiệp đòi hỏi sản phẩm phải được thử nghiệm trong mọi điều kiện khắc nghiệt, đảm bảo hoạt động tin cậy, bền bỉ trong bất cứ tình huống nào.

Dù hết sức phối hợp tạo điều kiện thực hiện nhiệm vụ chung, nhưng hoạt động thử nghiệm các khí cụ bay vẫn phải xếp sau hoạt động huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.

“Chúng tôi phải tranh thủ các thời gian nghỉ của sân bay để thử nghiệm sản phẩm. Mọi việc phải được hoàn thành chính xác theo lịch đã được sắp xếp, tuyệt đối không ảnh hưởng đến lịch huấn luyện bay,” anh Đông nói.

“Nếu tranh thủ thời gian tốt, họ có thêm cơ hội bay nhiều hơn, lấy nhiều số liệu hơn để hoàn thiện sản phẩm.”

Nắng đã khổ, mưa càng vất vả hơn. Có thời gian nhóm nghiên cứu tìm bão để thử. Nghe dự báo có bão ở đâu, cả nhóm lại xông vào, tìm đúng địa điểm tâm bão sẽ đi qua để “đón.” Cho sản phẩm bay thử trong trong điều kiện khắc nghiệt nhất, con người cũng chịu đựng chính cái khắc nghiệt đó.

Những cơn bão lớn, lều không chịu nổi sức gió tâm bão, anh em mặc áo dầm mưa, giữ cọc lều che mưa lớn cho các thiết bị bên trong. Anh Đông kể sau mỗi lần đón bão, kiểu gì về cũng có 1-2 anh em ốm. Nhưng khỏe lại, gặp nhau ở cơ quan, lại cười tít: Lần sau đi bão tiếp nhé!

1904Viettel1.jpg
Trung tâm Nghiên cứu thiết bị vô tuyến băng rộng là 1 trong 20 cá nhân, tập thể đạt danh hiệu Ngôi sao Viettel 2023. (Nguồn: Vietnam+)

Cũng ở VHT, kỹ sư nghiên cứu chế tạo sản phẩm 5G của Viettel cũng lăn lộn hiện trường không kém.

Viettel nghiên cứu 5G từ năm 2016, khi công nghệ này mới chỉ là những phác thảo đặc tả đầu tiên trên thế giới. Viettel chạy đua top đầu với các nhà sản xuất thiết bị viễn thông (vendor) khác với số nhân sự bằng 1/100 các bộ phận có chức năng tương tự, nguồn lực hỗ trợ càng khiêm tốn hơn rất nhiều.

“Lợi thế của Viettel là vendor duy nhất đồng thời là nhà khai thác (operator). Những tính năng mới được HVT phối hợp với Tổng công ty Mạng lưới Viettel (VTNET) tối ưu, tinh chỉnh nhanh chóng. Sau gần 30 năm khai thác viễn thông, bộ tài liệu tiêu chuẩn của VTNET cực kỳ khắt khe so với tiêu chuẩn chung của vendor. Điều đó giúp chúng tôi nhanh chóng hoàn thiện sản phẩm,” anh Hoàng Đinh Hải Triều, Giám đốc Trung tâm Viễn thông Băng rộng (VTBR) thuộc VHT cho biết.

Tất nhiên, để khai thác được lợi thế một nhà mạng làm thiết bị, các kỹ sư 5G Viettel phải “bật” chế độ làm việc đa nhiệm: mỗi người có thể làm nhiều nhiệm vụ khác nhau, cả trong phòng lab và thậm chí triển khai hiện trường.

Đặng Xuân Quý, kỹ sư xử lý tín hiệu băng gốc trong dự án 5G, cho biết vì công nghệ hoàn toàn mới, nên việc làm được tính năng như đặc tả đều được các hãng giữ kín. Họ chỉ công bố “làm được” trên các cộng đồng khoa học, không công bố làm như thế nào.

Bản thân Quý và các kỹ sư trong nhóm cũng thường xuyên rời phòng lab thực nghiệm trên hiện trường, trải nghiệm dịch vụ và giả lập các tình huống của khách hàng.

Chinh phục những thứ chưa ai từng làm

“Rất khác với nghiên cứu hàn lâm tại các Viện, hoặc trường đại học, ở Viettel là nghiên cứu ứng dụng, đòi hỏi rất lớn từ những bài toán thực tế. Bài toán đúng sẽ có lời giải đúng. Vì thế, đội ngũ nghiên cứu của Viettel bắt buộc phải bám sát thực tiễn, hiểu thực tiễn mới có thể có được đột phá,” anh Nguyễn Thanh Đông nói.

Phong cách “thoát ly phòng lab” để dùng thực tiễn kiểm nghiệm lý thuyết, những kỹ sư Viettel đạt được những thành tựu nhanh chóng từ thời điểm “không có gì.”

Giám đốc Trung tâm VTBR của VHT cho biết để có được bo mạch trình thiết bị thu phát 5G đầu tiên trên thế giới sử dụng chipset Qualcomm theo chuẩn mở OpenRAN là cả cuộc chạy đua “hiệp đồng binh chủng.”

Chiếc bo mạch được thiết kế tại Việt Nam, chế tạo tại Hàn Quốc, sau đó chuyển lại Việt Nam để hàn gắn linh kiện. Toàn bộ các khâu theo quy trình phổ thông có thể tốn từ 3-6 tháng được đội kỹ sư VHT và đối tác phối hợp hoàn thành chỉ trong 2 tuần. Kế hoạch được căn ke chính xác đến mức đến tay Truyền lúc 4 giờ chiều - trước vài tiếng lên máy bay sang thẳng Barcelona kịp trình diễn tại Hội nghị Di động thế giới (MWC) 2023.

“Tất cả đều làm chính xác đến từng giờ, vì nếu chỉ chậm 1-2 ngày là lỡ sự kiện” - Truyền nhấn mạnh.

Hiện tại, nhóm nghiên cứu của VHT đã hoàn thiện hệ sinh thái các sản phẩm 5G “Made by Viettel” và có lô hàng xuất khẩu sang Ấn Độ cuối tháng 12/2023. Trong rất nhiều hãng công nghệ tham gia nghiên cứu, chế tạo thiết bị, trên thế giới hiện chỉ có 6 vendor có khả năng chế tạo đầy đủ cả phần cứng và phần mềm nền tảng 5G: Ericsson, Huawei, Nokia, ZTE, Samsung và Viettel.

Tháng 1/2023, Viettel cũng tạo cơ hội cho thiết bị viễn thông có thể tích hợp chéo giữa các thành phần, không còn phụ thuộc vào một vendor cụ thể nào.

Các sản phẩm khí cụ bay của Viettel nghiên cứu chế tạo cũng giành được thành tựu đặc biệt. Trong đợt diễn tập lớn của Bộ Quốc phòng tổ chức, trời bất ngờ nổi gió lớn, tất các thiết bị của các đơn vị khác không yên tâm cất cánh. Thiết bị của Viettel vẫn tự tin cất cánh trình diễn các bài theo đúng kế hoạch, giành được niềm tin lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội.

Nghiên cứu khoa học trong môi trường doanh nghiệp nhà nước sẽ áp lực hơn khi phải chứng thực được hiệu quả, có sản phẩm và thể hiện được giá trị của chi đầu tư. Điều này rất khác những doanh nghiệp tư nhân có khả năng mạo hiểm cho lĩnh vực mới, hoặc nghiên cứu hàn lâm đề cao tiềm năng ứng dụng.

Để có được đột phá ở nhiều lĩnh vực chưa ai từng làm, hoạt động phát triển cơ sở lý luận, cơ chế, chính sách cũng quan trọng như chính việc nghiên cứu khoa học.

1904Viettel2.jpg
Ban Công nghiệp Công nghệ cao Tập đoàn Viettel cũng là một trong số những tập thể được vinh danh tại sự kiện Viettel’s Stars 2023. (Nguồn: Vietnam+)

“Nếu chỉ đọc báo cáo, mọi người sẽ thấy các con số đơn giản và tường minh. Nhưng để có cơ chế đề xuất Bộ Chính trị thông qua, đó là cả nỗ lực của Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn và các cơ quan trong suốt 15 tháng - khối lượng công việc thông thường phải mất 4-5 năm,” anh Nguyễn Mạnh Hải - Trưởng ban Công nghiệp Công nghệ cao Tập đoàn Viettel chia sẻ.

Anh Hải cho biết cống hiến của Viettel về khoa học, công nghệ sẽ có cơ hội nhiều hơn khi được “mở khóa” về chính sách. Qua quá trình làm việc, cơ quan nhà nước, Chính phủ, Quân đội và Đảng đều dành sự sự ủng hộ rất lớn cho Viettel.

Trước những đề xuất mới, rất nhiều ý kiến phản biện để làm rõ vấn đề, nhưng khi được Viettel giải trình thì rất ủng hộ. Điều đáng quý đó một phần vì thương hiệu tận tâm và cách làm nghiêm túc của người Viettel.

“Có trí tuệ đến mấy, nếu không tận tâm, làm việc cũng không thể thành công được”- anh Hải nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục