Trượt lở đất đá tại Việt Nam: Tăng cường ứng dụng khoa học tiên tiến

Nhiều công nghệ hiện đại về quan trắc trượt lở đất đá đã, đang đưa vào áp dụng tại Việt Nam như trạm đo mưa, camera quan sát, cảm biến rung động, cảm biến căng kế, thiết bị đo độ cao mực nước biển.
Trượt lở đất đá tại Việt Nam: Tăng cường ứng dụng khoa học tiên tiến ảnh 1Đất từ vườn sầu riêng sạt lở xuống vùi lấp tầng 1 của Trụ sở Trạm Cảnh sát Giao thông trên đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng). (Ảnh: TTXVN phát)

Thời gian qua, tình hình trượt lở đất đá ở khu vực miền núi, trung du phía Bắc và Tây Nguyên đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Điển hình là những vụ trượt lở đất tại thành phố Đà Lạt, Đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) hay vấn đề an toàn hồ đập tại một số khu vực ở Đắk Lắk, Đắk Nông. Vì thế, giải pháp trước mắt là cần áp dụng các hệ thống cảnh báo sớm về trượt lở đất đá để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

Các hệ thống cảnh báo sớm trượt lở đất đá đã được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Một số quốc gia phát triển mạnh các hệ thống cảnh báo sớm có thể kể đến như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc), Trung Quốc, Italy, Na Uy, Brazil...

Sớm áp dụng hệ thống quan trắc hiện đại

Theo Tiến sỹ Đào Minh Đức, Viện Địa chất, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, hiện nay, nhiều công nghệ hiện đại về quan trắc trượt lở đất đá đã và đang được đưa vào áp dụng tại Việt Nam như trạm đo mưa, camera quan sát, cảm biến rung động, cảm biến căng kế, thiết bị đo độ cao mực nước bằng sóng radar, cảm biến áp lực nước lỗ rỗng, giãn kế, cảm biến dịch chuyển trong hố khoan, thiết bị quét radar bề mặt, thiết bị đo dịch chuyển bằng định vị GPS.

Một số công trình nghiên cứu thử nghiệm cảnh báo sớm hiện tượng trượt lở đất đá cũng được triển khai. Tiêu biểu như Hệ thống quan trắc trượt lở dọc các tuyến đường giao thông miền núi tỉnh Quảng Nam; Hệ thống quan trắc trượt lở dạng dòng lũ bùn đá, áp dụng thử nghiệm tại Bản Khoang-Sa Pa-Lào Cai; Hệ thống quan trắc Trượt lở khối lớn tại huyện Xín Mần, Hà Giang, thuộc chương trình VINOGEO-SRV 07/056; Hệ thống quan trắc theo thời gian thực phục vụ cảnh báo sớm trượt lở đất áp dụng tại Bản Pho, xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và thị trấn Tĩnh Túc, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (Việt Nam); Hệ thống quan trắc cảnh báo trượt tự động tại một số khu đô thị trọng điểm khu vực Tây Nguyên; Hệ thống quan trắc tự động khối trượt lớn thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang.

Tiến sỹ Đào Minh Đức cho rằng khó khăn lớn nhất của hầu hết các hệ thống nghiên cứu cảnh báo sớm trượt lở đất đá trong nước hiện nay là cơ chế để duy trì và vận hành các thiết bị. Để tháo gỡ khó khăn này, các hệ thống cảnh báo sớm cần một lượng kinh phí duy trì nhất định kết hợp với nâng cao năng lực kỹ thuật của cán bộ ở địa phương. Kinh nghiệm của những người làm công tác phòng, chống trượt lở tại địa phương cho thấy, mô hình cảnh báo kết hợp hệ thống quan trắc với việc thiết lập các kế hoạch tập huấn, hành động, lập bản đồ sơ tán và sự tham gia của chính quyền địa phương cho hiệu quả thiết thực.

[Lưu ý những dấu hiệu nhận biết nguy cơ sạt lở đất]

Thông tin về cảnh báo thiên tai nói chung, trượt đất đá nói riêng, các kinh nghiệm nhận biết sớm, các tài liệu hướng dẫn phòng tránh và hạn chế thiệt hại có thể tham khảo từ Tổng cục Khí tượng Thủy văn và Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống Thiên tai. Thí dụ, về cảnh báo, dự báo lượng mưa hiện nay, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã tổ chức thực hiện với độ chi tiết đến từng các ô 1km2 với những trang thiết bị quan sát tự động và cảnh báo kịp thời.

Thời gian tới, Luật Phòng thủ dân sự đã được Quốc hội thông qua, khi triển khai Luật này sẽ có lực lượng phòng thủ dân sự tại địa phương. Đây là lực lượng được tổ chức đào tạo bài bản, chuyên nghiệp cùng nhân dân và các cơ quan trên địa bàn theo dõi, giám sát các dấu hiệu để có thể cảnh báo sớm, tránh những thiệt hại về người và tài sản.

Trượt lở đất đá tại Việt Nam: Tăng cường ứng dụng khoa học tiên tiến ảnh 2Một điểm sạt lở tại Yên Bái. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Bên cạnh đó, nhiều địa phương cần có kênh thông tin chuyên biệt của Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng, Chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn cấp tỉnh để thuận tiện đưa ra phương hướng chỉ đạo và ứng phó của từng địa phương.

Bên cạnh các nguồn thông tin chính thống, để góp phần cung cấp nhanh thông tin cảnh báo đến người dùng, một số nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook hay e-mail, tin nhắn đã được nhiều đơn vị sử dụng. Đây là các kênh thông tin nhanh, có thể tạo các nhóm để chia sẻ thông tin chi tiết cho từng khu vực cụ thể với từng giải pháp ứng phó riêng.

Kết hợp nhiều giải pháp căn cơ

Là chủ nhiệm nhiều đề tài nghiên cứu các phương pháp cảnh báo sớm tai biến sụt đất, trượt đất, lũ quét-lũ bùn đá bằng công nghệ viễn thám đa tầng, đa độ phân giải, đa thời gian và dữ liệu về cấu trúc địa chất, Tiến sỹ Trần Quốc Cường, Phó Viện trưởng Viện Địa chất, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nhận định dù đã có nhiều bước tiến đáng kể về dữ liệu và công nghệ nhưng ngày nay, việc đưa ra dự báo trượt lở đất vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính dẫn đến dự báo chưa đạt được độ chính xác cần thiết là do trong trượt lở đất có sự tương tác lẫn nhau của rất nhiều yếu tố, tạo nên những mối liên kết phức tạp giữa tác động ngoại lực và nội lực.

Trong những năm gần đây, nhờ tiến bộ của công nghệ viễn thám, trong đó ảnh chụp từ vệ tinh đóng vai trò then chốt, công tác dự báo trượt lở đất đã có những hướng đi mới, giúp tạo độ chính xác hơn so với trước đây. Theo đó, trong quá trình bay trên quỹ đạo cách Trái Đất khoảng 600-800km, một vệ tinh quang học có thể thu về các tấm ảnh tương tự trên máy ảnh hoặc điện thoại thông minh nhưng với độ bao phủ rộng từ vài trăm tới vài nghìn kilomet vuông.

Chúng sẽ ghi nhận hầu hết dấu hiệu của trượt lở đất như lớp phủ cây cối thay thế bằng đất trống, đường sá, nhà cửa bị vùi lấp…Bằng trực quan so sánh các ảnh chụp ở những thời điểm trước và sau mỗi đợt mưa bão, có thể nhận ra những thay đổi trên bề mặt Trái đất như các điểm trượt lở, ngập lụt.

Tuy nhiên, Tiến sỹ Trần Quốc Cường cho rằng vệ tinh quang học cũng có những khiếm khuyết nhất định như phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện thời tiết và ánh sáng mặt trời. Do đó, vệ tinh radar với tần suất chụp ổn định và không phụ thuộc các yếu tố thời tiết là một sự bổ sung cần thiết cho các nghiên cứu về trượt lở đất quy mô cả nước.

Cũng theo Tiến sỹ Trần Quốc Cường, trước hết, cần căn cứ theo các đánh giá nguy cơ tai biến ở mức khái quát và thực tế tai biến trượt lở, sạt lở đất để chọn các vùng có nguy cơ, vùng quan trọng từ đó đầu tư đánh giá chi tiết hơn, phân loại chi tiết hơn các khu vực, vùng, hay vị trí tai biến như Bắc Kạn, Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Giang để có cơ sở áp dụng loại giải pháp phù hợp. Có thể tính tới việc xây dựng cơ sở dữ liệu (lâu dài là dữ liệu lớn) phục vụ cho cảnh báo trượt lở đất gần với thời gian thực. Công nghệ viễn thám hay ảnh vệ tinh thuộc nhóm ngành công nghệ cao nên cần được liên tục cập nhật để bắt kịp xu hướng, do vậy Việt Nam có thể học tập các mô hình như ở Nhật Bản, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc).

Ngoài ra, Tiến sỹ Trần Quốc Cường cho rằng cần đầu tư và ứng dụng các công nghệ hiện đại trong dự báo khí tượng thủy văn, công nghệ giám sát, theo dõi trượt lở trên diện rộng và với khối trượt cụ thể. Tuy nhiên, công nghệ chỉ phát huy được khi có đủ dữ liệu, thông tin về địa chất, địa hình, lớp phủ. Đồng thời, việc nâng cao vai trò, nhận thức của người dân trong nhận biết các dấu hiệu trượt lở, chủ động phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai cũng là giải pháp tránh sạt lở trong thời gian tới.

Qua nhiều lần khảo sát nguyên nhân sạt lở, sụt trượt đất đai tại một số điểm trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, ông Đỗ Văn Lĩnh, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam đại diện Đoàn công tác của Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam (trực thuộc Cục Địa chất Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường), đề xuất các địa phương cần bố trí nhân lực tiếp tục theo dõi, cảnh báo tại các khu vực sạt lở theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương; ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an toàn cho tính mạng, tài sản của nhân dân.

Trượt lở đất đá tại Việt Nam: Tăng cường ứng dụng khoa học tiên tiến ảnh 3Mưa lũ khiến nước dâng cao tại phường Nghĩa Tân, thành phố Gia Nghĩa, Đắk Nông, cảnh báo nguy cơ sạt lở. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)

Đối với tỉnh Đắk Nông, về lâu dài, địa phương này cần khảo sát chi tiết để đánh giá nguyên nhân và đưa ra giải pháp phòng ngừa, khắc phục đối với tình trạng sạt lở, sụt trượt đất. Đây là vấn đề cấp bách trong thời điểm hiện nay và Đắk Nông cần tập trung làm ngay. Tỉnh cũng cần đầu tư khảo sát, cảnh báo và dự báo tổng thể các vùng nguy cơ cao sạt lở đất trên toàn tỉnh. Cụ thể, các ngành chức năng, chính quyền các địa phương phải theo dõi chặt các điểm sạt trượt và tỉnh sẽ ưu tiên đề xuất, tập trung xây dựng bản đồ cảnh báo sạt lở đất trên địa bàn toàn tỉnh.

Ông Đỗ Văn Lĩnh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại để thực hiện việc quan trắc; đồng thời khẳng định “khoa học” là nền tảng quyết định trong việc ứng phó, xử lý các sự cố thiên tai. Trong điều kiện kinh phí đầu tư còn hạn hẹp và nguồn nhân lực chưa thật dồi dào, có thể tăng cường hợp tác quốc tế để chủ động nắm bắt công nghệ mới và giúp phát triển đội ngũ nhân lực tiềm năng trong nước. Quá trình triển khai các công trình dự án cần tôn trọng dòng chảy tự nhiên, cần tính toán kỹ, hạn chế thấp nhất những tác động đến chân đồi, các khu vực địa hình đồi, dốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục