Việc nguồn phóng xạ Cs-137 tại Nhà máy Ximăng Bắc Kạn bị mất trong quá trình lưu giữ tại kho, cho dù được xác định không gây nguy hiểm tới sức khỏe con người, song vẫn dấy lên lo ngại về việc quản lý các nguồn phóng xạ hiện nay.
Phó Giáo sư, tiến sĩ Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã trao đổi về vấn đề này.
- Thưa Tiến sĩ Vương Hữu Tấn, hiện nay công tác tìm kiếm nguồn phóng xạ Cs-137 bị mất tại Bắc Kạn được triển khai như thế nào? Trong trường hợp này, trách nhiệm về việc để mất nguồn phóng xạ thuộc về ai?
PGS.TS Vương Hữu Tấn: Ngày 16/12/2015, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân nhận được thông báo của Sở Khoa học và Công nghệ Bắc cạn về việc mất nguồn phóng xạ ở Công ty Cổ phần xi măng Bắc Kạn DATC.
[Vụ phóng xạ Cs-137 thất lạc: Độ nguy hiểm tới đâu?]
Ở thời điểm bị mất, công ty này đã bị phát mãi tài sản, ngừng hoạt động. Thực tế, DATC sử dụng phóng xạ để đo mức điều khiển tự động xả Clinker trong nhà máy xi măng và được Cục cấp phép từ năm 2010, sử dụng đến 2013 thì hết hạn.
Cho dù đã dừng sử dụng, nhưng lúc chưa phát mãi (trước tháng 3/2015) thì nguồn phóng xạ này thuộc quyền quản lý của DATC song họ cũng không xin giấy phép lưu giữ dù đã có nhắc nhở. Như vậy, bản thân DATC vi phạm là hết thời gian giấy phép không xin phép để sử dụng tiếp và không sử dụng cũng không xin giấy phép lưu giữ.
Sau khi bị phát mãi và ngân hàng BIDV tiếp quản thì ngân hàng sẽ phải quản lý, chịu trách nhiệm toàn bộ, kể cả nguồn phóng xạ trong kho.
Khi cơ quan chức năng nhận được thông báo nguồn phóng xạ bị mất và xuống làm việc vào ngày 15/15/2015, bảo vệ của BIDV khai báo phát hiện mất nguồn phóng xạ này cách thời điểm đó khoảng hai tháng song không hề báo cho ngân hàng hay đơn vị nào.
[Nguồn phóng xạ Cs-137 ở ximăng Bắc Kạn bị mất cắp gây hoang mang]
Ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cử đoàn công tác lên Bắc Kạn phối hợp làm việc. Tôi đã làm việc trực tiếp với Sở Khoa học và Công nghệ, Công an tỉnh và có chuyên gia cùng thiết bị hỗ trợ công tác tìm kiếm.
Qua trao đổi, thấy rằng thời điểm mất nguồn phóng xạ không biết là khi nào nên việc tìm lại là khó.
Sau đó, Bộ Khoa học và Công nghệ có công điện gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn, đề nghị phối hợp, tạo điều kiện hỗ trợ đoàn công tác của Bộ nhằm hỗ trợ địa phương; khẩn trương thành lập ngay tổ công tác để ứng phó sự cố đồng thời tìm kiếm thu hồi.
Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, có nhiều kiến nghị quan trọng như việc yêu cầu các Bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn phóng xạ thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 17/CT/TTg về việc tăng cường bảo đảm an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ.
Ngoài ra, hiện nay có các nguồn phóng xạ đã qua sử dụng, nhưng nếu để ở các cơ sở lưu giữ thì tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh. Thông tư của Bộ Khoa học và Công nghệ yêu cầu cơ sở chỉ được lưu giữ nguồn phóng xạ trong ba năm, sau đó phải chuyển về nơi lưu giữ tập trung. Vừa qua Bộ Khoa học và Công nghệ đã làm việc với Bộ Quốc phòng, thống nhất sử dụng các cơ sở của Bộ Tư lệnh hóa học giúp lưu giữ nguồn phóng xạ này.
Trong kiến nghị có nêu năm 2016 là phải khẩn trương thu hồi tất cả các nguồn phóng xạ đã qua sử dụng, đặc biệt là những nguồn ở các cơ sở mà không có điều kiện lưu giữ an toàn để tránh việc mất cắp xảy ra.
- Theo ông, khả năng thu hồi các nguồn phóng xạ bị mất có cao không?
PGS.TS Vương Hữu Tấn: Khả năng thu hồi nguồn phóng xạ bị mất là không cao. Không chỉ Việt Nam, trên quốc tế, năm 2013 có 137 nguồn phóng xạ bị mất thì chỉ thu hồi lại được 17 nguồn.
- Có nhiều ý kiến còn lo ngại về sự nguy hại của Cs-137 đang ngoài tầm kiểm soát cho dù đã có thông tin từ cơ quan chức năng cho rằng nguồn phóng xạ này không gây nguy hiểm. Dưới góc độ chuyên môn, việc này nên hiểu như thế nào, thưa ông?
PGS.TS Vương Hữu Tấn: Nguồn phóng xạ Cs-137 có hoạt độ 4,5mCi, xếp theo phân loại nguồn phóng xạ thì thuộc nhóm số V (nhóm có nguồn phóng xạ có tỷ số hoạt độ tổng cộng trên hoạt độ riêng nhỏ hơn 0,01). Đối với nguồn này thì tỷ số là 0,0016 và như vậy là nhỏ hơn rất nhiều.
Theo tài liệu của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA TECDOC 1344) thì nguồn loại này không nguy hiểm cho con người, thậm chí khi tiếp xúc gần.
[Vụ phóng xạ Cs-137 thất lạc ở Bắc Kạn: Mức độ nguy hiểm tới đâu?]
- Trong trường hợp phóng xạ đã bị tháo khỏi thiết bị bảo vệ thì sao?
PGS.TS Vương Hữu Tấn: Những thông số nói trên là trong trạng thái nguồn phóng xạ để ra ngoài, còn đương nhiên khi nguồn phóng xạ được bảo vệ trong bình chì thì không có vấn đề gì.
- Theo ông, nguồn phóng xạ này bị lấy cắp để bán cho đồng nát hay còn vì mục đích gì?
PGS.TS Vương Hữu Tấn: Cái này chủ yếu là đồng nát bởi giá trị nguồn phóng xạ này rất thấp. Hiện, Trung Quốc bán với giá khoảng 6 triệu đồng. Người dân có biết cũng không lấy vì không bán cho ai được, bởi mua bán phóng xạ trong luật là cấm. Nhiều khả năng người dân không biết, thấy có bình chì khoảng 7-10kg thì lấy bán đồng nát thôi…
- Thưa ông, trong những năm gần đây chúng ta thấy có nhiều vụ mất nguồn phóng xạ. Vậy, vai trò, trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ trong vấn đề này như thế nào?
PGS.TS Vương Hữu Tấn: Sau sự cố năm 2014, tháng 11, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ra ngay Chỉ thị số 4050 yêu cầu các địa phương điều tra, thống kê các nguồn phóng xạ được sử dụng, lưu trữ tại địa phương để có biện pháp quản lý.
Về quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ, chúng tôi phải xây dựng các văn bản quản lý, cấp phép, thanh kiểm tra… Có thể nói đến nay tất cả các văn bản quản lý nguồn phóng xạ đều có. Bản thân Bộ cũng không thể đi hết các cơ sở để thanh kiểm tra liên tục mà phải giao cho các Sở Khoa học và Công nghệ địa phương.
Với nhà máy Ximăng Bắc Kạn, ngày 15/5/2015, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn tiến hành kiểm tra, đề nghị BIDV tăng cường công tác quản lý, không được di chuyển trước khi có ý kiến của các cơ quan quản lý, nhưng nhiều khi người ta vẫn chưa nâng cao trách nhiệm, nhận thức được.
Bởi thế, tôi cho rằng cần tăng cường tuyên truyền hơn nữa, phải tổ chức những hội nghị cho các chủ cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ… để nâng cao nhận thức, để người ta thấy rằng trách nhiệm của mình rất lớn và để mất là rất nguy hiểm. Bởi, có những nguồn phóng xạ lớn có khả năng gây thương vong cho người khác.
- Xin cảm ơn ông!
Tóm tắt diễn biến sự cố mất nguồn phóng xạ tại Bắc Kạn:
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, nguồn phóng xạ bị mất là nguồn Cs-137, do Trung Quốc sản xuất. Cs-137 được sử dụng để đo mức nhằm điều khiển tự động xả Clinker trong nhà máy xi măng của Công ty Cổ phần xi măng Bắc Kạn DATC.
Do quá trình sản xuất bị thua lỗ, DATC không còn sản xuất và Cs-137 được đưa vào kho lưu giữ. DATC bị Chi cục thi hành án dân sự thị xã Bắc Kạn ra quyết định thi hành án và theo đó Ngân hàng BIDV Bắc Kạn đã tiếp quản toàn bộ tài sản của DATC từ 31/3/2015.
Ngày 15/5/2015, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn tiến hành kiểm tra an toàn tại cơ sở lưu giữ nguồn phóng xạ trên hiện do BIDV quản lý và kiến nghị đơn vị này bảo vệ nguồn phóng xạ được lưu giữ trong kho, không di chuyển ra khỏi cho đến thời điểm cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý.
Ngày 18/5/2015, Chi cục thi hành án dân sự Bắc Kạn có công văn gửi Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn thông báo đại diện pháp luật của DATC không cung cấp và thông báo cho đơn vị này về nơi bảo vệ Cs-137 để kiến nghị cơ quan chức năng xử lýt theo quy định. Sau đó, ngày 21/5/2015, Công an tỉnh Bắc Kạn cũng có công văn gửi Sở Khoa học và Công nghệ lưu ý việc quản lý nguồn phóng xạ của DATC.
Ngày 26/5/2015, Sở Khoa học và Công nghệ có công văn gửi Công ty DATC và Quyền giám đốc công ty này là ông Đinh Văn Bằng, nhắc nhở và khẳng định trách nhiệm của DATC trong việc lưu giữ an toàn an ninh nguồn phóng xạ.
Ngày 12/6/2015, Cục An toàn bức xạ hạt nhân có công văn gửi các bên liên quan về việc thu gom nguồn phóng xạ tại DATC. Tới ngày 25/11/2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn có công văn gửi DATC, BIDV, Sở Khoa học và Công nghệ, Công an tỉnh Bắc Kạn yêu cầu di chuyển Cs-137 về nơi lưu trữ an toàn trước ngày 15/12/2015.
Vào 8 giờ 30 ngày 15/12/2015, ông Đinh Văn Bằng thông báo cho Sở Khoa học và Công nghệ, Công an tỉnh Bắc Kạn về nguồn phóng xạ này bị mất cắp. Hai đơn vị này đã xuống hiện trường và được bảo vệ của BIDV khai báo cách đó khoảng 2 tháng phát hiện khóa cửa kho bị cưa nên đã vận chuyển đồ đạc, thiết bị ở kho lưu giữ nguồn phóng xạ sang kho bên cạnh, nhưng trong thùng gỗ không còn nguồn phóng xạ nữa. Tuy nhiên, bảo vệ không báo cho BIDV và đã chuyển thùng gỗ ra ngoài.
Ngay sau đó, ngày 16/12, Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn đã có báo cáo gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân sự việc này.