Cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị bệnh hô hấp tại Việt Nam” vừa được vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ.
Đây là cụm công trình có giá trị khoa học rất lớn, nhằm giải quyết một vấn đề y tế cộng đồng rất khó khăn là bệnh hô hấp, đặc biệt là bệnh lao ở Việt Nam.
Trong nhiều năm qua, nhóm các nhà khoa học đến từ nhiều đơn vị đã thực hiện công trình nghiên cứu khoa học đồ sộ này, giúp đẩy lùi bệnh lao, cứu sống hàng nghìn người bệnh lao đa và siêu kháng thuốc.
Giảm gánh nặng bệnh lao tại Việt Nam
Phó giáo sư Nguyễn Viết Nhung - Nguyên Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia (thuộc nhóm tác giả) cho hay một trong những thành công nổi bật của công trình là sau 40 năm lịch sử điều trị lao, nhóm các nhà khoa học Việt Nam đã hợp tác cùng các nhà khoa học thế giới nghiên cứu và phát triển thành công phác đồ điều trị lao 4 tháng. Đây là một bước tiến quan trọng trong lộ trình chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu.
Với việc áp dụng phác đồ mới, thuốc mới, cụm công trình nghiên cứu này đã cứu sống hàng nghìn người bệnh lao đa kháng, tiền siêu kháng và siêu kháng thuốc.
Công trình này là sản phẩm của đội ngũ nhân viên y tế chuyên ngành phổi, đã tập hợp được sức mạnh về trí tuệ và công nghệ từ các nhà khoa học lớn trong nước và trên thế giới từ Australia, Hoa Kỳ, Hà Lan, Anh.
Theo thống kê của Chương trình Chống lao Quốc gia, mỗi năm Việt Nam ước tính có thêm 170.000 người mắc bệnh lao mới.
[Nhiều thách thức đặt ra đối với chương trình phòng chống lao quốc gia]
Phó giáo sư Nguyễn Viết Nhung cho hay một điểm nổi bật của công trình đó là việc thực hiện mục tiêu phát hiện bệnh lao chủ động từ sớm, đưa vào điều trị sớm bằng phương pháp chữa bệnh tiên tiến, giảm tỷ lệ tử vong. Bởi một người mắc bệnh lao nếu không chữa trị, tỷ lệ tử vong trong 1 năm khoảng 20% nhưng khi họ được điều trị bệnh lao thì tỷ lệ tử vong chỉ dưới 3%.
Công trình nghiên cứu đã đưa ra các bằng chứng để chứng minh việc ứng dụng thành công các kỹ thuật tiên tiến để sàng lọc, chẩn đoán sớm và xây dựng phác đồ mới điều trị bệnh lao đã giúp giảm gánh nặng bệnh lao tại Việt Nam nhanh hơn nhiều so với mức trung bình của toàn thế giới (tỷ lệ giảm là 4,5% mỗi năm tại Việt Nam so với 1,5% mỗi năm trên toàn cầu). Dịch tễ lao giảm trong 10 năm qua đã giúp tiết kiệm được 8.781 tỷ đồng, tương đương với ngăn ngừa 284.000 người mắc lao mới nếu không có các biện pháp phòng, chống bệnh.
Đột phá về mặt điều trị
Công trình bao gồm 23 nghiên cứu, trong đó nổi bật nhất là nghiên cứu về lao từ cơ bản đến lâm sàng và nghiên cứu phát triển. Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là cụm công trình nghiên cứu có giá trị rất cao về khoa học công nghệ, áp dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến, đột phá và mang tính sáng tạo.
Kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng hơn ba năm để giải quyết một vấn đề y tế cộng đồng rất khó khăn là bệnh hô hấp, đặc biệt là bệnh lao ở Việt Nam. Cụm công trình nghiên cứu trên phạm vi toàn quốc với số người tham gia nghiên cứu lên đến hàng trăm ngàn, được thực hiện bởi số lượng nghiên cứu viên rất lớn từ trung ương đến địa phương.
Phó giáo sư Nguyễn Viết Nhung cho biết công trình này lần đầu tiên thực hiện nghiên cứu với mẫu lớn gần 100.000 người với việc triển khai chủ động tiếp cận bệnh nhân, tiếp cận người nhóm nguy cơ cao nhất là mũi nhọn, được nghiên cứu trên diện rộng. Cà Mau là địa phương chọn vì dân số tương đối biệt lập tham gia vào nghiên cứu. Sau 4 năm nghiên kết quả phát hiện chủ động rộng khắp cộng đồng bằng công nghệ mới làm giảm tỷ lệ mắc lao nhanh hơn tới 44% so với cách triển khai thông thường. Nếu kết hợp hiệu ứng tác dụng phòng chống lao thường quy, con số này tăng lên 72%.
Chiến lược mới đó là 2X gồm X-quang sàng lọc tìm ra người nghi lao và X-pert để khẳng định mắc lao cho phát hiện chủ động để có thể sàng lọc nhanh số lượng lớn người có nguy cơ mắc lao. Bằng chứng rõ rệt là tỷ lệ phát hiện tăng lên.
Mô hình này khi triển khai cho thấy hiệu quả rất cao, giúp Việt Nam khẳng định vị thế của một nước đi đầu và đề xuất cho Hội đồng Tư vấn Chiến lược của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm phổ biến và nhân rộng mô hình trên phạm vi toàn cầu.
“Chúng tôi đang hy vọng và triển khai tích cực, bởi nếu sau 4 năm áp dụng mà giảm được 72% ca mắc lao trong cộng đồng thì việc chấm dứt bệnh lao sẽ rất khả thi. Đó là bằng chứng truyền cảm hứng tạo niềm tin cho những người quyết tâm chấm dứt bệnh lao trên toàn thế giới,” ông Nguyễn Viết Nhung phân tích.
Một nhánh khác trong nghiên cứu là việc áp dụng phác đồ mới cho điều trị lao với 2 mục tiêu là rút ngắn thời gian điều trị và an toàn để có tỷ lệ khỏi nhiều nhất. Sau 40 năm, Việt Nam có phác đồ điều trị lao 4 tháng, đột phá về mặt điều trị, tác dụng phụ giảm rất nhiều.
Theo Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia, việc rút ngắn thời gian điều trị chỉ còn 2/3 so với phác đồ hiện tại đã làm tăng khả năng tuân thủ điều trị, giảm nguy cơ xuất hiện tác dụng phụ nghiêm trọng, nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh.
Một nhánh nữa là nhóm nghiên cứu xác định gánh nặng dịch tễ bệnh lao trên toàn quốc và những khoảng trống cần can thiệp từ hệ thống y tế, từ cộng đồng người bệnh và từ hệ thống chính trị..., từ đó xây dựng các mô hình can thiệp và đưa ra được mục tiêu chấm dứt bệnh lao.
Nghiên cứu khẳng định bằng chứng Việt Nam có thể chấm dứt bệnh và đó không phải là chuyện phi thực tế.
Cụm công trình được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ là động lực để lan tỏa đến mạng lưới cán bộ làm công tác phòng chống bệnh lao trên cả nước cùng hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao. Bởi việc chấm dứt bệnh lao sẽ giúp hàng chục nghìn người thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Kết quả của các nghiên cứu đã tham mưu cho Chính phủ và Bộ Y tế ban hành những chính sách y tế hiệu quả, đồng bộ, bảo đảm cung cấp cho người bệnh một hệ thống chăm sóc sức khỏe phổi toàn diện từ tuyến trung ương đến địa phương, đồng thời hoạch định các chiến lược và Chương trình hành động quốc gia về chấm dứt bệnh lao. Bài học về chống dịch COVID-19 trong những năm qua có thể tác động tích cực tới việc chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam./.
Công trình có 3 nhóm nghiên cứu: Nhóm 1: Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến để sàng lọc, chẩn đoán sớm và xây dựng phác đồ mới điều trị bệnh lao (07 nghiên cứu) - vấn đề cốt yếu để giải quyết nguồn lây và điều trị triệt để bệnh lao. Nhóm 2: Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến để chẩn đoán và điều trị một số bệnh hô hấp (12 nghiên cứu) - ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến để xây dựng quy trình kỹ thuật ghép phổi, chẩn đoán, điều trị, quản lý cúm A (H5N1), ung thư phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và chít hẹp khí quản/ phế quản. Nhóm 3: Hoạch định chính sách hiệu quả đồng bộ nhằm chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam (04 nghiên cứu) - thực hiện một mục tiêu của Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XII. |