Truyền cốt lõi văn hóa qua các lớp học tiếng Việt tại Thụy Sĩ

Các lớp dạy tiếng Việt gồm lớp vỡ lòng dành cho trẻ em và các lớp cho người lớn với các giáo trình xen kẽ các kỹ năng nhằm giúp học viên học được cách phát âm, từ vựng, cách nói và viết đúng ngữ pháp.
Truyền cốt lõi văn hóa qua các lớp học tiếng Việt tại Thụy Sĩ ảnh 1Thiếu nhi Việt kiều học tiếng Việt. Ảnh minh họa. (Nguồn: Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài)

Việc duy trì và gìn giữ tiếng Việt cho thế hệ mai sau luôn là mối quan tâm của nhiều người Việt tại Thụy Sĩ, nhất là những người xa quê hương mấy chục năm và đã ít nhiều hội nhập cuộc sống của mình tại nước sở tại.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Geneva đã có buổi trao đổi với tiến sỹ Hoàng Văn Khẩn, Chủ tịch Hội Nhịp cầu thái bình (Le Pont du Pacifique), và là người trực tiếp mở các lớp và soạn thảo chương trình dạy tiếng Việt tại Thụy Sĩ xung quanh đề tài này.

Tiến sỹ Hoàng Văn Khẩn cho biết lớp dạy tiếng Việt đầu tiên được mở hồi năm 2005 với sự giúp đỡ của Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva lúc bấy giờ.

Sau một vài năm đi vào ổn định, cùng với sự cộng tác của một số Việt kiều tâm huyết, hội Nhịp cầu thái bình và Trường Âu Lạc Việt đã được thành lập và trở thành cây cầu nối giữa Thụy Sĩ và Việt Nam thông qua việc dạy tiếng Việt để quảng bá văn hóa Việt Nam đến các học viên.

Các khóa học nhằm truyền tải được những nét văn hóa đặc sắc như biểu tượng trống đồng Việt Nam hay những bài học lịch sử dựng nước và giữ nước của ông cha ta qua các đời vua Hùng, những truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam đến người học.

Các lớp dạy tiếng Việt bao gồm những lớp vỡ lòng dành cho trẻ em và các lớp cho người lớn với các giáo trình xen kẽ các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết nhằm giúp học viên học được cách phát âm, từ vựng, cách nói và viết theo đúng ngữ pháp. 

Về vai trò của phương pháp dạy và cách soạn giáo trình đối với việc khơi dậy niềm say mê học tiếng Việt học của học viên, tiến sỹ Hoàng Văn Khẩn cho rằng ngôn ngữ phát triển đầu tiên là âm thanh và giáo viên cần phải có phương pháp sư phạm để truyền được cảm hứng mới mang lại kết quả cao nhất.

Theo ông, việc lựa chọn các bài hát đồng dao, dân ca, bài hát của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đưa vào giáo trình dạy cũng cần phải chú trọng đến yếu tố âm thanh của ngôn ngữ và các giáo viên cần cố gắng quay vòng sử dụng những từ thông dụng để người học có thể sử dụng tiếng Việt có thể chuyện trò bình thường trong đời sống thường ngày.

Ông cũng cho rằng Việt Nam cần có một cơ quan chịu trách nhiệm và có thẩm quyền hành chính để quyết định chuẩn hóa một số từ ngữ tiếng Việt dựa trên khoa học để thống nhất sử dụng ở trong nước.

Qua sự giao thoa, hợp tác và mối quan hệ giữa Việt kiều và người nhà ở trong nước, hệ thống từ ngữ chuẩn ở trong nước sẽ tự động chuyển ra nước ngoài để tạo sự đồng bộ trong việc dạy tiếng Việt cả ở trong nước và nước ngoài.

Đánh giá về việc tiếp tục gìn giữ cũng như trao truyền tiếng Việt và niềm tự hào về ngôn ngữ tại Thụy Sĩ, tiến sỹ Hoàng Văn Khẩn cho rằng Thụy Sĩ là một quốc gia đa ngôn ngữ, tiếng Việt cũng như chữ quốc ngữ có một lợi thế trong mối tương quan phát triển lập trình điện toán.

Hoạt động mã hóa văn tự là yêu cầu của thời đại công nghệ thông tin hiện nay và việc đúc rút những bài học kinh nghiệm cũng như đề ra phương hướng, biện pháp mới luôn là điều cần thiết đối với những người gắn bó với lĩnh vực văn hóa và giáo dục.

Ông nhấn mạnh người Việt Nam cần hiểu và tự hào về ngôn ngữ mẹ đẻ cũng như cần tạo điều kiện cho giới trẻ nắm được ngôn ngữ tiếng Việt và truyền thống Việt Nam.

Do văn hóa hai nước khác nhau, tiến sỹ Hoàng Văn Khẩn cho rằng cần phải chú trọng đến việc viết bài và tài liệu phải được soạn thảo theo đúng tiêu chuẩn của học sinh Thụy Sĩ chứ không phải học sinh Việt Nam.

Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng cần cố gắng tạo môi trường văn hóa và những cơ hội để các em tham gia vào các sinh hoạt văn hóa trong cộng đồng để góp phần bảo tồn tiếng nói và văn hóa dân tộc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục