Truyền thông về pháp luật và chính sách cho người Việt Nam ở nước ngoài là nhiệm vụ quan trọng, thể hiện phương châm “đi trước mở đường,” giúp kiều bào hiểu rõ, hiểu đúng chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Đó là vấn đề được nêu lên trong hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại do Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức ngày 8/12.
Phát biểu về nội dung này, tiến sỹ Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng khi kiều bào nắm được nội dung chính sách thì có thể tham gia đóng ý kiến, phản hồi đối với các dự thảo chính sách pháp luật liên quan. Qua đó, kiều bào sẽ phản ánh những vướng mắc, khó khăn, tâm tư, nguyện vọng tới Đảng, Nha nước và nhân dân trong nước, góp phần gắn kết chặt chẽ khối đại đoàn kết toàn dân.
“Từ đó, kiều bào ta càng ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình đối với quê hương, đất nước đồng thời giúp sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, thể chế,” ông Lê Vệ Quốc khẳng định.
Vụ trưởng Lê Vệ Quốc nêu rõ Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới cũng đã đề ra nhiệm vụ đổi mới nội dung, phương thức và tư duy về công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại, kịp thời thông tin về tình hình đất nước và chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi, vận dụng và phát huy hiệu quả các sáng kiến, ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đội ngũ trí thức doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài.
[Xây dựng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đoàn kết, phát triển]
Xác định hoạt động truyền thông dự thảo chính sách cho đối tượng người Việt Nam ở nước ngoài là hoạt động có tính chất đặc thù, Tiến sỹ Lê Vệ Quốc cho rằng cần đa dạng hóa hoạt động truyền thông dự thảo chính sách pháp luật cho người Việt Nam ở nước ngoài bằng các hình thức phù hợp, hiệu quả như: Xây dựng tài liệu truyền thông dự thảo chính sách pháp luật ngắn gọn, sinh động, dễ hiểu, được dịch ra tiếng nước ngoài phổ thông; tổ chức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng chuyên biệt dành cho người Việt Nam ở nước ngoài (trọng tâm là kênh VTV4 Đài Truyền hình Việt Nam; kênh thông tin đối ngoại của Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam).
Ngoài ra, tiến sỹ Lê Vệ Quốc cho rằng việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số thông qua trang thông tin điện tử cũng có vai trò hết sức quan trọng.
“Chúng tôi kiến nghị tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, nghiệp vụ, cung cấp tài liệu kỹ năng về tổ chức truyền thông chính sách cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cán bộ quản lý báo chí để tham gia triển khai thực hiện nhiệm vụ một cách có hiệu quả,” ông Lê Vệ Quốc nói.
Ngoài ra, ông Lê Vệ Quốc cũng đề xuất cần có cơ chế để cơ quan báo chí phối hợp, cùng tham gia thực hiện truyền thông chính sách, trong đó có việc đặt hàng, giao nhiệm vụ truyền thông chính sách cho cơ quan báo chí thực hiện... để bảo đảm hoạt động này được triển khai ổn định, bền vững.
Phát biểu tại hội nghị, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại Pham Anh Tuấn cho rằng cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, tích cực từ phía các cơ quan thông tin, truyền thông với các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản, cơ quan ngoại giao trong truyền thông dự thảo chính sách cho người Việt Nam ở nước ngoài để bảo đảm thông tin đa chiều, khách quan, chính thức, chính xác và đầy đủ. Có như vậy mới góp phần nâng cao chất lượng của văn bản pháp luật cũng như công tác người Việt Nam ở nước ngoài./.
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đến nay có khoảng 5,3 triệu người sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kiều bào ta vẫn luôn hướng về Tổ quốc, gắn bó máu thịt với cội nguồn dân tộc, là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam; là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. |