Sau khi kết quả vòng một cuộc bẩu cử Tổng thống Pháp được công bố với chiến thắng thuộc về hai ứng cử viên có số phiếu cao nhất là ứng cử viên trung dung Emanuel Macron và thủ lĩnh đảng cực hữu Mặt trận dân tộc (FN) Marine Le Pen, truyền thông châu Âu và Mỹ nhận định việc ông Macron dẫn đầu trong cuộc bỏ phiếu vòng một là kết quả đáng mừng cho Liên minh châu Âu (EU), song cũng không ngừng cảnh báo về khả năng lội ngược dòng của đối thủ chính là bà Le Pen, người theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu, có tư tưởng bài ngoại và chống nhập cư.
Báo Guardian của Anh trong khi miêu tả ứng cử viên Macron là "niềm hy vọng sáng nhất cho một quốc gia vĩ đại đang sa lầy" cũng cảnh báo "những mối đe dọa từ phái cực hữu" vẫn chưa thực sự đã chấm dứt.
[Hai ứng cử viên Macron và Le Pen sẽ bước vào vòng hai bầu cử Pháp]
Trong khi đó, tờ Finacial Times nhận định khả năng cao chiến thắng tại vòng quyết định vào ngày 7/5 tới sẽ thuộc về ông Macron nhưng dự đoán một giai đoạn cầm quyền không hề dễ dàng với những cuộc "đàm phán hóc búa" đang đợi ông Macron ở phía trước để có thể triển khai các chương trình cải cách mà ông xây dựng trong chiến dịch tranh cử của mình.
Còn tại Mỹ, kênh truyền hình Fox News (Mỹ) cũng gợi nhắc chiến thắng bất ngờ của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11 năm ngoái, bất chấp mọi dự đoán từ giới chuyên gia, để nói về cơ hội xoay chuyển cuộc đua của bà Le Pen.
Đây cũng là quan điểm của tờ Global Times (Thời báo Hoàn Cầu) của Trung Quốc, với nhận định các chuyên gia dự báo ông Macron chiến thắng cũng chính là những người từng dự báo sai trong cuộc bầu cử Mỹ vừa qua.
Nhiều tờ báo cũng nhắc lại lịch sử các cuộc bầu cử tại Pháp với chiến thắng luôn thuộc về các đảng phái lớn là đảng Cộng hòa và đảng Xã hội Pháp.
Tờ Wall Street Jounal cho rằng kết quả lần này như một "cú giáng bất ngờ" dành cho các đảng phái lớn tại quốc gia này. Báo Frankfurter Allgemeine Zeitung (Đức) nhận định chiến thắng lần này của ông Macron quá sít sao.
Đài BBC của Anh cho rằng Pháp đang vào "vùng chính trị hoàn toàn mới" và dù ai trong số hai ứng cử viên còn lại giành chiến thắng thì nước Pháp cũng sẽ rơi vào tình trạng "chia rẽ sâu sắc."
Vòng hai sẽ là cuộc đấu giữa hai tầm nhìn hoàn toàn đối ngược về tương lai của nước Pháp, một bên là một quốc gia hội nhập và cởi mở với toàn thế giới còn bên kia là quốc gia "cuộn tròn" trong khuôn khổ biên giới và đi theo lối truyền thống.
Cũng trong ngày 24/4, Điện Kremlin tuyên bố tôn trọng kết quả vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống Pháp và hy vọng sẽ có quan hệ tốt hơn với Paris.
Hãng tin RIA Novosti dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: "Chúng tôi tôn trọng sự lựa chọn của người dân Pháp. Chúng tôi ủng hộ việc xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp và đôi bên cùng có lợi."
Hai ứng cử viên Macron và Le Pen sẽ có 2 tuần để vận động các cử tri. Trong các cuộc thăm dò dư luận từ nhiều tháng qua, ông Macron luôn chiếm lợi thế hơn bà Le Pen nếu cả hai đối đầu tại vòng hai, thậm chí còn có thể bỏ xa bà Le Pen tới 25% số phiếu./.