Truyền thông số đóng góp tích cực vào sự phục hồi của du lịch Việt Nam

Truyền thông số được triển khai đa dạng trên các website, mạng xã hội đã góp phần lan tỏa mạnh mẽ thông tin du lịch Việt Nam, giúp ngành du lịch phục hồi, đạt doanh thu 650.000 tỷ đồng trong năm nay.
Trang vàng du lịch Việt Nam là nền tảng kết nối giữa nhà cung cấp dịch vụ và khách hàng. (Ảnh chụp màn hình)

Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 110 triệu lượt khách, trong đó khoảng 102 triệu khách nội địa và 8 triệu lượt khách quốc tế, mang lại nguồn thu 650.000 tỷ đồng.

Những mục tiêu trên được đưa ra trên cơ sở những thành công của ngành du lịch trong năm 2022 trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức. Khách quốc tế đến nước ta đạt trên 3,66 triệu lượt (73% kế hoạch), tuy chưa được như kỳ vọng nhưng khách nội địa đạt 101,3 triệu lượt, vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID-19.

Du lịch đã mang lại cho đất nước ước tính 495.000 tỷ đồng. Thị trường du lịch đã là điểm tựa vững chắc và truyền thông số đã đóng góp tích cực vào sự phục hồi của ngành du lịch trong năm 2022.

Việc truyền thông được triển khai đa dạng trên các website và mạng xã hội. Trong đó, website https://vietnamtourism.gov.vn phục vụ quản lý nhà nước và xúc tiến du lịch. Website https://vietnam.travel chuyên trách quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam ra nước ngoài.

Cùng với đó là hệ thống các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube, Instagram… góp phần lan tỏa mạnh mẽ thông tin du lịch Việt Nam.

[Kỳ vọng hồi phục ngành du lịch Việt Nam trong năm 2023]

Từ các kênh truyền thông này, các điểm đến hấp dẫn, sản phẩm dịch vụ du lịch chất lượng đã được quảng bá, giới thiệu tới du khách trong và ngoài nước thông qua các video clip, bài viết, hình ảnh đẹp mắt.

Đặc biệt, thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển du lịch, nhất là thông tin mở cửa du lịch Việt Nam từ ngày 15/3/2022 đã được cập nhật nhanh chóng, kịp thời, chính xác.

Du khách trải nghiệm du lịch ảo. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Việc truyền thông của ngành du lịch bám sát chủ đề “Live fully in Vietnam” hướng tới thị trường quốc tế và “Du lịch an toàn, trải nghiệm trọn vẹn” hướng tới thị trường nội địa.

Đáng chú ý, chương trình truyền thông du lịch Việt Nam trên nền tảng số YouTube chủ đề “Việt Nam: Đi để yêu!” với nhiều video clip đã thu hút hàng triệu lượt xem trên kênh YouTube.

Với cách làm sáng tạo, mới mẻ, “Việt Nam: Đi để yêu!”đã cho ra mắt những video clip đẹp mắt, miêu tả vẻ rực rỡ, tình yêu quê hương đất nước sống động đất nước, con người và các dịch vụ du lịch chu đáo, đẳng cấp tại Việt Nam, truyền cảm hứng cho du khách đi du lịch Việt Nam. Các video clip chính thức của Tổng cục Du lịch.

Trong năm 2022, các video clip trong chương trình “Việt Nam: Đi để yêu!” đã ra mắt vào những thời điểm có ý nghĩa quan trọng đối với ngành du lịch. Tiêu tiêu biểu như clip “Xuân đoàn viên” vào dịp Tết Nguyên đán.

Clip “Trải nghiệm trọn vẹn” nhân dịp du lịch Việt Nam mở cửa trở lại từ ngày 15/3/2022 và chào đón Năm Du lịch quốc gia 2022 tại Quảng Nam.

Tiếp đó, clip “Let’s shine and live fully” quảng bá du lịch dịp SEA GAMES 31 vào tháng 5/2022; clip “Wonders of Vietnam” nhân dịp kỷ niệm 62 năm thành lập ngành Du lịch Việt Nam (9/7/1960 - 9/7/2022)…

Website quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài https://vietnam.travel tăng hạng mạnh trên thế giới. Điều này cho thấy sự quan tâm lớn của du khách quốc tế đối với du lịch Việt Nam cũng như ghi nhận bước tiến mới trong công tác truyền thông số của ngành du lịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục