TT-Huế đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn phát triển kinh tế hộ gia đình

Sản xuất lâm nghiệp trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng của Thừa Thiên-Huế, trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ rừng quốc tế FSC đang phát triển theo chiều hướng tốt.
Các cây giổi giống. (Ảnh: TTXVN)
Các cây giổi giống. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 2/10, tại thành phố Huế, Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với tỉnh Thừa Thiên-Huế về tình hình thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn đánh giá cao các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế trong việc nghiêm túc tổ chức thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW, tạo chuyển biến tích cực và rõ nét trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn đề nghị địa phương tiếp tục tuyên truyền, giáo dục pháp luật về quản lý bảo vệ và phát triển rừng; đẩy mạnh trồng rừng thay thế, rừng phòng hộ, đặc dụng, trồng rừng sản xuất tập trung; rà soát, kiểm soát chặt việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

Đẩy mạnh việc trồng rừng gỗ lớn, cung cấp nguyên liệu gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo yêu cầu của thị trường quốc tế.

Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nguyên liệu được chú trọng từ khâu chọn, tạo giống, kiểm soát, đảm bảo chất lượng giống cho trồng rừng, đến trồng rừng thâm canh, chăm sóc rừng, khai thác gỗ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng.

Các ngành chức năng phải thường xuyên phối hợp để phát triển ngành chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ.

[Đắk Nông trồng hơn 30ha rừng phục hồi môi trường sau khai thác bauxite]

Tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức sắp xếp lại các tổ chức quản lý rừng; đổi mới cơ chế, tổ chức quản lý rừng theo hướng nâng quyền tự chủ đối với các ban quan lý rừng và doanh nghiệp; tăng các giải pháp, khai thác nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế có diện tích rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp là 348.789 ha; trong đó diện tích đất có rừng 311.051 ha, rừng tự nhiên 212.180 ha, độ che phủ rừng đạt 57,34%.

Rừng tự nhiên tại Thừa Thiên-Huế cơ bản được giám sát chặt chẽ, không để xảy ra điểm nóng phá rừng.

Sản xuất lâm nghiệp trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, góp phần đáng kể tăng trưởng kinh tế địa phương, là cơ hội làm giàu đối với nhiều hộ vùng nông thôn, miền núi; trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ rừng quốc tế FSC đang phát triển theo chiều hướng tốt.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Đại Anh Tuấn, sau 3 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã nâng nhận thức, ý thức và trách nhiệm của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng chính quyền, cán bộ, đảng viên nhất là trách nhiệm người đứng đầu về công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông cũng cho biết, công tác quản lý quy hoạch sử dụng đất và phát triển kinh tế-xã hội luôn được xem xét cẩn trọng, hạn chế thấp nhất tác động đối với tài nguyên rừng, nhất là rừng tự nhiên.

Việc kiểm tra, thanh tra giám sát hoạt động quản lý bảo vệ rừng thực hiện thường xuyên và đột xuất.

Từ năm 2017 đến nay, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tổ chức hàng trăm đợt truy quét qua đó xử lý vi phạm hành chính 1.559 vụ, thu nộp ngân sách hơn 12 tỷ đồng; khởi tố 4 vụ án với 5 bị can; trong đó, từ đầu năm 2019 đến nay, các cơ quan chức năng của tỉnh phát hiện và xử lý 91 vụ phá rừng tự nhiên lấn chiếm đất lâm nghiệp.

Địa phương luôn cố gắng thực hiện đúng quy hoạch và quản lý quy hoạch thông qua giám sát hoạt động phát triển liên quan đến tài nguyên rừng, giám sát chặt chẽ dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, nhất là dự án phát triển thủy điện, khai thác khoáng sản, xây dựng khu công nghiệp, dịch vụ du lịch.

Những năm gần đây, nhờ ứng dụng công nghệ viễn thám nên kịp thời ngăn chặn nhiều vụ phá rừng lấy đất sản xuất.

Tỉnh thành lập được 14 hợp tác xã lâm nghiệp, qua đó thúc đẩy kinh doanh rừng trồng theo chuỗi giá trị, tạo công ăn việc làm bền vững cho người dân miền núi, hạn chế tác động vào rừng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục